Khi giáo dục không 'like' cho tư duy khác biệt thì...

10/06/2019 - 07:42

PNO - Dù có biện luận cỡ nào, chúng ta phải đành chua chát thống nhất với nhau, rằng giáo dục từ cấp nhỏ nhất đến đại học ở Việt Nam càng lún sâu vào mớ lùng bùng, kém hiệu quả.

Một người quen, hễ gặp là vò đầu, kiểu như mệt mỏi, nhưng hơn cả, là anh cần tín hiệu đồng điệu trong xử… thằng con. Từ năm lớp Bảy, nó tuyên bố quay lưng với những điều thầy cô dạy. Lý do: không “nuốt” nổi kiến thức và cách truyền bá. 

Tất nhiên, khi cả học kỳ mà chỉ có một quyển vở nguệch ngoạc vài ba chữ gom từ tất cả các môn, thì rớt cái ình là đương nhiên. Anh liền xin cho nó học giáo dục thường xuyên và dẫn nó đi đây đó, hầu để nó mở mắt bao điều.

Khi giao duc khong 'like' cho tu duy khac biet thi...

Học sinh các cấp học hành và thi cử căng thẳng

Rồi năm nay, nó cũng mò đến lớp Chín, nhưng từ học kỳ I, nó đã đăng ký thi vào trường THPT do Trường đại học FPT giảng dạy. 600 thí sinh thi, lấy 230, trong đó có nó. Hú hồn. Anh lạy trời cho nó đỗ tốt nghiệp. Đỗ. Mừng hết lớn. 

Vậy là năm học tới, nó đường hoàng vào học ở nơi mà người ta ít nặng nề ê a hơn các trường khác, mà đòi hỏi học sinh vận não nhiều hơn. Với anh, nó ngoan hiền, chu đáo mọi thứ, với mọi người nhưng nó dị ứng kiểu học và học. Thầy cô gọi nó là đứa lập dị. “thằng này tư duy logic rất giỏi”, một thầy giáo nói như thế.

Ông Lương Minh Sâm, Hiệu phó Trường đại học Đông Á (Đà Nẵng), kể từ năm 2018, trường đã quyết định chuyển hướng đào tạo, liên kết mạnh mẽ với Nhật Bản, Singapore. Từ năm thứ ba, sinh viên đã được trường đưa sang làm việc hai ngành du lịch và điều dưỡng ở hai nước kia. Qua đó, sinh viên vừa làm vừa có lương và làm quen với kỷ luật và kỹ thuật của người ta. Nhu cầu lao động ngành y và du lịch của Nhật Bản rất lớn.

“Chúng tôi quyết định chuyển hướng đào tạo gắn liền với thực hành, ứng dụng. Sinh viên cứ qua làm, cho nợ tín chỉ, có thể tận dụng thời gian thi online, miễn sao tốt là được. Khi về, sinh viên có thể làm trong nước hoặc làm ở nước ngoài. Mục tiêu tối thượng là hướng sinh viên làm sao học được lối làm việc và tư duy của người ta”. 

Câu hỏi đặt ra liệu đây có phải là xuất khẩu lao động không? “Không, khi ký kết lao động, tôi “cột” trong hợp đồng hai điều, sinh viên tôi là kỹ sư chứ không phải công nhân. Kỹ sư lương sẽ khác, môi trường làm việc sẽ khác. Hai, tuyệt đối không phân biệt đối xử với sinh viên. Họ phải tôn trọng sinh viên. Đồng thời cho sinh viên thấy, hãy tự tôn trọng mình trong công việc, lối sống ở nước ngoài với tư cách là người có kiến thức”, ông Sâm nói. 

“17 năm dấn thân vào giáo dục đại học, chúng tôi quá hiểu rồi, cứ kiểu học và dạy như hiện nay, mình hại học trò…”, tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường đại học Đông Á, nói.

Đứa trẻ rồi cũng thành sinh viên, rồi sẽ làm người lớn, tự chịu trách nhiệm với chính mình. Dù có biện luận cỡ nào, chúng ta phải đành chua chát thống nhất với nhau, rằng giáo dục từ cấp nhỏ nhất đến đại học ở Việt Nam càng lún sâu vào mớ lùng bùng, kém hiệu quả.

Có nói kiểu gì, nhưng đào tạo ra không có việc làm, có việc rồi thì không làm được vì không quen, vì hổng kiến thức, thì xét ở khía cạnh truyền bá kiến thức, giáo dục đã thất bại. Nhưng quan trọng hơn, giáo dục hiện nay không chấp nhận làm khác đi, không chịu những lối đi riêng, không “like” cho những kiểu tư duy khác biệt. Nói thẳng, một khi đã “chúng khẩu đồng từ”, “gọi dạ bảo vâng”, thì đốt đuốc đi tìm tinh hoa kiệt xuất, hơi khó.

Tóm lại là khủng hoảng đường lối giáo dục. Muốn khác, có lẽ không thể ngồi chờ, bởi nói miết mấy chục năm rồi mà như nước đổ lá môn. 

Thôi thì cứ dũng cảm bơi ngược dòng nhưng tỉnh táo đừng để chết đuối. Khi đã bơi được, thắng thì chưa dám nói trước, nhưng kinh nghiệm vượt vật cản sau này thì đã ấp ủ căn cơ. Chỉ có cách tự nâng… dân trí mình lên, thì mới tạo cú hích, dù nhỏ, mà một người rồi nhiều người xúm vào, đến một lúc, bánh xe sẽ chuyển động, cỗ xe nếu không tự trôi thì cũng bị đẩy đi. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI