Khi mẹ chồng nàng dâu cùng “chiến tuyến”

21/10/2020 - 06:10

PNO - Bà Quách Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN Q.8, nói: “Hai cặp má - con làm công tác Hội này dễ thương dữ lắm. Cùng làm công tác Hội nên tình mẹ con của họ ngày càng khắng khít. Họ cùng một chiến tuyến…”.

Hai mẹ con cùng một đội 

Chúng tôi đến nhà dì Triệu Hoàng Vân, 65 tuổi, ngay thời điểm dì đang cùng con dâu Ông Mỹ Vân, 38 tuổi, chuẩn bị nguyên liệu cho hội thi nấu ăn chiều 20/10 tại P.12, Q.8. Bà Hoàng Vân bàn: “Má thấy, với chủ đề bữa cơm gia đình, mình làm ba món canh, mặn, xào như mọi người nhà mình thích nha con”. Chị Vân dạ: “Vậy làm cơm, canh chua, đậu cô ve xào với sườn non rim hả mẹ?”. Bà Hoàng Vân cười hiền từ: “Ừ, mẹ thấy vậy là được rồi, gạo ngon nhà mình sẵn đó!”.

Bà Hoàng Vân làm nghề kinh doanh gạo ở chợ Nguyễn Chế Nghĩa đã hơn 40 năm qua. Quanh năm người mẹ ấy chỉ biết buôn bán, phụ chồng lo cho các con. Khi các con khôn lớn, dựng vợ gả chồng xong đâu đó, bà mới tham gia sinh hoạt Hội.

Còn chị Mỹ Vân, năm 2002 về làm dâu nhà chồng, mới được mẹ chồng rủ đi sinh hoạt Hội. Chị kể: “Hồi đó, mẹ hay nói, ở nhà hoài chi buồn, đi sinh hoạt với mẹ. Chồng mình thì lái xe cả ngày, mẹ sợ mình ở nhà rảnh rỗi sẽ suy nghĩ lung tung. Bà nói, con bước ra ngoài cho cuộc đời tươi vui lên”. 

Nghe lời mẹ, chị Vân tham gia sinh hoạt Hội. Đến năm 2006, người chi hội trưởng tiền nhiệm xin thôi việc và vận động bà Hoàng Vân vào ban chấp hành. Bà Hoàng Vân ra điều kiện: “Tôi chỉ làm chi hội trưởng khi có con dâu trong ban chấp hành!”. Cả chi hội nhất trí, bởi ai cũng thấy cặp “mẹ chồng nàng dâu” này là những hội viên tích cực. 

Hai mẹ con bà Triệu Hoàng Vân
Hai mẹ con bà Triệu Hoàng Vân

14 năm qua, hai mẹ con bà Hoàng Vân song hành cùng nhau, duy trì sinh hoạt định kỳ của Chi hội khu phố 4, P.12, Q.8. Chi hội có 472 hội viên, đa phần đều là dân lao động, buôn bán nhỏ, nội trợ với kinh tế ở mức trung bình. Chi hội quan tâm tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, tình hình thời sự cho dân.

Biết thế mạnh của các hội viên là tinh thần tương thân tương ái, chị Vân cùng mẹ chồng thường xuyên phát động hỗ trợ học bổng cho các em nhỏ khó khăn và luôn được cả chi hội đồng lòng ủng hộ. Mỗi năm, chi hội trao chưa đầy mười suất học bổng, nhưng cách trao thì sáng tạo, khi hỗ trợ gạo, lúc hỗ trợ góc học tập… chứ không chỉ trao tiền. Năm 2020 này, chi hội không chỉ trao học bổng cho con em hội viên, phụ nữ nghèo mà còn trao cả cho những ông bố đơn thân nuôi con hiếu học. Mới đây, nhận quà của Hội, bố bé Lương Gia Nghiên cảm động: “Suất học bổng của các cô dành cho con gái làm tôi cảm thấy mình có thêm động lực sống”. 

Chị Thái Thị Minh Hiếu - Chủ tịch Hội LHPN P.12, Q.8 - cho biết: “Hai mẹ con dì Hoàng Vân ai cũng khéo ăn nói, thuyết phục nên chi hội khu phố 4 sinh hoạt bao giờ cũng sôi nổi, thu hút chị em. Khi có chủ trương, chính sách gì mới, cần thông tin đến dân, gửi về khu phố này là tôi rất yên tâm. Chi hội thuận tay trong tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện, chăm lo đời sống người dân. Mùa dịch bệnh vừa qua, Hội mới ngỏ lời về việc vận động hỗ trợ người dân khó khăn, hai má con bà Hoàng Vân đã ủng hộ ngay 300kg gạo, mở hàng cho cuộc vận động suôn sẻ. Thú thật, năm 2008 tôi về phường này nhận nhiệm vụ chủ tịch Hội, ngay khi tiếp nhận công việc, xuống khu phố gặp hai mẹ con bà Hoàng Vân, tôi cảm giác yên tâm ngay. Lúc nào hai mẹ con cũng hiểu ý nhau, làm cho chi hội ngày càng vững mạnh hơn”. 

“Má tôi giỏi lắm!”

“Má tôi giỏi lắm!” - chị Định Thị Nho, Phó chủ tịch HĐND, Ủy viên Thường vụ Hội LHPN P.5, Q.8, khẳng định về má chồng mình: dì Nguyễn Thị Tịnh (còn gọi là dì Út Tím), 69 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội khu phố 5, P.5, Q.8. Theo lời chị Nho: 4g sáng mỗi này, dì Út đã thức dậy, sang chùa Linh Bửu làm công quả. 8g, bà về nhà dì để thay dì chăm bà ngoại, nay đã 105 tuổi. Sau đó, bà đi chợ, nấu cơm trưa cho cả nhà. 14g lại sang chùa. 16g bà về nhà ăn cơm rồi sang chăm bà ngoại đến 21g. Những ngày có công việc Hội thì bà thu xếp thời gian cho gọn ghẽ hơn. 

Chị Nho về làm dâu nhà dì Út Tím tính đến nay đã mười năm. Nhờ có má chồng, chị đã học tập, rèn luyện và từng bước trưởng thành. Thấy con dâu tháo vát, dì Út dặn dò con phải ráng học hành thêm. Nho tự hào: “Chắc không ai may mắn như tôi, lấy chồng xong, sinh con, một tay má chồng lo, mình chỉ toàn đi học. Hai năm sinh hai cô công chúa, vậy mà khi con đầu lòng bốn tuổi, Nho đã có trong tay bằng cử nhân hành chính và thuận lợi trong công tác ở phường suốt từ bấy đến nay”. 

Chị Đinh Thị Nho và mẹ chồng
Chị Đinh Thị Nho và mẹ chồng

Hỏi dì Út: sao chấp nhận cho con dâu ra ngoài xã hội? Dì cười: “Vợ chồng nó có tương lai thì các cháu của tôi sau này cũng nở mày nở mặt, rồi chúng sẽ phấn đấu học hành, làm việc như cha mẹ nó”. Dì Út Tím tâm sự, hồi xưa dì làm dâu cực khổ, muốn ăn, muốn làm gì cũng phải nhìn trước ngó sau, xem mặt từng người. Vì thương chồng, dì nhẫn nhịn. Nhưng cũng từ lúc đó, dì đã tâm niệm: sau này có con dâu sẽ thoải mái để con vui sống. Con dâu vui thì con trai mình hạnh phúc.

Quan niệm sống tiến bộ của bà mẹ chồng khiến tình cảm gia đình ngày càng thêm bền chặt. Học theo mẹ, sống là cho đi, làm được việc gì giúp người, giúp đời thì phải làm nên chị Nho nhiệt tình với công việc chung. 

Cả dì Út Tím và chị Nho đều thừa nhận, nhờ cả hai má con cùng làm công việc Hội mà hoạt động Hội của P.5 và khu phố 5 có sự phối hợp tốt. Chị Nho nói: “Má tôi giỏi lắm, phường triển khai gì, má cũng làm thiệt hay, sáng tạo, rồi tự mình làm gương luôn. Ví dụ như để phát động bảo vệ môi trường, ngày nào má cũng quét sạch cả con hẻm dài. Má còn thuê các cô mua ve chai xử lý các bãi rác hoang, vận động các hội viên cùng trồng cây, trồng hoa, tạo mảng xanh cho khu phố. Từ hoạt động ở chi hội của má, tôi lại góp ý thêm cho hoạt động Hội ở phường để công tác Hội địa phương mình thiết thực, gần gũi hơn với chị em". 

Hạnh Chi 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI