Không chỉ một mình nhà văn Đỗ Hoàng Diệu có tác phẩm 'Bóng đè'

27/12/2019 - 08:33

PNO - Trước Đỗ Hoàng Diệu, một trong những cây đa cây đề của văn chương Việt Nam - nhà văn Tô Hoài cũng có một tác phẩm tên là 'Bóng đè'.

“Bóng đè gắn liền với tên tuổi tôi, độc giả đã biến nó thành một quả bom”, “đạo diễn Lê Văn Kiệt đã có phim bị cấm phát hành, hãy cẩn thận lần này, có thể bị vạ lây vì cái tên Bóng đè”, “không biết vô tình hay cố ý, nếu vô tình, cũng chứng tỏ anh thiếu hiểu biết”, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu nói khi phát hiện tên bộ phim mới của nhà sản xuất New Arena trùng với tên tác phẩm của mình. 

Tuy nhiên, ít ai biết, trước Đỗ Hoàng Diệu, một trong những cây đa cây đề của văn chương Việt Nam - nhà văn Tô Hoài cũng có một tác phẩm tên là Bóng đè

Một cái tên, hai số phận 

Khi lùm xùm giữa diễn viên Dustin Nguyễn với nhà sản xuất New Arena và CGV vẫn chưa phân giải, thì một vụ lùm xùm khác, tưởng không liên quan mà lại rất… liên quan, đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Đó chính là việc trùng tên phim với một truyện ngắn của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: Bóng đè

Khong chi mot minh nha van Do Hoang Dieu co tac pham 'Bong de'
Tập truyện ngắn Bóng đè và dòng chia sẻ trên trang cá nhân của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu về sự trùng tên với bộ phim liên quan đến Dustin Nguyễn

Trước đó, ngày 19/12, diễn viên Dustin Nguyễn bất ngờ tổ chức họp báo “tố” nhà sản xuất New Arena và CGV đột ngột cắt vai của anh khỏi một dự án phim của đạo diễn Lê Văn Kiệt một cách “bất bình thường”. Chuyện không có gì đáng nói nếu như người trong cuộc không vô tình tiết lộ tên của bộ phim là Bóng đè.

Ngay trong ngày hôm đó, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu - tác giả của truyện ngắn Bóng đè, đã có phản ứng trên trang cá nhân. Theo chia sẻ của Đỗ Hoàng Diệu, sau khi tên bộ phim liên quan đến diễn viên Dustin Nguyễn được tiết lộ, nhiều người đã nhắn tin “trách” chị: “Sao Bóng đè sắp thành phim mà chị im ắng thế?”.

Dù hiện tại, tên bộ phim vẫn chưa ngã ngũ, nhưng nhà văn Đỗ Hoàng Diệu bày tỏ hy vọng “khi tác phẩm hoàn thành, trình chiếu sẽ mang một cái tên khác mới hơn, nóng hơn, sáng tạo hơn”. Lý do: “Hay dở ra sao, Bóng đè cũng đã và đang gắn liền với tên tuổi tôi, độc giả đã biến nó thành một quả bom. Ê-kíp làm phim không thể không biết điều này. Tôi không có ý so sánh, nhưng thử tưởng tượng một bộ phim có tên Cánh đồng bất tận mà lại không liên quan đến Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư thì thế nào?”. 

Cũng cần nói thêm rằng, năm 2005 nhà văn Đỗ Hoàng Diệu ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên với tựa đề Bóng đè do nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng ấn hành. Tác phẩm ngay lập tức gây xôn xao dư luận tại thời điểm đó bởi vấn đề tình dục được viết một cách trần trụi và bạo liệt.

Không thể phủ nhận “sức nóng” của Bóng đè, khiến cho cái tên này cũng “vận” luôn vào tên tác giả. Nhưng điều này không có nghĩa nhà văn Đỗ Hoàng Diệu là người “độc quyền” tên Bóng đè. Bởi theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 thì luật chỉ bảo hộ tác phẩm, nội dung tác phẩm mà không bảo hộ tên tác phẩm. Dù tên Bóng đè nổi tiếng, trở thành “thương hiệu” của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, thì nhà sản xuất New Arena và CGV vẫn hoàn toàn có thể dùng làm tên phim của họ nếu nội dung bộ phim đó thực sự phù hợp với cái tên này, cũng như không “thuổng” ý tưởng từ tác phẩm của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu.

Khong chi mot minh nha van Do Hoang Dieu co tac pham 'Bong de'
Trước Đỗ Hoàng Diệu, nhà văn Tô Hoài cũng có truyện ngắn Bóng đè, được in trong tập Giăng thề do nhà xuất bản Văn học ấn hành

Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu cũng chia sẻ thêm, chị đã gần như hứa chắc chắn sẽ để dành Bóng đè cho dự án khác. Chị viết trên trang cá nhân: “Đã không dưới hai lần, dự án phim chuyển thể từ truyện Bóng đè manh nha tiến hành. Nhưng cho đến nay, dự án vẫn không thể thực hiện bởi lý do bất khả kháng, không đến từ phía ê-kíp làm phim. Tôi nghe nói đạo diễn Lê Văn Kiệt đã có phim bị cấm phát hành, hãy cẩn thận lần này, có thể bị vạ lây vì cái tên Bóng đè. Mà giả sử ở tương lai, bộ phim dựa trên truyện Bóng đè biết đâu được phép, chẳng lẽ lúc đó lại ghi chú: Bóng đè này không phải Bóng đè kia? Đè đi đè lại, bóng người người bóng có mà nổ tanh bành”.

“Tâm thư” của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu dễ khiến những ai đọc được đều cảm thấy thái độ không hài lòng của chị trước sự việc trùng tên này. Kèm theo đó, khá nhiều người cũng lầm tưởng Bóng đè hoàn toàn thuộc về Đỗ Hoàng Diệu, và đơn vị sản xuất không được phép sử dụng để đặt tên cho bộ phim. Có thể cảm thông với nhà văn Đỗ Hoàng Diệu trên cương vị là tác giả, chị chỉ mong muốn “bảo vệ sự toàn vẹn” tác phẩm của mình. Mặc dù vậy, chúng ta cũng cần phải sòng phẳng trong vấn đề này, tránh gây hiểu nhầm cho bạn đọc. 

Nhà văn Tô Hoài cũng từng đặt tên tác phẩm là Bóng đè

Tập truyện ngắn Bóng đè của nhà văn Đỗ Hoàng Diệu được đặt theo một truyện ngắn cùng tên, xuất bản năm 2005; sau đó truyện ngắn này được đưa vào tập truyện Lưng rồng cùng một số truyện ngắn khác do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2018, kèm lời ghi chú thời gian hoàn thành tác phẩm này là tháng 6/2004. Tuy nhiên, trên thực tế, tựa đề Bóng đè không phải là tên tác phẩm duy nhất của Đỗ Hoàng Diệu cũng như của văn chương Việt. 

Trong tập truyện ngắn Giăng thề của nhà văn Tô Hoài (nằm trong tủ sách Tinh hoa văn chương Việt) do NXB Văn học phát hành, theo số ĐKXB: 1213-2019/CXBIPH/02-55/VH cấp ngày 11/4/2019, cũng có một truyện ngắn tên Bóng đè, được sáng tác năm 1943. Không táo bạo như “hậu sinh”, nhưng tác phẩm của nhà văn Tô Hoài cũng là câu chuyện đầy ẩn dụ về hiện tượng “bóng đè” gắn với nữ giới. 

Cụ thể, nhân vật trong truyện ngắn Bóng đè của nhà văn Tô Hoài là mợ phán Hoằng, con dâu ông bà trưởng Lũy. Chồng vào Nam làm việc đã hai năm và chưa lần nào về thăm nhà, mợ phán Hoằng ở nhà phụng dưỡng chăm nom cha mẹ chồng. Nhưng rồi sau đó, cứ vào quãng nửa đêm là mợ phán thấy “ngực nặng trình trịch như đeo đá, chân tay nhuôi ra muốn cựa cũng không cựa được, mồm cứng quai hàm không kêu được”. Chuyện lặp đi lặp lại mấy đêm liền khiến vợ chồng bà trưởng không khỏi lo lắng cho cô con dâu vốn được tiếng “ngoan” xưa nay. Biết con dâu bị “bóng đè”, hai vợ chồng ông bà trưởng tìm đủ thuốc, đủ thầy nhưng vẫn không khỏi. 

Trước đó, trả lời phỏng vấn trên báo chí, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu bày tỏ: “Dù vô tình hay cố ý, đơn vị làm phim cũng có vấn đề. Nếu vô tình, chứng tỏ anh thiếu hiểu biết, thiếu ngay từ mảng văn hóa nghệ thuật là mảng chính anh đang sống trong đó, làm trong đó, kiếm tiền từ đó, nổi danh từ đó”. 

Rõ ràng, từ trường hợp của nhà văn Tô Hoài và nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, việc trùng tên tác phẩm không phải là hy hữu. Trong cùng một lĩnh vực (văn chương) đã vậy, thì lĩnh vực khác làm sao tránh khỏi. Vậy nên, sẽ là nóng vội khi “trách” đơn vị làm phim hay bất cứ ai dùng cái tên đó cho tác phẩm của mình là “thiếu hiểu biết”, trong khi họ hoàn toàn không làm gì vi phạm pháp luật. 

Nhận diện “chìa khóa” ngôn ngữ văn chương không khó

Trong làng văn, không phải không có chuyện các tác giả đặt tên tác phẩm trùng nhau. Có thể kể ra rất nhiều ví dụ như: Bà Tùng Long và Thạch Lam đều có tác phẩm tên là Bóng người xưa, Thanh Tịnh và Kim Lân đều có tác phẩm tên Làng... 

Khong chi mot minh nha van Do Hoang Dieu co tac pham 'Bong de'
 

Tiêu biểu nhất là trường hợp nhà thơ Tế Hanh và nhà thơ Giang Nam đều đặt tên tác phẩm của mình là Quê hương, dù Tế Hanh viết năm 1939, còn Giang Nam viết năm 1960, và cả hai bài thơ đều được xếp vào hàng hay nhất của hai tác giả này. Nói để thấy, không phải vì cùng đặt chung một cái tên mà độc giả bị nhầm lẫn và không phân biệt được chủ nhân của tác phẩm này là ai, nhất là khi, cách đặt tên tác phẩm xuất phát từ những cụm từ quen thuộc, những hiện tượng thường gặp, đại trà trong cuộc sống như “quê hương”, “bóng đè”… 

Khi anh có một hệ thống ký hiệu văn chương độc bản, cũng có nghĩa, anh mặc định với bên ngoài, anh là một, là riêng, là duy nhất như Hàn Mặc Tử với Mùa xuân chín, Nguyễn Ngọc Tư với Cánh đồng bất tận...

An Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI