Hưng và cây đàn sến của ông Sáu

19/03/2021 - 07:25

PNO - Năm 2019, Nguyễn Khánh Hưng gây ấn tượng trên sân khấu Biệt tài tí hon với khả năng chơi đàn sến. Nhưng chỉ đến khi cuộc đời bé được viết thành sách, người đọc mới vỡ lẽ nhiều điều về quãng đời bất hạnh - mà cũng thật đặc biệt của “thần đồng” chín tuổi này.

"Con như khúc gỗ xấu xí, nhưng bên trong rất tốt đẹp"

Ấn tượng về Khánh Hưng trên sân khấu Biệt tài tí hon là một câu bé đầu trọc lốc, nụ cười răng sún siêu đáng yêu, nói rất ít nhưng lễ phép. Trên YouTube, cậu bé chơi đàn sến khiến người lớn phải nể phục với những bản: Lý tòng quân, Lý tương phùng…

Nhưng có lẽ rất ít người biết, chỉ mới chín tuổi, nhưng Khánh Hưng đã trải qua quãng thời gian sống lăn lóc, bất trị, tưởng chừng không ai dạy dỗ nổi. Khánh Hưng nghiện game, hết xin tiền ba mẹ đến lấy cả tiền của người ăn xin đi chơi game. Bị đánh cỡ nào cũng không sợ, sống hoang dại lêu lổng, hỗn hào, có lúc “thích chửi ai thì chửi”. Đến khi ba mất, Hưng được mẹ gửi bà ngoại nuôi, lì quá bà ngoại chịu không nổi bèn đem trả lại mẹ, rồi mẹ đem bỏ nhà “ông Sáu” - em họ của bà nội, người nuôi dưỡng và cũng là thầy dạy đàn cho Hưng đến bây giờ.

“Ông Sáu” như người cha, người thầy, người bạn của Khánh Hưng
“Ông Sáu” như người cha, người thầy, người bạn của Khánh Hưng

“Lúc cháu về, đầu tóc trụi lủi, chỉ còn một lủm giữa đầu nhuộm vàng hoe, hai bên bát thì nhuộm hình tia chớp, nhìn không giống ai cả. Cô Sáu nó thấy vậy cạo luôn, rồi khi tóc mọc thì ngứa, cho nên cứ cạo trọc đến giờ” - ông Sáu (tên Nguyễn Hoàng Anh, 45 tuổi) nhớ lại. 

Vì cái đầu trọc ấy mà Khánh Hưng ở nhà được gọi tên thân mật là Chùa. Trong nhà có rất nhiều loại nhạc cụ: guitar, đàn kìm, đàn cò, đàn sến, violon, độc huyền cầm… Đây là tài sản của ba anh Hoàng Anh - lúc sinh thời từng là thầy đờn trong đoàn văn công tỉnh Đồng Tháp - để lại.

“Hồi ba tôi còn sống, tôi ít quan tâm đến chuyện đàn hát, ba có bảo cũng không chịu học. Nhưng khi ông mất rồi, lại thấy nhớ ba, nhớ âm thanh tiếng đàn của ông. Vậy là tôi bắt đầu học đàn. Ban đầu tôi chỉ học guitar. Sau này, tôi hỏi Khánh Hưng có thích đàn không, thì bé nói thích đàn sến. Vậy là tôi vừa học vừa dạy thằng bé, bắt đầu bằng bản Lưu thủy hành văn” - anh Hoàng Anh kể. Học đàn từ năm sáu tuổi, đến giờ cậu bé đã đàn rành rẽ nhiều bản, như: Vọng kim lang, Tương tư dạ khúc

Chiếc song loan của Khánh Hưng được ông Sáu đẽo gọt từ một “gốc cây rất xấu”, trong một lần hai ông cháu đi lượm củi để nấu bánh tét. “Coi ông Sáu làm nè. Lớp da bên ngoài sần sùi xấu xí mất dần. Bên trong là màu gỗ cứng, còn rất mới. Con thấy không, từ một khúc gỗ bỏ đi, nếu mình chịu khó đục đẽo mài giũa, nó lại trở thành một nhạc cụ đẹp và tốt. Làm con người cũng vậy. Hồi đó con quậy phá, hư hỏng cỡ nào cũng giống như khúc gỗ xấu xí kia thôi. Bên trong vẫn rất tốt đẹp. Ông Sáu mài giũa để con trở thành một người mà ai gặp cũng thương, cũng muốn ôm hun” - ông Sáu nói thế với Khánh Hưng.

Những lời răn dạy luôn bắt đầu từ những bài học thực tế, đơn giản, gần gũi, mà cũng nhiều ý nghĩa như vậy. 

Con là món quà của ngày mai 

“Một ông Sáu không có bằng cấp gì hết, cũng không từng nghiên cứu sách vở, nhưng khi chạm được chữ tự do, thoát ra những sợ hãi về được mất của cuộc đời, đã mở ra được những cánh cửa kỳ diệu cho năng lực tự học. Câu chuyện này cũng là món quà cho những ai đang vật lộn với bi kịch giáo dục và tự giáo dục” - nhà văn Võ Diệu Thanh bày tỏ. 

 

Hai năm trước, khi xem Biệt tài tí hon, biết gia đình Khánh Hưng cũng ở An Giang, nhà văn Võ Diệu Thanh đã đến thăm. “Ban đầu tôi chỉ có ý định đến chơi nhà, trò chuyện với gia đình để viết một bài báo. Nhà Hưng cũng gần nhà tôi, cùng huyện Phú Tân nên sau này tôi hay sang chơi với bé. Khi nghe nhiều hơn những chia sẻ từ gia đình, tôi nghĩ, câu chuyện này nên được viết ra” - nhà văn Võ Diệu Thanh tâm tình.

Từ những cuộc trò chuyện với gia đình, những người xung quanh, nhà văn đã xâu chuỗi lại, làm việc trong một năm để hoàn thành cuốn sách Quà tặng của ngày mai (Nhà xuất bản Đà Nẵng). Câu chuyện có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, càng có ý nghĩa lớn lao hơn về bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, truyền cảm hứng và tình yêu cho trẻ nhỏ với đờn ca tài tử. 

Ông Sáu của Khánh Hưng dạy cháu không roi vọt, chỉ bằng những câu chuyện kể mỗi ngày, những lời dạy bảo nhẹ nhàng mà mưa dầm thấm lâu. Khánh Hưng nói những lúc cậu sai quấy gì, “ông Sáu” cũng chỉ cười. Nhưng đó là nụ cười không vui và cậu sợ hãi điều đó.

Ông Sáu không có gia đình, lại bị bệnh tim nên đã luôn dạy các cháu có ý thức tự lập để “nhỡ mai ông Sáu chết”. Ông Sáu giáo dục trẻ nhỏ không sách vở, mà bằng những hành động thiết thực, vừa làm vừa dạy, nhắc nhở, dặn dò. Chỉ trong thời gian ngắn, ông biến một đứa trẻ suốt ngày chỉ biết rong chơi, nghiện game, thậm chí hút thuốc lá và xem phim xấu, trở thành một cậu bé biết ước mơ, chăm chỉ, nuôi dưỡng niềm đam mê, ham học và biết giúp đỡ người khác.

Hưng nói lớn lên muốn trở thành bác sĩ, muốn nuôi dạy những đứa trẻ khác, truyền lại cho chúng những bài học để trưởng thành - như cách ông Sáu đã dạy dỗ và yêu thương mình. 

Mẹ Khánh Hưng mê bài bạc, bỏ bê con cái. Ba chị em Hưng (Hưng có chị gái Mỹ Duyên 11 tuổi và em gái Kim Tiền bảy tuổi) đều được “giao” về cho ông Sáu nuôi dạy. Hai bé gái cũng thích học và đã biết đàn.

Ông Sáu mở quán Nụ Cười để ai thích đờn ca tài tử thì có thể ghé chơi. Tiếng hát, tiếng đàn ngày ngày cất lên ở nơi mà ngày xưa Khánh Hưng đã từng ngủ, trên chiếc giường có gắn bánh xe tiện dụng cho cuộc mưu sinh sớm tối. Bây giờ, nơi ấy đã trở thành không gian cho đờn ca tài tử, cho tiếng đàn của cậu bé vang xa… 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI