Không thể để người nổi tiếng mặc sức quảng cáo sai sự thật

23/05/2023 - 06:15

PNO - Hiện nay cứ mỗi khi xem YouTube, Facebook, TikTok, khán giả buộc phải xem và nghe các nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng trong cộng đồng (KOLs) ra rả quảng cáo về công dụng “thần kỳ” của nhiều loại sản phẩm.

Thực phẩm bị thổi phồng công dụng như dược phẩm 

Theo Nghị định 181/2013 của Chính phủ, những hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như thuốc, sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm phải được kiểm duyệt nội dung quảng cáo. Nhưng trên thực tế, nhiều nghệ sĩ, KOLs đang quảng cáo chúng như thuốc chữa bệnh trên khắp các loại phương tiện truyền thông. 

“Cô chú, anh chị nào đau nhức xương khớp, đau cổ vai gáy, viêm khớp, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống… thì nghe lời Cát Tường, uống ngay sữa Diasure Canxi này đi. Sữa này do Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nên bảo đảm chỉ sau 10 ngày sử dụng thì chân tay không còn đau nhức, xương khớp chắc khỏe hơn rất nhiều, đi lại dễ dàng, không còn phụ thuộc vào thuốc tây, không lo biến chứng của bệnh xương khớp… Cát Tường đã sử dụng được 7 tháng, hiệu quả bất ngờ nên mới giới thiệu cho cả nhà…”. 

Ca sĩ Thanh Thảo quảng cáo về viên uống Kami tăng kích thước vòng 1 (ảnh chụp màn hình)
Ca sĩ Thanh Thảo quảng cáo về viên uống Kami tăng kích thước vòng 1 (ảnh chụp màn hình)

Đó là trích dẫn nội dung trong video dài gần 5 phút mà diễn viên Cát Tường quảng cáo về sữa bột Diasure Canxi. Đoạn video này dường như đang được chạy quảng cáo bởi xuất hiện dày đặc trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube. 

Cũng là sữa Diasure nhưng lại được nghệ sĩ Quyền Linh quảng cáo giống như một loại thuốc trị tiểu đường. Quyền Linh khẳng định: khi dùng sản phẩm này, thời gian đầu, người bệnh sẽ không còn đi tiểu nhiều, tiểu đêm, thèm cơm, thèm ngọt; uống lâu dài thì tay chân không còn tê mỏi, không còn ngứa hốc mắt, sụt cân, các chỉ số đường huyết giảm dần về mức bình thường… Quyền Linh khuyên: “Bà con bị tiểu đường type 1, type 2, tiểu đường lâu năm thì nên dùng Diasure, nếu đang uống sữa khác thì nên đổi thành sữa Diasure càng sớm càng tốt”. Trong quá trình quảng cáo, MC (người dẫn chương trình) này còn dùng những cụm từ bị cấm trong quảng cáo như “chất lượng cao nhất”. 

Sẽ có phương án xử lý các chủ thể vi phạm 

Trong quá trình xây dựng Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung), một vấn đề được rất nhiều đại diện các tỉnh, thành phản ánh là vì sao không quy định kiểm duyệt nội dung các mẩu quảng cáo những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, dẫn đến quảng cáo sai sự thật tràn lan trên các phương tiện truyền thông. 

Để kiểm soát tình trạng này, dự thảo luật sẽ tăng cường trách nhiệm của cơ quan chuyên môn đối với từng chủ thể tham gia quảng cáo. Ví dụ, nếu là thực phẩm chức năng, mỹ phẩm thì ngành y tế phải kiểm soát nội dung; cơ quan quản lý phương tiện truyền tải thông tin phải kiểm tra, đối chiếu thông điệp quảng cáo với nội dung trên nhãn sản phẩm. 

Trước đây, luật chỉ đưa ra trách nhiệm của người tham gia quảng cáo. Dự thảo luật sắp tới sẽ quy định rõ quyền và trách nhiệm của mọi chủ thể liên quan đến sản phẩm quảng cáo, tức không chỉ người nổi tiếng mà cả người bình thường sử dụng mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm. Đây là phương án để xử lý những người cố tình lách luật bằng cách tự phát quảng cáo mà không có hợp đồng, quảng cáo bằng những dòng “cảm xúc”, tâm trạng trên trang cá nhân.

Bà Ninh Thị Thu Hương - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Công dụng chữa trị bệnh tiểu đường của sữa Diasure cũng được diễn viên Cát Tường khẳng định trong một số video quảng cáo. Chẳng hạn, “uống sữa này trong 10 ngày hết tiểu đêm, 20 ngày hết tê bì chân tay, 40 ngày là đường huyết về dưới 6 phẩy (6mmol/l), sau 2 tháng không lo về bệnh tiểu đường, không cần tiêm insulin nữa”. Ngoài ra, Cát Tường còn quảng cáo dòng sữa Golden Gout giải quyết hết các bệnh gout cấp tính, mạn tính, chữa hết hẳn các bệnh suy gan, suy thận (?).

Trên cổng thông tin của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), sữa Diasure và Diasure Canxi được công bố là sản phẩm dinh dưỡng; trên nhãn sản phẩm chỉ ghi công dụng là “thay thế bữa ăn phụ hoặc bổ sung cho chế độ ăn hằng ngày thiếu vi chất dinh dưỡng”. 

Quảng cáo bằng đủ cách, đủ loại phương tiện 

Trong 1 clip quảng cáo, diễn viên điện ảnh Lý Hùng giới thiệu sữa hạt thuần chay Ovisure Gold là “có khả năng vi diệu về chữa trị xương khớp”. Theo Lý Hùng, trước khi uống sữa này, mẹ anh không thể đi lên cầu thang do đau nhức xương khớp nhưng sau khi uống thì có thể đi một cách dễ dàng. 

Ngày 7/5, fanpage (trang trên Facebook) có tên “Viên sủi Kami - bí quyết nở ngực tăng vòng 1 chính hãng” đăng video ca sĩ Thanh Thảo chia sẻ niềm vui sau khi tìm thấy sản phẩm tăng kích thước vòng ngực: “Không chỉ tăng kích thước, viên uống Kami còn giúp vòng 1 không chảy xệ, săn chắc, tăng nội tiết tố, giúp da vòng 1, da mặt trắng sáng…” - ca sĩ Thanh Thảo nói trong clip. 

Trên các mạng xã hội, không thể đếm xuể các đoạn video đăng cảnh các nghệ sĩ, KOLs thổi phồng công dụng của đủ loại sản phẩm từ sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm đến các kỹ thuật làm đẹp. Thậm chí, có tình trạng nghệ sĩ lách luật bằng cách đăng quảng cáo dưới dạng cảm xúc với vài dòng trạng thái hoặc video không kèm hình. 

Chẳng hạn, fanpage “Nàng Ốc Thanh Vân” những ngày gần đây liên tục đăng các hình ảnh Ốc Thanh Vân cầm sản phẩm hoặc đăng video có tiếng nhưng không có hình chia sẻ việc Ốc Thanh Vân đang dùng sữa ong chúa tươi Golden Healthy, viên uống nở ngực và trắng da Pueraria Mirifica của Thái Lan, kem chống nắng Fresa. 

Trên TikTok, YouTube, các chủ kênh có đông người theo dõi cũng đăng quảng cáo dạng trải nghiệm, đánh giá về các loại thực phẩm chức năng giảm cân, kem trị nám, tàn nhang… 

Cần tăng cường xử phạt 

Diễn viên Cát Tường quảng cáo công dụng sản phẩm sữa Diasure giống như thuốc trị tiểu đường  (ảnh chụp màn hình)
Diễn viên Cát Tường quảng cáo công dụng sản phẩm sữa Diasure giống như thuốc trị tiểu đường (ảnh chụp màn hình)

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - thừa nhận, có tình trạng doanh nghiệp đăng ký một đằng nhưng quảng cáo một nẻo, dùng người nổi tiếng, hình ảnh bác sĩ để thổi phồng công dụng của sữa, thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh. Thậm chí, họ còn dùng hình ảnh giấy công bố sản phẩm của Cục An toàn thực phẩm, trong khi cục chưa từng nhận hồ sơ đăng ký, chưa ký xác nhận công bố sản phẩm đó. 

Theo ông, tình trạng này đang khá phổ biến trên mạng xã hội, gây bức xúc cho cả người tiêu dùng lẫn cơ quan quản lý nhà nước: “Việc quảng cáo sữa, thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh là sai sự thật. Trang web của cục thường xuyên đăng các thông tin khuyến cáo về các sản phẩm đang bị quảng cáo sai sự thật để người dân nắm. Tình trạng vi phạm về quảng cáo vẫn diễn ra là do tốc độ phát triển của công nghệ quá nhanh, do ý thức của doanh nghiệp chưa cao”. 

Ông Nguyễn Thanh Đảo - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Quảng cáo TPHCM - phân tích, có 4 chủ thể tham gia vào video quảng cáo sản phẩm của nghệ sĩ, KOLs, gồm: nhãn hàng, công ty quảng cáo, người nổi tiếng, phương tiện truyền tải thông tin quảng cáo. Hiện nay, Luật Quảng cáo vẫn chưa có quy định cụ thể về xử phạt các nghệ sĩ, KOLs quảng cáo sai công dụng, quảng cáo hàng kém chất lượng, hàng giả, ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người tiêu dùng. Khi bị công chúng phản ứng hoặc báo chí vào cuộc, đa số nghệ sĩ im lặng cho qua, một số ít lên tiếng xin lỗi nhưng sau đó, tình trạng này vẫn tái diễn. 

Theo ông Nguyễn Thanh Đảo, Luật Quảng cáo có hiệu lực từ năm 2013, nay đã không còn phù hợp với thực tiễn. Do đó Luật Quảng cáo (sửa đổi, bổ sung) cần phải bổ sung các biện pháp chế tài đủ mạnh để xử phạt người vi phạm, tạo môi trường lành mạnh trong lĩnh vực này. 

“Ở các nước phát triển, nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật sẽ bị xử phạt rất nặng như phạt tiền, cấm lên sóng. Việt Nam cũng nên hướng tới biện pháp xử phạt này, tức là tùy vào mức độ tác động tiêu cực và ảnh hưởng đến xã hội, ngoài phạt tiền, có thể cấm sóng, cấm mạng, cấm diễn trong một thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn. Nên quy định rõ trách nhiệm của những người cố tình lách luật để quảng cáo dưới dạng đăng cảm xúc, nhận xét về sản phẩm” - ông Nguyễn Thanh Đảo kiến nghị. 

Hàng giả, kém chất lượng… tiêu thụ qua quảng cáo, live stream tăng đột biến

Tại tọa đàm “Tăng cường kiểm soát chống buôn lậu gian lận thương mại hàng giả, hàng nhái trong thương mại điện tử (TMĐT)” do Bộ Công Thương tổ chức hôm 20/5, ông Nguyễn Đức Lê - Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường - cho hay: tình trạng các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng giả, kém chất lượng… tìm cách thu lợi bất chính thông qua TMĐT tăng mạnh. Các đối tượng lợi dụng các sàn TMĐT, YouTube, mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok… chạy quảng cáo, live stream bán hàng. Trong 2 năm (2021-2022), đơn vị này đã phát hiện và xử lý gần 5.000 hành vi vi phạm trên các sàn TMĐT, các mạng xã hội.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI