Tháng 6/2022, Hội LHPN TP.Thủ Đức mở hai điểm kết nối, giới thiệu, bày bán sản phẩm kinh doanh cho các hội viên phụ nữ tại quán cà phê Bến Sạn Tây (P.Hiệp Phú) và Khu du lịch sinh thái Song Long (P.Long Phước). Đến nay, đã có 18 cửa hàng bày bán sản phẩm tại hai điểm này.
An Tofu - Đậu làm từ tâm là một thương hiệu do chị Võ Thị Thanh Hiểu, 37 tuổi, tạo dựng. Sau nhiều năm làm việc cho cơ quan nhà nước, rồi làm quản lý cho một siêu thị mini, năm 2016, với mong muốn tự tay làm ra những miếng đậu hũ mềm, mịn, có mùi thơm tự nhiên của hạt đậu, chị Hiểu xin vào làm việc tại một xưởng sản xuất đậu hũ. Đến đầu năm 2017, cơ sở này không thể duy trì hoạt động, vợ chồng chị Hiểu quyết định thuê lại dây chuyền sản xuất để tiếp tục công việc.
Nhiều người khuyên can vì thấy chị không vốn, kỹ thuật vận hành máy và kinh nghiệm cũng không. Nhưng có khởi đầu nào mà chẳng gian nan, nên vợ chồng họ quyết tâm vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm từ một nhân viên kỹ thuật. Với mặt bằng 80m2, họ vừa làm nhà xưởng, vừa mở cửa hàng bán lẻ các sản phẩm làm ra. Sản phẩm chủ lực gồm đậu hũ, đậu hũ non, sữa đậu nành. Mọi khâu, từ chế biến đến tìm mối bán hàng, chị đều phải tự thân vận động. “Hồi ấy, ngày nào tiêu thụ được 20kg đậu hũ các loại là mừng lắm rồi” - anh Lê Đình Chinh, chồng chị Hiểu, chia sẻ.
Vợ chồng chị Hiểu cùng làm việc trong xưởng sản xuất đậu hũ
Sau một năm, vợ chồng chị Hiểu quyết định mua lại dây chuyền sản xuất với giá 200 triệu đồng bằng phương thức trả góp trong ba năm, đồng thời tích cực tiếp thị, đưa sản phẩm của mình vào các bếp ăn trường học, bếp ăn công nghiệp. Tháng Sáu vừa qua, xưởng sản xuất và cửa hàng bán lẻ của An Tofu dời sang một địa điểm mới trên đường Vành Đai Tây, P.An Khánh, TP.Thủ Đức với mặt bằng rộng rãi, thoáng mát. Kinh doanh dần thuận lợi, vợ chồng chị Hiểu thuê thêm sáu nhân công, cho thử nghiệm làm tàu hũ ky, đậu hũ rau củ, đậu hũ nấm mèo và đậu hũ nước đường cốt dừa. “Sản phẩm của chúng tôi không dùng chất bảo quản và các loại phụ gia. Hiện tại, mỗi ngày chúng tôi tiêu thụ 100 - 150kg sản phẩm” - chị Hiểu cho biết.
Chị Hiểu hy vọng, qua “nhịp cầu” của Hội, An Tofu sẽ được biết đến nhiều hơn. Chị cũng dự tính sẽ mở xưởng chuyên sản xuất tàu hũ ky và sẵn sàng cung cấp sản phẩm cho chị em bán theo hình thức trả tiền sau để cùng nhau gầy dựng chuỗi cửa hàng.
Niềm đam mê đã chiến thắng
Khi chị Phạm Ánh Tuyết, 29 tuổi, có dự định nghỉ việc tại một ngân hàng để chuyên tâm với nghề làm bánh thì gia đình, đồng nghiệp ai cũng “bàn ra”. Nhưng nghề làm bánh chị đã đam mê từ thời còn đi học và thường vào bếp thực hành những món bánh đơn giản. Sau này, khi đã đi làm, chị sắm đầy đủ các dụng cụ làm bánh như lò nướng, nhiệt kế lò, cân, máy đánh trứng… và thực hành nhiều hơn. Niềm đam mê với những chiếc bánh cũng vì vậy mà càng thêm mãnh liệt. Cuối cùng, vào tháng 10/2020 chị quyết định rời công sở sau gần một năm suy nghĩ và lên kế hoạch. “Tôi tự nhủ mình còn trẻ, nhất định phải kiên trì và liều một chút. Nếu thất bại, tôi vẫn có thể bắt đầu lại với công việc đúng chuyên môn đã học” - chị Ánh Tuyết chia sẻ.
Cô chủ của Cozy Bakery Phạm Ánh Tuyết
Dành số tiền tích cóp sau những năm đi làm, chị ra Hà Nội học một khóa chuyên sâu về bánh kem rồi trở về làm các loại bánh kem, bánh mì hoa cúc, bánh mì bơ tỏi, bánh su kem để bán online. “Những tháng đầu doanh thu chỉ khoảng 3 triệu đồng. Tôi vừa đứng bếp, vừa đi giao hàng. Nhìn tôi như vậy, gia đình xót lắm, nhưng không cản ngăn nữa mà chỉ động viên. Trong hơn một năm, đồng nghiệp cũ thương, mua ủng hộ rồi giới thiệu cho nhiều người quen, từ đó tôi dần có mối” - chị Ánh Tuyết kể.
Phương châm kinh doanh của chị là luôn thử nghiệm các công thức mới và lắng nghe ý kiến khách hàng để tìm kiếm công thức phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Đầu năm nay, Cozy Bakery, một tiệm bánh nhỏ đã ra mắt trên đường Hàn Thuyên, khu phố 3, P.Bình Thọ, TP.Thủ Đức. Vẫn là Ánh Tuyết đứng bếp, nhưng có thêm một nữ nhân viên phụ trách bán hàng. Doanh thu hằng tháng của tiệm hiện dao động từ 20 - 30 triệu đồng, vẫn chưa có lời, nhưng chị có niềm tin Cozy Bakery sẽ từng bước vững vàng khi có sự giúp sức và tạo điều kiện của tổ chức Hội Phụ nữ.
Sau khi ra mắt hai điểm kết nối, trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm của chị em, Hội LHPN TP.Thủ Đức đã chỉ đạo Hội LHPN các phường tập trung khảo sát địa điểm, nắm tình hình các chị hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Nhờ vậy, chúng tôi biết các chị hiện có những sản phẩm nào, trên cơ sở đó kịp thời mở các điểm kết nối tiếp theo phù hợp với thực tế từng địa bàn.
Sắp tới, Hội LHPN TP.Thủ Đức cũng sẽ thành lập tổ Tự vấn pháp luật nhằm hỗ trợ pháp lý, giải đáp những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.Thủ Đức, TP.HCM