Khi trà là phương tiện kết nối

15/10/2023 - 16:32

PNO - Nhỏ nhắn và luôn nhiệt thành, thạc sĩ, dược sĩ Nguyễn Hoàng Thu Trang gây ấn tượng bởi lối nói chuyện gần gũi và dễ hiểu khi đề cập đến các vấn đề chuyên môn dù chị là dân nghiên cứu khoa học. Càng bất ngờ hơn khi biết trước khi dấn thân với dự án Spice4Life, chị đã có 6 năm làm nghiên cứu viên cao cấp tại đơn vị Nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam và 8 năm là giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM.

Chị Nguyễn Hoàng Thu Trang  trong phòng nghiên cứu
Chị Nguyễn Hoàng Thu Trang trong phòng nghiên cứu

COVID-19, bước ngoặt thay đổi

Chỉ cần một cú click chuột, bạn dễ dàng tìm thấy thông tin của Spice4ife, một công ty nho nhỏ bán các loại trà hoa và sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Website đơn giản, không mấy ấn tượng nhưng câu chuyện của Spice4Life là hành trình đầy tâm huyết của 2 nhà sáng lập, chị Nguyễn Hoàng Thu Trang và tiến sĩ Trần Vũ Thiếu Nga - hiện là cố vấn phân tích dữ liệu lâm sàng tại Khoa Y, Đại học Cambridge, Anh. Đó là câu chuyện tràn ngập cảm hứng của những người sống vì cộng đồng và hoạt động vì cộng đồng.

Trước đại dịch COVID-19, chị Trang có một công việc ổn định và đáng mơ ước. Trang vô cùng yêu quý, tự hào về công việc và yêu mến nơi làm việc. Nhờ cơ hội làm việc tại đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam, chị học hỏi được nhiều kiến thức quý báu và bước vào thế giới nghiên cứu rộng lớn. Chưa khi nào chị nghĩ mình sẽ rời đi. Cho đến khi COVID-19 ập xuống. Như nhiều cá nhân có kiến thức về y học, chị Trang trở thành tình nguyện viên tại chỗ, chia sẻ cách chăm sóc sức khỏe đến cộng đồng.

Chính trong giai đoạn này, chị nhận ra số lượng người hoang mang về bệnh tật, sức khỏe quá nhiều. “Tôi nhận ra, nhiều ca bệnh nhẹ nhưng gặp phải vấn đề tâm lý khá nặng nề. Người ta lo sợ những điều sắp diễn ra, không biết chuyện gì sẽ ập đến. Nỗi sợ đó nặng nề hơn bệnh tật rất nhiều. Thử thách với tôi là làm sao trấn an được người bệnh để họ hiểu hơn, giúp họ thoát khỏi nỗi sợ mơ hồ đó” - chị Trang chia sẻ.

Khi giúp được nhiều người nhiễm COVID-19 vượt qua cũng là lúc chị Trang nhận ra ngoài những nghiên cứu phức tạp ở nơi làm việc, chị cũng có thể có những hoạt động đơn giản hơn, tác động nhanh và trực tiếp hơn để giúp đỡ cộng đồng bằng những kiến thức đã tích lũy. “Để đạt đến vị trí công việc như hiện tại, tôi đã làm hao tốn biết bao nhiêu tài nguyên của xã hội, của gia đình. Thế nhưng, những đóng góp ấy chỉ xuất hiện trong những bài báo/tạp chí quốc tế. Từ nghiên cứu, để đi vào đời sống, cần thêm một khoảng thời gian rất dài nữa…” - chị Trang tâm sự.

Trang yêu quý và trân trọng công việc nghiên cứu chị đang làm và của đồng nghiệp trên khắp thế giới bởi nếu không có họ, nhiều bí ẩn về y khoa đã không thể giải mã. Song, thực tế tiếp xúc thôi thúc chị phải làm gì đó thiết thực hơn, trực diện hơn để góp một phần, dù nhỏ, thay đổi cách chăm sóc sức khỏe cộng đồng qua việc thay đổi lối sống, sinh hoạt hằng ngày. Không dễ rời khỏi công việc mình yêu thích, nơi làm việc mình đã gắn bó, đặc biệt là khi con đường rẽ ngang phía trước vẫn chưa có gì rõ ràng. “Thoạt đầu, tôi trăn trở rất nhiều. Tôi không biết nên bắt đầu từ đâu và làm thế nào để thực hiện ấp ủ của mình” - chị Trang nhớ lại.

Đúng lúc đó, chị gặp được chị Nga, một người bạn, người chị từng có 14 năm làm cùng đơn vị. Sau những cuộc nói chuyện, cả 2 nhận ra họ có cùng khát vọng. Vậy là họ quyết định bắt đầu từ việc đơn giản nhất: sản phẩm hữu hình đi trước, kiến thức đi sau.

Tiến sĩ  khoa học  Trần Vũ  Thiếu Nga
Tiến sĩ khoa học Trần Vũ Thiếu Nga

Không chỉ là trà

Theo chị Trang, những căn bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp… đều có thể giảm thiểu khả năng mắc phải nếu người bệnh chủ động thay đổi lối sống, cách ăn uống và sinh hoạt hằng ngày. Ngay cả khi không có bệnh, việc thay đổi thói quen sẽ giúp con người sống lành mạnh, khỏe khoắn hơn. Về lý thuyết, có lẽ ai cũng biết điều này, thậm chí hiểu rõ. Nhưng, thực tế cho thấy, thay đổi thói quen không phải là chuyện một sớm một chiều.

“Trước khi thay đổi cần chuẩn bị tâm lý. Thí dụ người mắc tiểu đường thường thèm ăn ngọt. Để họ kiêng được đồ ngọt, cần có sự chuẩn bị từ bên trong, tức là phải giải quyết gánh nặng tâm lý trước để họ dần dần chấp nhận và thay đổi thói quen. Trái lại, nếu tạo áp lực, họ sẽ dễ dàng từ bỏ khi chưa sẵn sàng và vô tình phản tác dụng” - chị Trang nhấn mạnh.

Đó là lý do chị Trang và chị Nga bắt đầu với Spice4Life, giới thiệu một số dòng trà thảo mộc và các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe. Tiếng Việt của tên này có nghĩa là “gia vị cho cuộc sống”. Chị Trang lý giải, gia vị mang đến giá trị và giúp món ăn thêm thơm ngon, đặc sắc dù chỉ chiếm một lượng vô cùng khiêm tốn. Mục tiêu của Spice4Life không phải là làm trà hay bán trà mà xem trà là phương tiện kết nối giữa bên trong và bên ngoài mỗi người vì khi uống trà cần ngồi tĩnh tâm để lắng nghe bên trong mình nhiều hơn.

“Cũng như gia vị trong mỗi món ăn, tôi muốn bắt đầu từ điều nhỏ nhất nhưng không thể thiếu trong cuộc sống” - chị Trang cười và lý giải thêm: “Sự tĩnh tâm bắt đầu từ hành động lắng lại ngồi xuống uống một tách trà và “dọn mình” để kết nối giữa bên trong với bên ngoài. Khi tâm thế đã sẵn sàng, mọi kiến thức mới sẽ dễ tiếp thu hơn”.

Chị Trang và chị Nga trong một chuyến “tắm rừng”
Chị Trang và chị Nga trong một chuyến “tắm rừng”

Với quan niệm chăm sóc sức khỏe từ những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng kiên trì và chú tâm sẽ tạo ra sự thay đổi lớn và chăm sóc từ bên trong, thay vì đợi có bệnh, Spice4Life không nhập hay mua trà của các bên trôi nổi mà chọn vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn. Sau thu hoạch, họ tiếp tục kiểm nghiệm, đạt yêu cầu an toàn cho sức khỏe người dùng mới bán ra thị trường, tức là kiểm nghiệm đến 2 lần.

Ấp ủ đơn giản nhưng để có thành quả là vài loại sản phẩm chăm sóc sức khỏe như hiện tại, hành trình của 2 chị tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc. Suốt hơn 1 năm, chị Trang đi khắp các tỉnh, thành để chọn vùng nguyên liệu phù hợp, đặt hàng sản xuất. Vì là dân nghiên cứu khoa học, 2 chị đều đặc biệt quan tâm đến tác động của sản phẩm đến sức khỏe. Cho nên, sau thu hoạch thành phẩm, chị Trang tốn thêm chi phí và thời gian chờ đợi kết quả kiểm nghiệm.

Những lần thử rồi bỏ rồi lại bắt đầu từ vạch xuất phát khiến chị Trang cạn tài chính và đôi lúc cạn cả niềm tin. Nhớ lại lý do bắt đầu, chị tiếp tục bước về phía trước. Để sản phẩm đến được với đông đảo người tiêu dùng, cũng là “chạm” đến một phần thông điệp của Spice4Life, suốt 3 tháng đầu tiên sau khi sản phẩm thành hình, chị Trang mang sản phẩm giới thiệu đến bạn bè, đồng nghiệp và người thân.

Hiện tại, Spice4Life đã bước qua giai đoạn thứ hai, thực hành chia sẻ giá trị của việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng đến sinh viên một số trường đại học và doanh nghiệp như Trường đại học Y Dược TPHCM, Trường đại học Quốc gia TPHCM hay Zuellig Pharma… Các buổi nói chuyện đều xoay quanh các chủ đề thiết thực, gần gũi trong đời sống, từ các kỹ năng mềm như tranh biện, chia sẻ kiến thức khoa học đến cộng đồng một cách dễ hiểu cho đến các chủ đề được người trẻ quan tâm như ăn uống thông thái, giải tỏa áp lực ăn kiêng hay những lầm tưởng trong việc chăm sóc sức khỏe…

“Sinh viên là những người trẻ tâm huyết và là tương lai của đất nước. Sinh viên y khoa là nền tảng tương lai của sức khỏe cộng đồng thì chính họ phải khỏe mạnh và ý thức được tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng” - chị Trang nói.

Trong tương lai, mong mỏi của 2 chị là kết nối thêm nhiều đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước để tạo thành mạng lưới vững mạnh, từ đó lan tỏa một cách đơn giản, dễ hiểu và trực tiếp kiến thức khoa học thực tiễn đến nhiều người, nâng cao ý thức, giúp cộng đồng thay đổi thói quen sống và quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Đó cũng là cội rễ của một cộng đồng khỏe mạnh. Con đường còn rất dài, 2 chị vẫn kiên định tiến về phía trước bằng niềm tin và sức mạnh của những trái tim thuần khiết. 

Thư Hiên

Ảnh do nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI