Ký ức & khoảng cách

03/03/2015 - 05:31

PNO - PN - Elena Pucillo Trương vừa cho ra mắt tập truyện ngắn & tùy bút Một phút tự do với phần lớn vốn sống của tác phẩm là sự khám phá và cảm nhận từ chiều sâu ký ức bản quán của chồng và từ tâm hồn bè bạn nơi thành phố mà...

edf40wrjww2tblPage:Content

Ky uc & khoang cachQuyển sách được người đọc đón nhận bằng sự trìu mến và ngỡ ngàng. Trìu mến, trước tiên là do cách thể hiện nhẹ nhàng mà sâu lắng ở mỗi câu chuyện được kể, ở từng cảm xúc được ghi lại. Và ngỡ ngàng, bởi tác giả không chỉ là một tiến sĩ ngôn ngữ và văn học của trường Đại học Milano với trí tuệ và sự mẫn cảm của một người đàn bà phương Tây nồng hậu mà Elena còn là một cô dâu Việt.

Một nhà văn vừa là người bạn gần gũi với Elena khi đọc Một phút tự do, đã cho đây là một “sự nhập cuộc trôi chảy”. Hẳn nhiên, “sự nhập cuộc” nơi người đàn bà xinh Ý đẹp này, không chỉ ở văn chương. Vượt lên chữ nghĩa, vượt lên cấu tứ là những ngày tháng Elena âm thầm dò dẫm khám phá xứ sở với những tương đồng và quá nhiều khác biệt so với quê hương mình, dân tộc mình, để có được cảm nhận đằm sâu bằng “bộ lọc” của riêng mình trước tạp âm, khói bụi, nhộn nhạo, xô bồ cùng những gam màu sáng tối của nó, rồi quen, rồi gần, rồi thân và không thể rời xa.

So với Elena Pucillo Trương, “sự nhập cuộc” của tôi đối với thành phố này cũng chẳng dễ dàng hơn, dù tôi trở thành cư dân của đô thị lớn nhất nước đã gần hai mươi năm. Sự “nhập cuộc” nhọc nhằn, có lẽ một phần do tuổi thơ trôi dạt của tôi. Dòng xoáy dữ đội của chiến tranh đã cuốn tôi cùng gia đình rời khỏi nơi sinh thành, xô đẩy chúng tôi đến nhiều nơi và không lưu lại nơi nào đủ lâu để trở thành xứ sở, thành nỗi nhớ không nguôi.

Suốt một thời gian dài, tôi thường tự hỏi: Quê mình ở đâu? Chốn chôn nhau cắt rốn của cha của mẹ hay nơi tôi cất tiếng khóc chào đời? Tên làng, tên xã… những địa danh quen thuộc vẫn có mặt trên trang lý lịch hay trong câu trả lời khi có ai đó hỏi tôi về bản quán. Nhưng trong trí nhớ, nơi chốn ấy hết sức nhạt nhòa. Hằn sâu trong ký ức tôi vẫn là tiếng bom rơi, tiếng đạn nổ, tiếng gầm rú của máy bay, tiếng gào khóc trước mất mát, tang thương.

Khi tạm lắng đạn bom thì trong tôi lại dậy lên nỗi sợ: sợ cha gặp bất trắc trên đường công tác, sợ con nước chảy xiết mà chiếc xuồng chở mấy mẹ con thì khẳm đừ, rồi sợ rắn rết, sợ tiếng động trong đêm, sợ bóng tối… Mãi sau này, khi rời xa quê và được làm mẹ rồi sống xa cha mẹ, tôi mới định dạng được rõ hơn, “quê” là tất cả những gì khắc vào tâm khảm, vui lẫn buồn, được lẫn mất.

“Quê” còn chính là ký ức gia đình. Là cha, là mẹ, là anh chị em… là những tấm ảnh - những tấm ảnh đen trắng đã ngả vàng và những tấm ảnh tươi màu chụp bằng máy kỹ thuật số, được lồng vào khung treo ở những vị trí dễ thấy, dễ nhìn mà mỗi thành viên trong gia đình đều có thể ngắm được “cái biểu đồ” trưởng thành của mình và của từng thành viên trong đại gia đình.

Quê nhà còn là thời gian với vòng quay âm thầm mà nghiệt ngã, vừa vực dậy, vừa xê dịch, vừa hé mở lối đi, vừa giục giã, vừa níu giữ bước chân… Nhưng, năm tháng cũng lần lượt xóa nhòa, đổi thay, chôn vùi và lạnh lùng mang đi những gì quý giá nhất, để rồi, nỗi đau và niềm day dứt như không bao giờ nguôi ngoai trong lòng người ở lại.

Bởi vậy, quê nhà, luôn là tiếng gọi âm thầm nên làm gì thì làm, đi đâu thì đi nhưng những ngày lễ, ngày Tết, là tôi lại nôn nao trở về nhà cha mẹ, bồi hồi thắp nén nhang trên bàn thờ, sau đó ra ngồi thật lâu bên mộ cha, rồi lại không sao ghìm được nước mắt khi nhìn mái tóc trắng phau của mẹ cúi xuống phím đàn và lắng nghe tiếng đàn lẻ loi, da diết nhớ thương của bà...

Rồi khi trở lại thành phố này, hàng ngày vẫn phải cuốn theo vòng quay của việc công, việc tư cùng những lo nghĩ bộn bề đã khiến tôi không có được cái thong dong điềm tĩnh của Elena, là lùi lại một khoảng cách để ngắm nhìn thành phố đã cưu mang mình và gia đình mình một cách trọn vẹn với đủ góc gai góc xù xì sáng tối của nó. Khi trò chuyện với Elena và khi nghe chị hỏi “Với thành phố này, điều gì đã trở thành ký ức của bạn?”, tôi đã phải ngồi sững lại một hồi khá lâu rồi mới có thể trả lời.

Tôi nhớ tôi đã nói với Elena về bà ngoại tôi, người bà đã sống tròn một thế kỷ và có bốn mươi năm sống trong một ngôi nhà duy nhất với nỗi chờ đợi mỏi mòn là cầu mong dự án mở đường và xây cầu ở gần bến Phú Định (Q.8, TP.HCM) được thực hiện để ngôi nhà cũ kỹ của bà được cơi nới, được xây sửa cho khang trang. Một trăm tuổi nhưng bà tôi vẫn minh mẫn và thật lạ thường là vùng ký ức yêu thương của bà vẫn còn vẹn nguyên. Bà có thể kể lại có đầu có đuôi nhiều câu chuyện vui buồn gắn liền với tính nết của từng đứa cháu mà bà từng bế bồng, chăm bẵm.

Mà đâu chỉ là ký ức, bà tôi vẫn đang trút từng giọt yêu thương cuối cùng cho con, cho cháu bằng trái tim mà nhịp đập chỉ còn tính được từng giờ. Rồi như được khươi dòng, ký ức trong tôi, lần lượt chảy về. Đó là cơn đau vật vã của lần vượt cạn tại Bệnh viện Từ Dũ mà mười sản phụ nằm chung trong một căn phòng nóng bức ngột ngạt và niềm vui ràn rụa nước mắt khi thấy đứa con thứ hai khỏe mạnh chào đời. Rồi những sáng, những chiều, những mưa, những nắng, tất tả ngược xuôi đưa con đến trường và đứng lóng nhóng, lưng đẫm mồ hôi, đợi chờ con tan học.

Ky uc & khoang cach

Những con đường có trường, có lớp con học là những con đường quen thuộc. Quen cả những chỗ thường kẹt xe, thường tắc đường mà không cách nào tránh được. Rồi những con đường, những con phố tôi đi qua mỗi ngày để đến chỗ làm. Gần hai mươi năm tôi thay đổi ba chỗ làm. Chỗ nào đối với tôi cũng là ngôi nhà lớn mà mình là một thành viên và mỗi thành viên trong ngôi nhà là một viên gạch tuy kích cỡ có khác nhau. Dù ngôi nhà không bề thế lộng lẫy nhưng là những ngôi nhà ấm tình người, nơi mà mỗi thành viên dù còn vất vả, còn thiếu thốn và cũng lắm trăn trở nhưng ai cũng cố gắng sống có trách nhiệm, sống tử tế để mình được là mình.

Tôi còn kể cho Elena về những khoảnh khắc lâng lâng niềm vui khi những đứa con được sinh ra từ tâm từ trí mình được in báo, được in sách, được trở thành những nhân vật đi lại trên sân khấu với khát vọng đem điều thiện, đem cái đẹp đến cho cuộc đời. Và tôi cũng không quên kể cho Elena nghe giây phút hồi hộp đến lạnh toát người khi ngồi chờ con gái vào phòng sinh tại bệnh viện Phụ sản Quốc tế và giây phút kỳ diệu khi được bế đứa cháu kháu khỉnh đầu tiên trên tay… Và cũng chính khoảnh khắc vỡ òa niềm vui đó, tôi chợt nhận ra rằng, thời gian nghiệt ngã mà cũng hết sức nhân từ. Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân… Cuộc sống luôn là sự tiếp nối và mãi mãi là dòng trôi.

Đã trở thành một cô dâu Việt và coi thành phố này là quê hương thứ hai, Elena xem ra rất dễ đồng cảm trước những điều chia sẻ chân tình của tôi và thể hiện tình cảm đó bằng cái xiết tay thật chặt. Và rồi đến lượt Elena tâm tình. Chị lại nói về Milano, thành phố quê hương mình, nơi chị sống, giảng dạy tiếng Pháp và văn minh Pháp suốt 30 năm cho đến khi rời xa để sang Việt Nam làm trọn phận vợ hiền dâu thảo, bằng thứ ký ức được trân quý, nâng niu.

Chúng tôi lại cảm ơn nhau. Dường như chính khoảng cách từ sự biết lùi lại và cả cái khoảng cách chịu sự xa cách, mà mỗi con người nhận ra rõ hơn giá trị của ký ức, thứ tài sản vô giá vẫn luôn ẩn náu, quẫy đạp nơi mỗi người, và càng cồn cào mỗi độ Xuân về, Tết đến.

BÍCH NGÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI