Biển rì rầm kể chuyện

03/07/2020 - 15:37

PNO - Một cuốn sách không nặng nề suy niệm, tiếc nuối mà ngược lại, rất tươi mới, hóm hỉnh. Một tinh thần “rất trẻ” và tràn đầy năng lượng sống.

“Rồi một hôm, trong buổi “về thu xếp lại”, tôi gom góp một số bài tùy duyên, tùy hứng, tùy nghi, tùy hỷ…bấy lâu mình ưa thích làm thành một “tạp tuyển” ở tuổi 80 này, như một món quà lưu niệm dành riêng đọc vui một mình, rồi biết đâu cũng có người đồng điệu…” - bác sĩ - nhà văn Đỗ Hồng Ngọc bộc bạch như vậy, khi in cuốn Để làm gì (tạp bút, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành). 


Tôi đọc sách ông viết trên những chuyến xe dài, những trang viết ngắn dễ đọc, dễ cảm; đa dạng đề tài, nhiều cảm xúc. Cảm giác đọc Để làm gì như cách người ta thưởng thức một tách trà, nhẩn nha, ngẫm ngợi; lúc miên man cảm xúc lúc lại bật cười, thú vị. Đó là một cuộc đối thoại vô ngôn cùng tác giả, cùng chạm đến những tâm tư, ký ức của người viết theo cách lặng lẽ cảm nhận và sẻ chia. Những năm về sau, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc theo học Phật pháp, nên chữ của ông cũng tỏa ra năng lượng an lạc, tích cực. 

Có những lúc xe ngang qua mưa, tôi giở đến những bài tác giả viết dành cho những người bạn văn chương, xúc động với một cuộc đời “cô đơn uy nghi” của nhà văn Võ Hồng; ấm áp trong tình cảm chan hòa giữa những người bạn thơ: Võ Phiến, Nguyễn Như Mây, Từ Thế Mộng… Đây có lẽ là cuốn tạp bút viết cảm thơ nhiều nhất mà tôi từng đọc.

Cái sự “tùy duyên” mà bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói được thể hiện qua cả những ký ức thơ, phát hiện tình cờ hoặc những tập thơ được bạn bè gửi tặng ông. Trong mạch nguồn thơ len lỏi chảy suốt tập sách nhỏ này, thấy rõ nhất hai chữ “chân tình” mà tác giả dành cho bạn bè thơ văn khắp chốn. Đó là những bài viết: Làm mới thơ, Chiều nước lên, Một cốt cách ở đời, Lắm nỗi không đành, Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi… 

Có những mẩu chuyện tưởng chừng rất nhỏ nhưng xâu chuỗi lại là những “gói ghém tinh thần”, truyền tải những điều lớn lao hơn về những nhận diện và hạnh ngộ. Một người già cầm bút, viết trong tâm thế tùy duyên và an lạc, nên cuốn sách nhỏ có ký ức về quê biển Phan Thiết, có những chuyến đi xa xôi cả trong và ngoài nước, những chia sẻ về nghề với người…

Vậy nhưng cuốn sách ấy không nặng nề suy niệm, tiếc nuối mà ngược lại, rất tươi mới, hóm hỉnh. Một tinh thần “rất trẻ” và tràn đầy năng lượng sống. Bởi thế mà trong nhiều chuyến đi tình cờ, ông đã gặp được những độc giả lâu nay vẫn gối đầu giường sách Đỗ Hồng Ngọc. Họ chia sẻ rằng nhờ đọc những quyển sách ông viết mà học hỏi được nhiều điều hay, tinh thần suy nghĩ tích cực hơn. Thậm chí, nhờ sách ông mà những người già biết cảm thông với tuổi già của nhau hơn. 

Để làm gì như lời biển rì rầm kể chuyện, hết đợt sóng này đến lớp sóng khác. Những mẩu chuyện xếp lên nhau tạo thành một mảng dày kiến thức, trải nghiệm, tâm cảm, kỷ niệm... từ một đời người kể từ bãi biển Phan Thiết, đỉnh Tà Cú, Lagi quê nhà tác giả đến Huế, Hội An, Đà Lạt, sông nước miền Tây, Melbourne (Úc), mùa thu vàng ở Boston (Mỹ), những cuộc hành hương trên đất Phật Ấn Độ… Xen lẫn vào đó là những mẩu hài hước về chuyện Ếch kêu, Sáng mắt chưa, Bò sao lại điên, Sến già nam, Chơn mạng đế vương…

Tản văn của Đỗ Hồng Ngọc thật lành, thật nhã Sáng, trưa, chiều tối với “trà Tào Khê, cơm Hương tích, chiều Bát nhã, Trăng Lăng già…”. “Và thấy hình như có mình trong đó, nhận ra mình cần chậm lại, để nghe trái tim lên tiếng, để cảm nhận những chuyển biến dù nhỏ nhất xung quanh mình, trong bản thân mình” - tâm sự của bạn đọc trẻ như một thay lời dành cho Để làm gì. Một cuốn sách truyền tải được năng lượng tích cực, nhận được sự đồng cảm, trân trọng của bạn đọc - đó đã là thành công lớn của người viết.

Lục Diệp

*Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sẽ có buổi giao lưu ra mắt tác giả - tác phẩm Để làm gì vào sáng Chủ nhật 5/7 tại nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM (62 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM). Vào cửa tự do.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI