Khởi công ba gói thầu cuối cùng dự án đường cao tốc trị giá hơn 1,5 tỷ USD

08/11/2017 - 16:15

PNO - Ngày 8/11, Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cùng các nhà thầu tổ chức triển khai 3 gói thầu xây lắp nhánh phía Đông đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Đây cũng là ba gói thầu xây lắp cuối cùng thuộc Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại km 55+100 (ấp 1, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai).

Khoi cong ba goi thau cuoi cung du an duong cao toc tri gia hon 1,5 ty USD
 

Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia - một dự án thành phần trong dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại quyết định số 2925/QĐ-BGTVT ngày 8/10/2010, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Đây là dự án có vai trò đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là khu vực Đông Nam Bộ, khai thác thế mạnh phát triển kinh tế thu hút đầu tư và du lịch của TPHCM, tỉnh Long An và ở tỉnh Đồng Nai. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công xây dựng vào ngày 19/7/2014, dự kiến hoàn thành năm 2020.

Do dự án đi qua vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp nhiều sông ngòi, vùng sình lầy cùng khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ vì thế, xây dựng tới trên 20km cầu và cầu cạn trong đó đặc biệt có hai cầu lớn có kết cấu dây văng là cầu Bình Khánh (vượt sông Xoài Rạp) dài 2,76km nối huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ của TPHCM, có khẩu độ nhịp chính dài 375m; cầu Phước Khánh vượt sông Lòng Tàu dài 3,186km, nối huyện Cần Giờ (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có khẩu độ nhịp chính dài 300m. Cả hai cầu có độ tĩnh không thông thuyền 55m - độ tĩnh không lớn nhất Việt Nam tính tới thời điểm hiện nay

Khi hoàn thành dự án và đi vào vận hành, cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp quốc lộ 51 giảm thiểu áp lực giao thông, góp phần hình thành hệ thống cao tốc liên vùng khi được kết nối thông suốt với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Dây, cao tốc TPHCM - Trung Lương. Từ đó tạo thành một phần của tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) từ Bangkok (Thái Lan) qua Phnomphenh (Campuchia) với TPHCM  và Vũng Tàu.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát phải kiểm soát chặt tiến độ chất lượng công trình. Các nhà thầu thi công phải thực hiện nghiêm túc xây dựng tiến độ chi tiết, thời gian hoàn thành gói thầu đảm bảo tiến độ, nếu rút ngắn được thời gian thi công thì rất tốt.

Đơn vị thi công nào không đảm bảo tiến độ yêu cầu thường xuyên phải huy động nhân lực, thiết bị máy móc. Nếu nhà thầu nào thi công tốt Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện thực hiện các dự án khác và ngược lại nhà thầu nào thi công không đáp ứng tiến độ thì các cơ quan của Bộ GTVT sẽ xem xét và đánh giá năng lực”.

Dự án có chiều dài 57,7km đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và tỉnh Đồng Nai, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100km/h.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD) trong đó vốn vay của ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 635,7 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác Nhật Bản (JICA) 634,8 triệu USD, và vốn đối ứng của chính phủ Việt Nam. 

Dự án sẽ xây dựng sáu nút giao, hàng trăm hầm chui dân sinh, cống thoát nước cùng các công trình phụ trợ đảm bảo quá trình khai thác như: trung tâm điều hành giao thông (ITS), trung tâm vận hành/bảo trì, trạm dịch vụ, trạm thu phí...

Thu Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI