Không cần nổi tiếng vẫn 'best seller'

16/01/2017 - 13:48

PNO - Họ không xuất hiện ở bề nổi, ít được nhắc tên trong danh sách các nhà văn trẻ có sách bán chạy nhất (best-seller), nhưng tác phẩm của họ luôn được đánh giá cao, được bạn đọc truyền tin nhau tìm đọc trên mạng xã hội.

Ngày Mộ phần tuổi trẻ (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn) ra mắt, cái tên Huỳnh Trọng Khang ngay lập tức được chú ý. Một gương mặt còn rất trẻ, rất mới (Khang sinh năm 1994, quê An Giang) nhưng “gia tài tuổi 20” lại là một cuốn tiểu thuyết đầy đặn với đề tài không dễ chút nào đối với người cầm bút trẻ: chiến tranh, tình yêu và thân phận con người. 

Chọn bối cảnh là Sài Gòn những năm 1960, với một thế hệ tuổi trẻ cách đây gần nửa thế kỷ, Mộ phần tuổi trẻ ban đầu gây tò mò với người đọc, tiếp đến là sự nể phục, bởi không chỉ là lối hành văn cuốn hút mà ở đó còn hàm chứa rất nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa.

Lịch sử, chiến tranh là đề tài rất ít khi được người trẻ chọn khai thác, nói theo nhà thơ Minh Đan, Ủy viên ban Văn trẻ Hội Nhà văn TP.HCM thì “người viết trẻ còn đang tự bó buộc mình trong khuôn khổ, chưa dám vượt thoát ra khỏi những vấn đề bản thân vì sợ yếu tố “nhạy cảm”.

Khong can noi tieng van 'best seller'

Cũng từng có lời bào chữa rằng “đừng đòi hỏi người trẻ phải viết về chiến tranh khi mà họ không sống trong thời đại ấy”, nhưng không chỉ Huỳnh Trọng Khang, Minh Moon (từng được trao giải ba Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần V, với tác phẩm Hạt hòa bình) cũng từng chọn chiến tranh làm cảm hứng. Hoặc Nguyễn Thị Kim Hòa lại bị say mê bởi những nhân vật trong lịch sử.

Những tác phẩm vượt ra khỏi những ghi chép cảm xúc thường ngày luôn có một sức hấp dẫn khác biệt, dẫn dụ người đọc vào một hành trình hoặc nửa hư nửa thực, hoặc nửa hiện tại nửa hoài niệm. Mộ phần tuổi trẻ, Hạt hòa bình hay Đỉnh khói (tác phẩm giải nhất Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2013-2014, cũng là tựa tập truyện ngắn của Nguyễn Thị Kim Hòa do NXB Văn Hóa Văn Nghệ xuất bản năm 2016) đều nhận được nhiều lời khen của những độc-giả-khó-tính: ban giám khảo các cuộc thi và những nhà văn, nhà phê bình có tên tuổi. 

Cuối năm 2016, một trang mạng có tổng kết danh sách 10 nhà văn trẻ được yêu thích nhất hiện nay, trong đó có những cái tên rất xa lạ với cả người trong giới. Ngược lại, không nằm trong bất cứ bầu chọn nào của “cộng đồng mạng”, Hạnh Nguyên lại là một cây bút đáng tìm đọc.

Ngay từ tập truyện ngắn và ghi chép đầu tay Những thiếu thời lơ lửng (xuất bản năm 2014), tác giả 9X này đã được Giải Sách hay 2014 trao giải Phát hiện mới (hạng mục dành cho những tác phẩm, công trình nghiên cứu có giá trị trong năm). Cuối năm 2016, Hạnh Nguyên lại tiếp tục cho in tập truyện Say (Phương Nam Book và NXB Hội Nhà Văn ấn hành). Không có buổi ra mắt rầm rộ nào (hiện cô đang du học tại Mỹ), nhưng Say “lan tỏa ngầm” theo những chia sẻ trên facebook của những người đọc, người viết trẻ.

Thế hệ 8X “đời đầu” từng được gầy dựng thương hiệu qua Tủ sách 8X của NXB Văn Hóa Văn Nghệ nhiều năm trước, bây giờ đã trưởng thành, “dành đất” cho một thế hệ cầm bút mới trẻ trung, năng động, táo bạo và nhiều sáng tạo bất ngờ. Tại hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần IX (tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2016), một trong những cái tên được nhắc nhiều là cây bút trẻ Đinh Phương (sinh năm 1989, Quảng Ninh).

Từng đoạt giải nhì Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2013-2014), Đinh Phương có tác phẩm Những đứa con của trời, tiểu thuyết Nhụy khúc, mới đây nhất là Đợi đến lượt.

Khong can noi tieng van 'best seller'

Nếu văn xuôi chảy những mạch ngầm giá trị, thì thơ cũng vậy. Không đình đám như Nồng Nàn Phố (tên thật Phạm Thiên Ý), nhưng hai tập thơ của Nguyễn Thiên Ngân (Ôm mỏ neo nằm mộng những chân trờiMình phải sống như mùa hè năm ấy) đều phát hành hàng chục ngàn bản. Ngân từng được trao giải khuyến khích Cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần IV,với tác phẩm Những chuyển điệu.

Không viết về những cuộc tình ướt át ủy mị, thơ Ngân có sức sống riêng vì gói ghém trong đó nhiều cung bậc cảm xúc mà bất kỳ người trẻ nào cũng từng ít nhiều trải qua, mộc mạc nhưng giàu cảm xúc, giản dị mà chân thành.

Sự đồng cảm luôn là chiếc cầu lan tỏa cảm xúc mạnh mẽ nhất cho mọi sáng tạo. Những cuộc “ngược dòng” này của người cầm bút trẻ, dù ít ỏi trong âm thầm, cũng đủ để được kỳ vọng tạo nên những điểm sáng đáng khích lệ cho văn chương trẻ. 

Hoàng Hạc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI