Khi bố còn thơ: Bí mật của bố và con

10/07/2020 - 18:56

PNO - Đó là những câu chuyện bố kể con nghe, rồi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cứ thế, When Daddy Was A Little Boy của nhà văn Alexander Raskin (xuất bản lần đầu năm 1961 bằng tiếng Nga) đi vào tủ sách của nhiều gia đình trên khắp thế giới với những lời thì thầm khe khẽ, những bí mật của bố và con.

Là hiện tượng xuất bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng nhưng cùng với thời gian, ngày nay, tác phẩm này gần như bị lãng quên trong sự nuối tiếc của nhiều “đứa trẻ” từng đọc nó. Bản dịch tiếng Việt cuốn sách từng xuất hiện hàng chục năm trước ở nước ta vừa trở lại với tên gọi Khi bố còn thơ do Phanbook và Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ phát hành.

Alexander Raskin là nhà văn Liên Xô có tiếng trong thời của mình, nổi danh với bút pháp trào phúng. Nhưng đối với con gái Xasa bé bỏng, ông chỉ đơn giản là một người bố, một người lớn nghiêm túc, chỉn chu, chẳng bao giờ biết đùa… - một người lớn mà ắt hẳn cô bé Xasa ngày nào đó sẽ trở thành. 

Ra đời từ năm 1961, đến nay, When Daddy Was A Little Boy của nhà văn Alexander Raskin vẫn nguyên vẹn thông điệp có giá trị với gia đình
Ra đời từ năm 1961, đến nay, When Daddy Was A Little Boy của nhà văn Alexander Raskin vẫn nguyên vẹn thông điệp có giá trị với gia đình

Hồi nhỏ, Xasa đau ốm suốt. Mỗi khi như thế, cô bé hay vòi bố kể những câu chuyện khi ông còn nhỏ. Raskin ngồi bên giường con, nhẫn nại lục tung trí nhớ của mình để hồi tưởng lại một tuổi thơ thi vị, đầy sắc màu, với đủ những trò “con nít con nôi”. Thậm chí, khi không thể nhớ ra kỷ niệm tuổi thơ nào để kể, ông lại kể chuyện hồi nhỏ của những ông bố khác mà ông biết. Và thế là, hàng tá chuyện thú vị, hài hước nhưng hết sức chân thực của đứa con nít Raskin thuở nào trở nên sống động trước đôi mắt tò mò của đứa con nít Xasa.

Trong câu chuyện đó, không có anh hùng, không có ước mơ “đầu đội trời chân đạp đất”, chỉ có một thằng nhóc hết lần này đến lần khác mắc lỗi để trưởng thành. Như chuyện cậu bé ấy đã cắn bác sĩ, cố chặn tàu điện đang chạy, nói dối cô giáo thế nào… Hay chuyện cậu bỏ mặc đứa em trai nhỏ của mình, bị bố trách hèn nhát bằng câu thơ của Lermontov: “vọt nhanh hơn hoẵng chạy”, để rồi sau này dù đã trưởng thành, mỗi lần tình cờ đọc đến câu đó, Raskin lại cảm thấy rất buồn. 

Ngay từ đầu, Khi bố còn thơ không chỉ là một câu chuyện riêng của bố con nhà Raskin mà đã trở thành một câu chuyện có tính phổ quát, như Raskin nói: “Xét cho cùng thì ông bố nào cũng từng là một cậu bé”. 

Cái sự ngậm ngùi ấy được Raskin che đậy khéo léo bằng giọng văn tưng tửng, tự trào. Vào thời khắc cầm cuốn sách này trong tay, tuổi thơ chúng ta cũng đã qua đi vĩnh viễn. Raskin biết, khi ký ức biến thành truyện kể, ông muốn hóa tượng nó trong trí nhớ của đứa con gái, để từ thế hệ này sang thế hệ sau, “đứa trẻ” không mất đi, vẫn hồn nhiên vui đùa trong thế giới của nó. 

So với các tác phẩm thiếu nhi kinh điển khác, quyển sách này không có gì cao siêu; thậm chí một số người còn không đánh giá cao. Nhưng, vì sao đã hàng chục năm trôi qua, người ta vẫn nhắc về câu chuyện bố con nhà Raskin như chính câu chuyện của mình? Phải chăng, sức sống của Khi bố còn thơ nằm ở tính chỉ dẫn, nó đánh thức trong chúng ta không chỉ một đứa trẻ đã từng, mà còn là một người kể chuyện bẩm sinh. Mà thật vậy, bất cứ ai cũng đều có thể viết lại câu chuyện của chính gia đình mình, từ những thủ thỉ, nhỏ to như thế. 
 

Bảo Ngân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI