“Khởi nghiệp văn chương” cho người trẻ

09/07/2022 - 09:14

PNO - Lần đầu tiên có một giải thưởng văn học trẻ dành cho học sinh, sinh viên; cùng những “talk tour” về trường nói chuyện sách/văn chương được tổ chức, các bút nhóm cho sinh viên được thành lập… Cơ hội cho người viết trưởng thành từ văn chương học đường đang rộng mở.

Khởi đầu ý nghĩa cho hành trình viết 

Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) TP.HCM phối hợp với Hội Nhà văn TP.HCM, Nhà xuất bản Hội Nhà văn và tạp chí Văn Nghệ vừa phát động cuộc thi Văn học trẻ ĐHQG TP.HCM 2022. Đây cũng là lần đầu tiên, một giải thưởng văn chương có quy mô lớn dành cho sinh viên (SV) được tổ chức. Đối tượng dự thi là học sinh (HS), SV trong cả nước, có thể tham gia với các thể loại: thơ, tản văn và truyện ngắn. 

Bút nhóm Đồng Xanh - Đại học An Giang trong dịp giao lưu cùng nhà văn Hoài Hương và Tống Phước Bảo (hàng đầu bìa trái)
Bút nhóm Đồng Xanh - Đại học An Giang trong dịp giao lưu cùng nhà văn Hoài Hương và Tống Phước Bảo (hàng đầu bìa trái)

Lâu nay, các khoa văn học của nhiều trường ĐH đều có các câu lạc bộ (CLB) Cây bút trẻ hoặc những bút nhóm văn chương. Trên mạng xã hội cũng có những nhóm/fanpage là cộng đồng viết lách, chia sẻ tác phẩm của HS, SV. Sinh hoạt văn chương của các bút nhóm trên mạng rất sôi nổi. Tuy nhiên, lâu nay chủ yếu họ tự tạo kết nối, đăng tải sáng tác của mình rồi cùng đọc, cùng tương tác với bạn viết cùng trang lứa. Nhiều cuộc thi viết cũng đã được tổ chức, nhưng hiếm có cuộc thi văn chương quy mô dành cho HS - SV trong cả nước như giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG TP.HCM. 

“Tôi nghĩ cuộc thi này rất ý nghĩa với lực lượng viết còn là HS, SV. Vì các bạn được thử thách và giao lưu với các cây bút khác qua việc đọc lẫn nhau. Việc đoạt giải hay có tác phẩm được in sách cũng là một động lực, một khởi đầu ý nghĩa cho hành trình viết của các bạn” - nhà văn Trần Tùng Chinh, giảng viên Trường ĐH An Giang, chia sẻ. ĐH An Giang cũng có CLB Văn thơ, đặc biệt là bút nhóm Đồng Xanh tập hợp những cây bút có năng khiếu và đam mê viết lách. Bút nhóm thường xuyên có những chuyến đi thực tế ngắn, các hoạt động ngoại khóa, hoặc những cuộc thi nho nhỏ, tổ chức những buổi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà văn đi trước.

Các cây bút SV thế hệ trước có thể “gửi gắm” tác phẩm của mình thông qua những tờ báo dành cho tuổi học trò. Vòm Me Xanh (Báo Mực Tím) từng là bút nhóm có sự góp mặt của nhiều cây bút trẻ, đến giờ đều là những nhà văn, nhà thơ tên tuổi: Nguyễn Khắc Cường, Gia Bảo, Nguyễn Phong Việt, Lê Đỗ Quỳnh Hương…

Đối với thế hệ viết trẻ hôm nay, họ có thêm phương tiện dễ dàng kết nối với người đọc và bạn viết cùng trang lứa. Tuy nhiên, những tờ báo hoặc những chuyên mục văn chương học đường không còn thời vàng son như trước. Cơ hội in tác phẩm ở các tờ báo lớn, tạo được sự chú ý cũng không phải dễ dàng. Cuộc “khởi nghiệp văn chương” của những cây bút SV bắt đầu bằng nỗ lực tự thân, niềm đam mê dành cho chữ nghĩa, nhưng thực sự ít cơ hội cho họ có thể khẳng định và giới thiệu mình đến công chúng. Có thể nói, giải thưởng Văn học trẻ vừa khởi động là một khởi đầu đầy ý nghĩa cho hành trình sáng tác của những người trẻ. 

Hãy cứ viết đi, đừng e ngại 

Giải thưởng Văn học trẻ ĐHQG TP.HCM dự kiến được tổ chức thường niên, hứa hẹn sẽ trở thành sân chơi sôi nổi, là bệ đỡ cho lực lượng viết còn đang là HS, SV. Bên cạnh đó, các “talk tour” về trường cũng là dịp để bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, lắng nghe chia sẻ và truyền cảm hứng từ những người viết thành danh. Sắp tới Chibooks có kế hoạch tổ chức các chương trình nói chuyện về sách, giao lưu tác giả - tác phẩm cho SV các trường ĐH Văn Lang, ĐH KHXH&NV TP.HCM, ĐH Văn hóa…

Viết là một hành trình tự thân và đam mê của người trẻ. Ảnh chụp các đại biểu văn trẻ tại tọa đàm Vì sao chúng ta viết? (Đà Nẵng, tháng 6/2022).
Viết là một hành trình tự thân và đam mê của người trẻ. Ảnh chụp các đại biểu văn trẻ tại tọa đàm Vì sao chúng ta viết? (Đà Nẵng, tháng 6/2022).

Nhà văn Trần Tùng Chinh cho biết, anh cũng đã mời các nhà văn Võ Diệu Thanh, Trương Chí Hùng, Tống Phước Bảo, Võ Đăng Khoa… về trường chia sẻ kinh nghiệm sáng tác cho các thành viên bút nhóm Đồng Xanh. Những người đi trước đã cùng góp sức tạo sân chơi, khuyến khích truyền lửa sáng tạo, người trẻ chỉ cần sự nhiệt tâm và đam mê để dấn bước vào hành trình chữ nghĩa. 

Trong khuôn khổ Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (diễn ra vào giữa tháng 6/2022, tại Đà Nẵng), một trong những vấn đề được nhiều cây bút trẻ đặt ra là “đường biên” giữa văn chương trên mạng và văn chương chính thống. Mạng xã hội cũng như sự phát triển của công nghệ cho người trẻ nhiều hơn cơ hội chia sẻ tác phẩm, tương tác với bạn đọc. Nhưng điều đó cũng khiến cho tác phẩm của họ được gọi tên chung trong “khu vực” văn học mạng, và không được đánh giá cao so với các tác phẩm được xuất bản. Thực tế này dẫn đến những hoang mang trăn trở của người viết, khi họ mong mỏi được định danh và được đánh giá đúng với những nỗ lực của mình. 

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi lắng nghe nỗi lo của người trẻ, chỉ nói một câu: “Các bạn hãy cứ viết đi, đừng e ngại”. Bởi vì e ngại trước trang viết chính là tự kiểm duyệt mình. Sáng tạo văn chương không có giới hạn, mà cần nhất là “viết cho hay” - nói theo nhà văn Nguyễn Bình Phương. Đây cũng có thể là những lời nhắn nhủ dành cho các cây bút đang chập chững bước vào hành trình sáng tác. 

Lục Diệp 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI