Hồng Đăng: Hương hoa sữa vẫn còn đâu đó...

26/03/2022 - 06:53

PNO - Trong âm nhạc của Hồng Đăng, chất trữ tình tự sự luôn song hành với những suy tưởng về cuộc đời, về đất nước, về số phận con người.

Nhạc sĩ Hồng Đăng từng chia sẻ với bạn bè: “Được sinh ra trong đời là đã hạnh phúc… Mỗi người đều thăng trầm, đau khổ nhưng người nghệ sĩ càng đau khổ hơn vì không chỉ chịu số phận của mình mà còn đau khổ vì lo nghĩ, thương cho nhiều số phận khác, cho cả dân tộc. Cái anh nghệ sĩ nó thế. Ông Nguyễn Du còn thương cho cả vong hồn của thập loại chúng sinh. Nhưng hạnh phúc có được cũng rất lớn, như trên đã nói. Với người nghệ sĩ, có được bài hát mà công chúng yêu thích cũng là một hạnh phúc lớn. Lại có hạnh phúc nhỏ mà có thật như hôm nay chúng ta ngồi với nhau ở đây”.

Trong cuộc đời nhiều thăng trầm của mình, nhạc sĩ Hồng Đăng luôn trân trọng niềm vui. Bất kể trong hoàn cảnh nào, ông vẫn hiền hòa vui vẻ, chắt chiu từng niềm hạnh ngộ, từng mối duyên gặp gỡ. Thế nên các sáng tác của Hồng Đăng luôn tràn đầy tình yêu đời, yêu người; dù thăng hay trầm vẫn luôn nồng nàn, đắm đuối một niềm hạnh phúc hiển hiện giữa nhân gian.

Nhạc sĩ Hồng Đăng
Nhạc sĩ Hồng Đăng

Một trong những niềm hạnh phúc lớn lao nhất mà vị nhạc sĩ tài hoa ấy đã để lại cho đời là nhạc phẩm Hoa sữa. 

Mỗi bài hát có một số phận…

Hoa sữa là một trong những ca khúc nổi tiếng nhất của âm nhạc Việt Nam nhưng lại có hoàn cảnh sáng tác khá đặc biệt. Đặc biệt là vì nó… bình thường quá - vốn chỉ là ca khúc viết theo “đơn đặt hàng” cho một bộ phim điện ảnh. Thậm chí khi viết ca khúc, nhạc sĩ Hồng Đăng còn chưa hề được nhìn thấy loại hoa ấy, mà ông sáng tác hoàn toàn bằng trí tưởng tượng.

“Đến 25 năm sau mới biết hoa sữa như thế nào. Rất may là lúc ấy trong bài hát tôi chưa viết thành... bụi hoa sữa" - nhạc sĩ Hồng Đăng hóm hỉnh thú nhận. 

Chuyện sáng tác bài Hoa sữa cũng được nhạc sĩ kể lại nhiều lần. Đó là vào năm 1978, nữ đạo diễn Đức Hoàn làm phim Hà Nội mùa chim làm tổ, một trong những bộ phim nền móng ở thời kỳ sơ khai của điện ảnh Việt Nam (có sự tham gia của hai diễn viên nổi tiếng nhất thời bấy giờ là Như Quỳnh và Trần Vân). Khi đó, nhạc sĩ Hồng Đăng đã được nhiều người biết đến với một số sáng tác như: Đường đi có nắng mặt trời, Quà tháng Năm, Giữa mùa sa nhân... Đạo diễn Đức Hoàn ngỏ lời đặt hàng Hồng Đăng viết phần nhạc chính cho Hà Nội mùa chim làm tổ với nội dung về những kỷ niệm của một mối tình không thành, trong bối cảnh Hà Nội những năm đầu tái thiết vô cùng đơn sơ và thơ mộng.

Vốn gốc gác Nghệ An, thời gian gắn bó với Hà Nội không nhiều nên nhạc sĩ Hồng Đăng bị “bí” đề tài đến cả tháng trời. Tình cờ lúc đó, nhà thơ Nguyễn Hương Trâm là bạn của Hồng Đăng đã gợi ý cho ông rằng nếu viết về Hà Nội thì nên viết về hoa sữa, loài hoa có mùi thơm nồng nàn đặc biệt, khi đã gặp rồi thì hương thơm vấn vương dịu dàng mãi trong tâm trí như những ký ức tình yêu.

Hoa sữa - loài hoa đặc trưng của Hà Nội
Hoa sữa - loài hoa đặc trưng của Hà Nội

“Gợi ý ấy như một ánh chớp lướt qua trí óc tôi, những câu đầu tiên được tôi viết ngay sau đó: Em vẫn từng đợi anh, như hoa từng đợi nắng, như gió tìm rặng phi lao, như trời cao mong mây trắng...” - ông kể. Ca khúc được hoàn thành trong thời gian kỷ lục: chỉ vài chục phút.

Hoa sữa có giai điệu nhẹ nhàng sâu lắng, phảng phất dư âm của một Hà Nội xưa. Bản thu âm đầu tiên là của ca sĩ Lê Dung, phát hành trong bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ. Dù vào thời điểm đó, ca khúc được khá nhiều bạn trẻ yêu thích nhưng không thực sự gây được tiếng vang lớn như mong đợi, cũng không có ca sĩ nào muốn thu âm lại. Theo thời gian, Hoa sữa chìm dần vào quên lãng. 

Phải tới hơn mười năm sau, thời điểm những năm 1980, không hiểu bằng cách nào, ca khúc đến tay ca sĩ Nhã Phương trong giai đoạn cặp song ca Bảo Yến - Nhã Phương đang là những ngôi sao hàng đầu của làng nhạc Sài Gòn. Trong một dịp nhạc sĩ Hồng Đăng vào Nam công tác, ca sĩ Nhã Phương đã đến gặp và xin phép thu âm ca khúc này. Qua chất giọng trữ tình và truyền cảm của Nhã Phương, Hoa sữa như hồi sinh, được rất nhiều người biết đến.

Sau phần thể hiện của Nhã Phương, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng khác (Thanh Hoa, Hồng Nhung, Hồ Quỳnh Hương, Mỹ Linh, Lệ Quyên…) cũng hát lại Hoa sữa và nổi bật hơn cả là Thanh Lam với phần thể hiện được nhạc sĩ Hồng Đăng nhận xét là: “Không ai hát được bằng Thanh Lam!”.

Quả thực đây là ca khúc có số phận kỳ lạ khi một ca sĩ miền Nam đã đưa một bài ca mang dấu ấn đặc trưng của Hà Nội lan tỏa đến khắp mọi miền, để rồi nó quay trở lại với những người con của mảnh đất thủ đô và trở thành kinh điển trong trái tim người nghe nhạc cả nước. Như số phận của mỗi con người, không ai nói trước được điều gì. “Mỗi tác phẩm có số phận của nó chứ không phải cứ hay là được sử dụng, không phải cứ tốt là được nổi tiếng.

Đất nước ta đã có bao nhiêu nhạc sĩ tài danh, bao thế hệ nhạc sĩ đóng góp vào nền âm nhạc Việt Nam trải qua chiều dài của biến động lịch sử và cho đến hôm nay, chúng ta đã thực sự khai thác hết chưa?” - nhạc sĩ Hồng Đăng chia sẻ. Ông cũng nói thêm: “Tác phẩm cũng như những đứa con mình sinh ra, đứa con nào mình cũng yêu. Có những đứa con mình tưởng nó ghê gớm lắm nhưng nó lại chìm trong cuộc đời, có những đứa mình tưởng nó đã "hư" nhưng sau này nó lại rất lừng lẫy. Cái đó mình không thể nào biết trước”. 

Những nghệ sĩ làm nên hồn phố

Từ nhiều năm trước, một người bạn nhạc sĩ của tôi từng nhận xét: “Âm nhạc Việt Nam trong nước có hai ca khúc hay nhất và đáng nhớ nhất về hai địa danh, đó là Thành phố buồn của Lam Phương viết về Đà Lạt và bài thứ hai là Hoa sữa của Hồng Đăng viết về Hà Nội. Hay là vì cả hai bài đều không hề nhắc đến tên hai địa danh nêu trên. Ấy là cái tài của anh nhạc sĩ…”.

Ca khúc Hoa sữa- ca sĩ Thanh Lam:

 

Trong âm nhạc của Hồng Đăng, chất trữ tình tự sự luôn song hành với những suy tưởng về cuộc đời, về đất nước, về số phận con người. Mỗi sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa học thuật bài bản với những cảm xúc lắng đọng và đầy chiêm nghiệm của một trí thức tài hoa, tử tế.

Theo thời gian, bản tình ca Hoa sữa nhỏ nhắn dịu dàng đã được cộng hưởng thành một khúc hát đặc trưng của người Hà Nội, mang hồn cốt của phố phường yêu dấu để mỗi độ thu về, đi giữa hương hoa sữa mà tưởng như tiếng nhạc của Hồng Đăng văng vẳng sau mỗi khung cửa sổ nồng nàn hương hoa.

Gần nửa thế kỷ trôi qua, vượt ra khỏi khuôn khổ một bản nhạc phim, Hoa sữa trở thành khúc ca độc lập và bền vững trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam; trở thành bản nhạc mang hồn cốt của Hà Nội với phong vị trữ tình, nên thơ của một thế hệ người Hà Nội đầy xúc cảm với những dư âm đẹp đẽ.

Gần cả cuộc đời sống với âm nhạc, nhạc sĩ Hồng Đăng là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Ông có đóng góp to lớn trong tất cả các lĩnh vực thuộc về âm nhạc, như sáng tác ca khúc, hợp xướng, ca cảnh, khí nhạc; ông đã viết nhạc cho hàng trăm bộ phim điện ảnh của Việt Nam; ông cũng tham gia biên soạn nhiều giáo trình có giá trị lớn về âm nhạc…

Nhạc sĩ Hồng Đăng, cùng với những nhạc sĩ cùng thời như Hoàng Việt, Huy Thục, Hoàng Vân, hay các thế hệ kế cận là Phú Quang, Trần Tiến, Phó Đức Phương… đã tạo nên một thế hệ nghệ sĩ không ngừng cống hiến những giá trị đẹp cho đời, với những tác phẩm có sức sống lâu bền trong dòng chảy âm nhạc.

Cuối năm 2021, Hoa sữa của Hồng Đăng nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội vì có những cống hiến xuất sắc cho nền âm nhạc thủ đô.

 Lan Anh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI