Khi cổng trường bị biến thành bếp ăn dã chiến

14/12/2022 - 06:31

PNO - Các ngành chức năng ở TPHCM dường như chỉ quan tâm kiểm soát an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn, nhà ăn trong trường học, bỏ quên các xe hàng rong ở trước các cổng trường trong khi thức ăn từ các xe này có nguy cơ gây ngộ độc rất cao.

Thức ăn kém vệ sinh bủa vây trường học

10g, trước cổng Trường THPT chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định (quận 8) dày đặc xe bán đồ ăn. Những người bán hàng tranh thủ trộn, chiên, nấu đồ ăn để kịp bán cho học sinh khi tan trường. Cảnh khói chiên dầu, không khí chuẩn bị đồ ăn khiến cổng trường này trông như đoạn phố ẩm thực.

Đặt chiếc bàn vuông cách cổng trường vài bước chân, một phụ nữ chừng 40 tuổi nhanh chóng bày sụn gà, đùi gà, chả giò đã được nấu chín sẵn ở nhà ra bán. 11g trưa, trên con đường đông xe cộ, đầy khói bụi, thức ăn chín vẫn được bày lộ thiên trên bàn. Tan trường, học sinh túa ra, xúm xít vây quanh chiếc bàn bày đồ ăn. Người phụ nữ nhanh tay bốc đồ ăn cho vào hộp trắng, thêm vài lát dưa leo, nặn tương ớt đỏ vào để học sinh vừa ăn, vừa hít hà. Học sinh vô tư ăn những miếng đồ được chiên vàng ươm.

Một điểm bán hàng rong ở cổng Trường THPT chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định (quận 8, TPHCM) ẢNH: SƠN VINH
Một điểm bán hàng rong ở cổng Trường THPT chuyên năng khiếu thể dục thể thao Nguyễn Thị Định (quận 8, TPHCM) - Ảnh: Sơn Vinh

Cách đó không xa, một người đàn ông cũng liền tay làm bánh tráng nướng bán cho học sinh. Ông dùng 2 miếng bánh tráng kẹp lớp nhân, hơ lửa cho nóng rồi bán, bởi chúng đã được nướng sẵn ở nhà. Ông ta gằn giọng khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc của những chiếc bánh tráng: “Cái này tôi mới làm hồi sáng rồi chở ra đây thôi, sao mà thiu được. Tôi bán trước cổng trường này mấy năm trời, chưa đứa học sinh nào ăn vô bị gì cả. Bánh tráng nhà làm chứ có phải mua bậy bạ đâu”.

Ở cổng Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân), chúng tôi còn chứng kiến hình ảnh rùng mình hơn. Một người được gọi là dì Hai bày những chiếc xúc xích, đùi gà chiên sẵn và chảo cơm chiên vàng óng ra sát đường để bán. Từ sáng cho đến trưa, cơm và thức ăn được để nguyên trên bàn, không che đậy dù tiết trời nắng nóng, đường đầy bụi bặm.

Giờ tan trường, học sinh thường ghé đến chỗ “dì Hai” để mua cơm. Dù thức ăn để bên ngoài khá lâu nhưng khi bán cho học sinh, “dì Hai” không cần hâm nóng. 1 phần ăn 25.000 đồng gồm cơm có màu vàng, 1 chiếc đùi gà. Tương ớt và phần xốt ăn kèm được đựng trong những chai nhựa cũ kỹ, không nhãn mác.

Sát bên Trường THCS An Lạc là Trường tiểu học An Lạc 2. Nơi đây, cảnh bán hàng còn nhộn nhịp hơn. Ngay trước tấm bảng “Cổng trường em sạch đẹp, an toàn” là 1 xe đẩy chuyên bán phô mai que, khoai tây chiên, gà lắc phô mai. Đáng nói, thức ăn ở đây được bán với giá chỉ 5.000-10.000 đồng/phần. 

Cổng Trường tiểu học An Lạc 2 (quận Bình Tân) có rất nhiều xe hàng rong, có xe bán món ăn với giá chỉ 5.000-10.000 đồng/phần ảnh: sơn vinh
Cổng Trường tiểu học An Lạc 2 (quận Bình Tân) có rất nhiều xe hàng rong, có xe bán món ăn với giá chỉ 5.000-10.000 đồng/phần - Ảnh: Sơn Vinh

Chị Thúy Yến - có con đang học tại Trường tiểu học An Lạc 2 - chia sẻ: “Đi học về, cháu thấy bạn ăn, cứ nằng nặc đòi mua. Tôi đành chiều cháu, chứ mấy đồ ăn này ớn lắm. Nếu họ mua gà sạch, gà ngon mà bán 10.000 đồng/phần gà lắc phô mai thì sao có lời được. Tôi thấy họ chiên khoai tây trong chiếc chảo nhỏ đen sì, dầu ăn thì đựng trong chai nước ngọt. Nói chung, con ăn là tôi lo”.

Ở quanh Trường tiểu học An Lạc 2, giờ tan trường, có hàng chục chiếc xe đẩy bán đồ ăn, thức uống, gồm chè, trà sữa, dừa tắc, thức ăn nhanh. Điểm chung của những xe hàng này là làm sẵn đồ ăn, uống rồi đẩy từ nơi khác đến. Trong 15 phút sau khi tan trường, chủ của chiếc xe đẩy chứa đồ giải khát bên trái cổng trường đã bán được trên 50 ly. Nước sâm được đựng trong chai nước ngọt, dừa tắc được pha sẵn ở nhà, giữ lạnh trong một thùng xốp lớn. Khi học sinh hỏi mua, người bán chỉ việc múc ra bán mà không cần pha chế.

11g30, khá nhiều học sinh đứng chờ mua thức ăn từ những xe hàng rong trước cổng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6). V.T.T. - học sinh lớp Mười một - cho biết, do buổi chiều còn giờ học nên em ở lại trường. Buổi trưa, T. và các bạn thường ra xe bột chiên để ăn và uống trà sữa ở chiếc xe đẩy ngay sát đó.  “Bột chiên ở đây ngon, con ăn nhiều lần lắm rồi mà có lần nào bị gì đâu” - T. nói.

Theo quan sát của chúng tôi, chủ những xe bột chiên, cá viên chiên ở quanh trường Mạc Đĩnh Chi đều dùng dầu ăn trong những can nhựa lớn để chiên thức ăn. Họ chiên cá viên trong những chiếc chảo nhỏ. Do dầu được dùng lại nhiều lần nên bốc mùi khét rất khó chịu nhưng vẫn có rất đông học sinh ghé ăn.

Nguy cơ ngộ độc cao phải phối hợp để xử lý

Trước cổng Trường tiểu học Ngô Quyền (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) thường xuyên có nhiều người tụ tập, bán hàng rong. Đa phần thức ăn không được che đậy nên dễ nhiễm bụi bẩn. 

Món xiên que chiên dầu không đảm bảo vệ sinh nhưng học sinh rất  thích ăn  ẢNH: BẢO KHANG
Món xiên que chiên dầu không đảm bảo vệ sinh nhưng học sinh rất thích ăn - Ảnh: Bảo Khang

Ông Võ Phương Bình - Hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền - cho biết, nhà trường rất lo ngại việc học sinh ăn uống thực phẩm từ những xe hàng rong bởi chúng không an toàn cho sức khỏe, có nguy cơ gây ngộ độc cao. Nhà trường thường xuyên tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh về nguy cơ tiềm ẩn khi dùng thức ăn không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến hợp vệ sinh. 

Thức ăn “trôi nổi” rất dễ bị nhiễm khuẩn

Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - nguyên Phó viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM - cho biết, thức ăn trước cổng trường không được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng nên có rất nhiều nguy cơ gây hại sức khỏe học sinh. Đặc biệt, do thực phẩm này không có nguồn gốc rõ ràng nên nếu xảy ra sự cố, cơ quan chức năng rất khó truy vết và xử lý.

Ông nói: “Tôi chưa đề cập việc người bán có nhập thực phẩm giá rẻ, ôi thiu, tẩm ướp hóa chất hay không nhưng chỉ riêng việc họ bày thức ăn ra giữa trời nắng, khói bụi mà không che đậy thì thức ăn rất dễ bị nhiễm khuẩn. Khi ăn thức ăn nhiễm khuẩn, học sinh dễ bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Ngoài ra, có nhiều loại vi khuẩn có thể phát sinh độc tố, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong”.

Sơn Vinh (ghi)

Mới đây, nhà trường và UBND phường Bình Hưng Hòa B đã ký kết quy chế phối hợp lập lại trật tự đô thị, ngăn chặn tình trạng bán hàng rong trước cổng và quanh trường. Thời gian tới, trường tăng cường tuyên truyền giáo viên trong buổi họp hội đồng sư phạm về việc phổ biến quy chế này đến ban đại diện cha mẹ học sinh và toàn bộ phụ huynh. Việc tuyên truyền đến học sinh sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Đoàn thanh niên phường sẽ giám sát, chụp hình các học sinh mua hàng rong trước cổng trường, chuyển cho ban giám hiệu để nhắc nhở, xử lý. 

Bên cạnh đó, nhà trường phân công bảo vệ nhắc nhở và yêu cầu di dời đối với các trường hợp buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trước cổng và quanh trường. Trong trường hợp người bán hàng rong không chấp hành, nhà trường thông tin đến UBND phường để xử lý. Phường đã cử 2 cán bộ trực ban thường xuyên phối hợp với đội trật tự đô thị xử lý hàng rong. 

Theo ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - để chấn chỉnh hoạt động buôn bán hàng rong, thực phẩm không rõ nguồn gốc trước cổng trường, cần tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương. Nhà trường có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, vận động phụ huynh và học sinh không mua thức ăn không rõ nguồn gốc trước cổng và quanh trường. Phụ huynh, học sinh cần nói không với việc ăn uống hàng rong nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bảo đảm trật tự, mỹ quan ở khu vực trường học. Chính quyền địa phương phải chấn chỉnh hoạt động bán hàng rong quanh trường học. 

Ông cho hay, ngành giáo dục đã ký kết với Ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM về kế hoạch liên tịch bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục của TPHCM, trong đó có nội dung phối hợp xây dựng phương án xử lý khi xảy ra ngộ độc ở học đường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, học viên, sinh viên, cán bộ, giáo viên và cha mẹ học sinh về thực phẩm lành mạnh và an toàn thực phẩm. 

Khó kiểm soát hoạt động bán rong

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM - thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ bởi hầu hết xe bán hàng rong không được thẩm định, cấp phép. Theo quy định, trường học, bệnh viện là những khu vực không được phép bán hàng rong. Tuy nhiên, do hàng rong gắn liền với sinh kế của nhiều người nên việc kiểm soát không đơn giản, cũng giống như chợ tạm, chợ cóc.

Cũng theo bà Phong Lan, sau đợt dịch COVID-19, số người bán hàng rong ở TPHCM được tập huấn về vệ sinh, an toàn thực phẩm nhiều hơn nên họ đã quan tâm việc dùng găng tay, dùng chén bát loại xài 1 lần. Dù vậy, vấn đề nguồn gốc của sản phẩm vẫn là điều khó kiểm soát. Bà nói: “Hiện nay, trách nhiệm quản lý thực phẩm được phân cấp cho xã, phường. Vấn đề đặt ra là nguồn nhân lực của xã, phường có thể đảm đương được không. Không chỉ ít về số lượng, cấp địa phương này còn không có nhân lực chuyên trách về an toàn thực phẩm”.

Để giải quyết thực trạng trên, bà Phong Lan cho rằng, bên cạnh việc tăng cường thanh kiểm tra, giải pháp lâu bền vẫn là tăng cường giáo dục, tập huấn kiến thức, kỹ năng vệ sinh an toàn thực phẩm cho người bán hàng rong và kêu gọi các tổ chức xã hội cùng tham gia giám sát, tuyên truyền. Bà cũng cho rằng, cần khuyến khích phát triển các tuyến đường bán thức ăn để tập trung quản lý.

Nhiều học sinh bị ngộ độc thuốc lá điện tử

Thời gian gần đây, đã xảy ra những vụ ngộ độc thuốc lá điện tử. Mới nhất, tại Trường tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), 7 học sinh lớp Ba có biểu hiện buồn nôn do hít phải khói thuốc lá điện tử, phải nhập viện để kiểm tra, theo dõi. 

Bệnh viện Nhi Trung ương cũng vừa tiếp nhận, điều trị 1 bệnh nhi 5 tuổi, bị nguy kịch sau khi uống khoảng 5ml dung dịch màu vàng trong ống thủy tinh của thuốc lá điện tử mà bé nhặt được. Sau khoảng 15 phút, người nhà phát hiện bé co giật toàn thân, nôn ói, hôn mê. Dung dịch mà bé uống được xét nghiệm và cho kết quả dương tính với loại ma túy tổng hợp mới có tên ADB-butinaca.

Trước thực tế này, bà Trần Thị Trang - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - đề nghị cấm toàn bộ sản phẩm thuốc lá mới và không thí điểm cho lưu hành tại Việt Nam. Theo bà, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỉ lệ người dùng thuốc lá, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ. Ngoài ra, các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ làm phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là nạn dùng ma túy, các chất gây nghiện.

Huyền Anh

Minh Linh - Sơn Vinh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI