Khơi giấc mơ, tạo sinh kế thoát nghèo bền vững

23/09/2022 - 06:29

PNO - Các chính sách, mô hình hỗ trợ từ chương trình Giảm nghèo bền vững của TPHCM đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo vượt qua khó khăn, từng bước vươn lên, thoát nghèo.

An cư, lạc nghiệp

Đưa khách đi 1 vòng từ trước ra sau, chị Võ Thị Công Ái (P.Long Phước, TP.Thủ Đức) nói về căn nhà được sửa chữa cách đây 2 năm bằng giọng phấn khởi như vừa mừng tân gia. Ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 40m2 gắn la phông trắng tinh, sơn tường màu xanh nhạt mang lại cảm giác dịu mát, tươm tất. 1 chiếc đàn organ được phủ tấm khăn tránh bụi nằm ở vị trí trang trọng trong ngôi nhà. 

Nhờ khoản vay 50 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo, chị Võ Thị Công Ái sửa sang nhà cửa, chỉnh trang mặt bằng, đầu tư thêm hàng hóa, tủ đông để phát triển buôn bán ẢNH: THU LÊ
Nhờ khoản vay 50 triệu đồng từ quỹ xóa đói giảm nghèo, chị Võ Thị Công Ái sửa sang nhà cửa, chỉnh trang mặt bằng, đầu tư thêm hàng hóa, tủ đông để phát triển buôn bán - Ảnh: Thu Lê

Chị giải thích: “Con gái nhỏ năm nay vô lớp Hai, ham mê đàn, múa nên tôi tìm mua cây đàn cũ này, giá 4 triệu đồng, mỗi tháng đóng 500.000 đồng cho con học đàn. Mình thiếu thốn sao cũng được nhưng phải cố gắng dành cho con những gì tốt nhất”. Ngoài việc tạo điều kiện cho con gái học đàn, chị cũng đăng ký cho con trai lớn (đang học lớp Bảy) học thêm Anh văn ở trung tâm ngoại ngữ, mỗi khóa (3 tháng) 1,8 triệu đồng. 

Khách điện thoại gọi 14 ly nước, chị Ái phấn khởi đứng dậy, xay nước mía rồi quay qua chặt dừa. Ở khoảng sân trước nhà, chị đặt xe nước mía và 1 cái tủ bán đồ giải khát song song nhau để chừa lối đi rộng rãi. Phía sau chúng là 2 bộ bàn ghế để khách ngồi nếu muốn uống tại chỗ và sau cùng là nơi chị đặt tủ đá, tủ mát. “Sửa được ngôi nhà như vầy, tôi mãn nguyện rồi” - chị nói sau khi giao 14 ly nước cho khách.

Chị lấy ra 2 tấm ảnh chụp lại ngôi nhà cũ cách đây 2 năm để giải thích về sự mãn nguyện. Đó là căn nhà cũ kỹ, sàn xi măng loang lổ, mái tôn xen mái lá, nhiều chỗ phải che bằng ni-lông. Chị Ái bồi hồi: “Hồi mới sinh con bé nhỏ, ngày mưa, giường bị dột thì mình ôm con qua võng. Cái võng dời khắp nhà, vậy mà nước mưa lâu lâu lại rớt trúng mặt khiến con bé giật mình, đôi mắt nheo tít lại”.

Trong nhà như vậy, còn ngoài sân thì ngập nước. Toàn bộ cuộc sống của chị và 2 đứa con nhờ vào quán nước với vài ba loại thức uống gồm cà phê, nước mía, các loại sữa hạt do chị tự nấu, có thêm buồng dừa. Không có chỗ ngồi thoải mái nên khách cũng ngại ghé, thu nhập hằng ngày chẳng được bao nhiêu. Cảnh sống thiếu trước hụt sau cứ lặp đi lặp lại, đến mức con trai lớn bị trường mầm non từ chối vì thiếu tiền học phí. 

Từ năm 2016-2019, chị vay rồi đáo hạn nguồn vốn tín dụng tiết kiệm của Hội LHPN P.Long Phước, mỗi lần 10 triệu đồng. Số tiền ít ỏi đó không giúp cuộc sống của gia đình chị thay đổi. Cuối năm 2019, trong đợt khảo sát, đánh giá lại các hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn mới, ban hỗ trợ giảm nghèo thuộc UBND P.Long Phước gợi ý chị Ái vay 50 triệu đồng từ nguồn quỹ xóa đói giảm nghèo, trước hết là để sửa lại nhà ở, cải tạo mặt bằng trước nhà cho sạch sẽ, thông thoáng để buôn bán thuận lợi hơn. 

“Ban đầu, tôi mất ăn mất ngủ vì số tiền lớn quá, không biết khi nào mới trả nổi” - chị Ái nhớ lại. Được cán bộ địa phương phân tích, góp ý, chị mạnh dạn chi 40 triệu đồng xây sửa căn nhà, dành 10 triệu đồng còn lại mua tủ đông và tủ mát chứa đồ uống để bán. Để động viên chị, cán bộ UBND P.Long Phước thường ghé chỗ chị mua nước uống hoặc gọi điện thoại đặt mua nước cho các cuộc họp. Chị Ái phấn khởi: “Nhờ bán chạy nên 2 năm nay, tôi gom góp trả được hơn một nửa số nợ vay sửa nhà, thấy đầu óc nhẹ hẳn, làm gì cũng thông”.

Không chỉ dành dụm được tiền để trả dần khoản vay, chị Ái còn mua trả góp chiếc xe máy để đi giao hàng. Từ ngày có xe, mỗi buổi chiều, sau khi đón con về, chị tranh thủ đi giúp việc nhà. Với mức thu nhập khá hơn, cuối năm 2021, hộ chị Ái là một trong 69 hộ của TP.Thủ Đức được công nhận thoát nghèo.

Bà Đinh Thị Tuyết Mai - Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Thủ Đức - cho biết, để làm tốt công tác giảm nghèo, chính quyền TP.Thủ Đức đã xây dựng chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 với lộ trình giảm nghèo cụ thể qua từng năm. Thông qua chương trình, một số hộ được hỗ trợ phương tiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Bà Tuyết Mai thông tin: “Dịch COVID-19 đã khiến nhiều hộ giảm thu nhập, mất việc làm, một số hộ tái nghèo. Bên cạnh đó, một số hộ vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý chí vươn lên. TP.Thủ Đức hiện còn 4.181 hộ nghèo, chiếm 1,26% và 1.599 hộ cận nghèo, chiếm 0,48%”.

Chỗ dựa của người nghèo

Sáng Chủ nhật, tiếng máy đóng nút bao bì vẫn chạy đều đều trong căn nhà riêng của bà Phạm Thị Hoa ở hẻm 1041 Trần Xuân Soạn, P.Tân Kiểng, Q.7. Bà Hoa mua máy này cách đây 3 tháng với giá 16 triệu đồng. 

Bà Phạm Thị Hoa kiểm tra lại bao bì thành phẩm trước khi đóng thùng giao cho công ty
Bà Phạm Thị Hoa kiểm tra lại bao bì thành phẩm trước khi đóng thùng giao cho công ty

Sát vách nhà bà Hoa, chị Trần Thị Mận đang ngồi giữa những chồng bao bì giấy của một thương hiệu yến sào. Đôi tay thuần thục, chị mất vài chục giây để biến 1 tờ giấy hình chữ nhật có chiều dài hơn nửa mét thành 1 chiếc túi xách đựng hộp yến. Xong khâu xếp giấy, chị dán keo để cố định phần đáy của túi xách. “Làm như thế này sẽ thuận tay và nhanh hơn so với việc hoàn thành mọi công đoạn của từng túi một lần” - chị Mận giải thích. 

Mỗi túi bao bì thường trải qua 4 công đoạn gồm xếp, dán, đục lỗ và xỏ quai. Chị Mận đảm trách 3 trong 4 khâu đó. Sau khi xếp và dán định hình cái túi, chị sẽ chuyển sang cho người khác đục lỗ, đóng nút rồi ôm về nhà, tiếp tục xỏ quai để cho ra thành phẩm với giá 550 đồng/túi.

Riêng khâu đục lỗ được trả công 300 đồng/túi. Chị Mận cho biết, trung bình mỗi ngày, chị làm khoảng 600 túi; với loại túi nhỏ hơn, chị làm được hơn 1.000 cái/ngày. Thu nhập của chị hằng tháng khoảng 8 triệu đồng.

Trước khi làm bao bì, chị Mận từng may gia công ở Q.3 nhưng công ty dời nhà máy qua tỉnh Bình Dương. Đi lại xa xôi, thêm cha mẹ già cần người chăm sóc nên chị phải nghỉ việc. “May mắn là nguồn hàng gia công kế bên nhà đã giúp tôi có thu nhập lo thuốc men đầy đủ cho ba. Mẹ khỏe lúc nào thì phụ làm lúc đó” - chị Mận hài lòng. 

Trong căn phòng trọ cách nhà bà Hoa vài căn, cả 4 người trong gia đình chị Nguyễn Thị Liên Phương cũng tranh thủ nhận hàng về làm buổi tối. Họ làm công đoạn xỏ dây cho loại túi ni-lông cỡ nhỏ để xuất khẩu. Bà Hoa cho biết, mỗi tối, cả nhà chị Phương làm khoảng 1.000 túi, tiền công 100.000 đồng. 

Hơn 10 năm trước, vợ chồng chị Phương đưa 2 đứa con từ tỉnh Tiền Giang đến TPHCM lập nghiệp. Chị Phương làm bảo mẫu, chồng chị chạy xe ôm. Thu nhập bấp bênh, lại phải trả tiền thuê nhà hằng tháng nên vợ chồng chị rất chật vật trong việc nuôi 2 đứa con ăn học. Thấy nhiều người đến nhà bà Hoa nhận hàng gia công, chị cũng xin làm.

Hiện nay, đứa con lớn của chị Phương là sinh viên năm thứ 3 đại học, vừa học vừa làm để tự lo học phí, đứa nhỏ đã vào lớp Mười hai. Nhờ chịu khó làm thêm, đầu năm nay, gia đình chị Phương đã ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Hơn 10 năm nay, tổ hợp gia công bao bì do bà Hoa làm tổ trưởng là nơi giải quyết việc làm cho hơn 60 phụ nữ, đa phần thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo của P.Tân Hưng và các phường lân cận. Ban đầu, gia đình bà Hoa cũng nghèo, làm nghề bưng bê trong các quán ăn. Để lo cho 2 đứa con lần lượt ra đời, ngoài giờ làm, vợ chồng bà nhận bao bì về gia công. Nhờ chịu khó, bà Hoa được công ty tin tưởng, giao hàng ngày càng nhiều. Không làm kịp, bà chia việc cho các chị em trong xóm cùng làm. 

Tổ hợp gia công bao bì do bà Phạm Thị Hoa làm tổ trưởng nhiều năm qua đã tạo công ăn việc làm cho 60 hộ gia đình, giúp nhiều hộ trong số đó có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo ẢNH: THU LÊ
Tổ hợp gia công bao bì do bà Phạm Thị Hoa làm tổ trưởng nhiều năm qua đã tạo công ăn việc làm cho 60 hộ gia đình, giúp nhiều hộ trong số đó có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo - Ảnh: Thu Lê

Năm 2012, thấy công việc có thể hỗ trợ nhiều gia đình khó khăn, bà Huỳnh Nguyệt Ánh - Chủ tịch Hội LHPN Q.7, khi đó là Bí thư Đảng ủy P.Tân Hưng - đã gợi ý, vận động bà Hoa thành lập tổ hợp tác bao bì, đồng thời giới thiệu để bà vay 30 triệu đồng từ nguồn quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (CWED) của Hội LHPN TPHCM để mua máy móc, nguyên vật liệu. Công việc không bó buộc thời gian nên phù hợp với chị em nhàn rỗi, giúp nhiều hộ có việc làm, thu nhập ổn định. Từ 20 thành viên ban đầu, nay tổ đã có khoảng 60 thành viên, mỗi ngày sản xuất khoảng 50.000 bao bì các loại.

Từ tổ hợp bao bì, bà Hoa được chính quyền địa phương tin tưởng, đề cử làm tổ trưởng tổ giảm nghèo của khu phố 3, P.Tân Hưng. Nhờ đó, bà có điều kiện nắm rõ hoàn cảnh của từng hộ, ưu tiên nhận họ vào làm gia công. Bà cũng quản lý nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế trong tổ hợp bao bì, sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để các thành viên vay vốn theo nhu cầu phát triển nghề nghiệp. 

“Cuộc sống của tôi khá lên là nhờ chúng tôi chịu khó, cần cù. Cho nên, tôi luôn động viên các chị phải chịu khó. Chỉ cần các chị không ngại khó, tôi sẽ cố gắng kiếm thêm nguồn hàng. Công ty trả bao nhiêu thì tôi trả các chị bấy nhiêu, không ăn bớt đồng nào” - bà Hoa khẳng định.

Trong năm 2021, bà Hoa đã hỗ trợ 7 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo trong tổ hợp bao bì thoát nghèo. Hiện tại, bà đang tiếp tục hỗ trợ 20 hộ còn lại trong danh sách hộ nghèo, cận nghèo của khu phố. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI