Khúc bi ca của dòng sông

17/08/2020 - 12:55

PNO - Qua ngòi bút của Brian Eyler, bức tranh phác họa châu thổ sông Cửu Long hiện ra, có quá khứ lẫn hiện tại.

Từ cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng đổ xuống Trung Quốc, đi qua Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và kết thúc ở đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam, sông Mê Kông đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng triệu người. Thế nhưng dòng sông hùng vĩ ấy đang bị đe dọa từng ngày bởi biến đổi khí hậu lẫn tác động của con người. Tất cả những điều đó được tác giả Brian Eyler trình bày mạch lạc và sáng tỏ trong Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ (Phanbook và Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam vừa phát hành). 

Mười chương sách như mười chặng của dòng Mê Kông từ nơi khởi nguồn đến nơi kết thúc đổ ra biển cả. Brian Eyler trải qua nhiều năm thực địa đã làm một cuộc hành hương từ thượng nguồn đến hạ nguồn, tái dựng lịch sử của một dòng sông mà theo ông, đang dần đi đến những ngày cuối cùng.

Đối với Eyler, “sự hào phóng của dòng sông là điều làm nó vĩ đại và địa lý cùng với sản vật tự nhiên của nó mang lại những trải nghiệm sống không nơi nào có được”. Mê Kông không chỉ là dòng sông mà còn là lịch sử, là văn hóa, là nguồn sinh kế của nhiều dân tộc khác nhau sống phụ thuộc vào con nước của dòng sông. 

Nếu khán giả Việt Nam từng ấn tượng với loạt phim tài liệu nhiều tập Mê Kông ký sự (hãng phim TFS của Đài truyền hình TP.HCM thực hiện nhiều năm trước), có lẽ không quên một dòng sông vừa hùng vĩ vừa thơ mộng, chảy qua những sơn thôn bình yên, những đồng bằng trù mật.

Tác phẩm của Eyler ra đời muộn hơn nhưng kế thừa được chất thơ ấy. Chất thơ mà chính dòng sông tạo ra để khiến cho những trang viết tự nhiên đã mang dáng dấp của một bút ký. Nhưng, tác giả không chỉ nhìn dòng sông như nguồn cảm hứng trữ tình.

Vốn là giám đốc Chương trình Đông Nam Á của trung tâm Stimson tại Washington, DC, Brian Eyler đi sâu vào ảnh hưởng của dòng sông đến sự phát triển tương lai của các đất nước mà nó chảy qua. Đến mỗi địa phương, Eyler quan sát, ghi nhận, tìm đến các chuyên gia sở tại để hiểu thêm về tình trạng hiện tại của dòng Mê Kông; để từ đó thấy rằng, sự khai thác tài nguyên của dòng sông, các đập thủy điện ở thượng nguồn đã tác động tiêu cực đến thiên nhiên, đẩy hàng triệu người vào tình cảnh khốn cùng. 

Chặng cuối của hành trình, Brian Eyler dừng lại ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông gặp gỡ từ chuyên gia đến nông dân. Ở đó, một miền Tây sông nước hiện ra. Những con người đánh vật với sinh tồn trong biến đổi khí hậu. Những cánh đồng hạn mặn, những người nông dân không thể sống nhờ mảnh vườn của mình và cả những cánh đồng trúng mùa nhưng thiếu người thu hoạch vì thanh niên đã bỏ lên thành phố lập nghiệp.

Qua ngòi bút của Brian Eyler, bức tranh phác họa châu thổ sông Cửu Long hiện ra, có quá khứ lẫn hiện tại. Dù đi qua nhiều vùng lãnh thổ khác nhau nhưng dường như có một mẫu số chung cho tất cả những dân tộc sống nương tựa dòng sông ấy. Đó là dự cảm về một tương lai bất định, u tối dành cho dòng sông và cho cả chính mình. 

Bàng bạc trong tác phẩm là cảm giác tiếc nuối một “thiên đường đã mất”. Tác giả lên án gay gắt con người đã tham gia vào việc bức tử dòng sông vì tư lợi. Chính cảm thức mất mát này đã đem lại chất trữ tình cho tác phẩm, làm cho những thông tin, số liệu mất đi vẻ vô cảm mà đủ sức đánh động lương tri chúng ta.

Còn nhớ đầu năm 2020, Việt Nam chứng kiến một đợt hạn mặn khốc liệt ở miền Tây. Những cảnh báo của Eyler không còn xa vời. Tuy vậy, Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ không chỉ là khúc bi ca tiếc thương một dòng sông, mà trong chừng mực của mình, tác giả đã cố đề ra giải pháp. Nhưng nói như tiến sĩ Dương Văn Ni mà Eyler đã dẫn lại trong sách: “nếu chúng ta muốn bảo tồn dòng Mekong hùng vĩ này, chúng ta phải nhìn vào tất cả các phần của dòng sông vốn được kết nối thành một hệ thống”. 

Bi tráng nhưng chưa hẳn tuyệt vọng, Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ là cuốn sách mỗi người chúng ta nên đọc trước khi sự trù phú của một cõi miền Tây chỉ còn tìm thấy trong văn chương của một thời quá vãng. 

Huỳnh Trọng Khang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI