Vi phạm giao thông bị nghỉ học 1 tuần: 'Nghỉ học càng thích'

14/03/2016 - 07:12

PNO - Nhiều học sinh cho biết, sẽ rất xấu hổ vì bị nghỉ học 1 tuần vì sợ bị... hiểu lầm. Cũng có nhiều em khẳng định, nghỉ học càng thích.

Sợ người thân nghĩ bị nghỉ học vì... trộm cắp

Trước quy định này học sinh vi phạm giao thông, nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.

Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe, nhiều em học sinh đã tỏ ra lo lắng.

Vi pham giao thong bi nghi hoc 1 tuan: 'Nghi hoc cang thich'
Học sinh ngang nhiên điều khiển xe máy, vi phạm giao thông. (Ảnh minh họa)

Em Hà Kiều Anh (học sinh lớp 10 một trường dân lập tại Hà Nội) phản ứng: "Em sẽ rất xấu hổ vì bị nghỉ học. Người thân, hàng xóm sẽ nghĩ em là hư hỏng, vì em cũng không thể đi giải thích với mọi người lý do em không được đến trường. Mọi người sẽ đánh đồng em với mấy bạn nam suốt ngày trốn học đi chơi game, trộm cắp".

Đồng quan điểm với Kiều Anh, Mai Phương - người bạn cùng lớp cũng cho rằng, việc bị nghỉ học sẽ khiến các em cảm thấy trở nên cá biệt, tổn thương lớn, nhất là với con gái.

"Với lại khối lượng kiến thức hiện nay của chúng em rất lớn, nếu nghỉ 1 tuần thì chúng em sẽ không thể theo kịp các bạn, như thế sẽ càng tạo ra khoảng cách khiến bọn em chán nản hơn trong việc học hành", Phương bày tỏ.

Trần Quang Đức (học sinh lớp 12, Hà Nội) đưa ra ý kiến riêng: "Đi đường mặc dù em rất chú ý nhưng vẫn vô tình bị bắt vì lỗi này hay lỗi kia, chẳng ai mà chắc chắn được không bị bắt đến lần thứ 2, thứ 3. Mà bị nghỉ học một tuần thì quá là nặng, nó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến học bạ của em".

"Trong một tuần đấy chúng em biết làm gì, chẳng nhẽ lại lôi sách ra tự ngồi học? Việc áp dụng các biện pháp này chỉ khiến các bạn thêm bất mãn, sự ức chế thôi chứ không có thể khiến các bạn thay đổi. Hơn nữa bọn em cũng lớn rồi nên cũng phải có thể diện với các bạn nữ", Đức thổ lộ.

Được nghỉ càng thích

Trái với những quan điểm tỏ ra lo lắng, e ngại về quy định mới của Sở Giáo dục, Nguyễn Phương Đông (học sinh lớp 12, quận Hà Đông) thẳng thắn: "Nếu cứ nhất định phạt em thì đằng nào cũng bị phạt rồi thì em tự coi như cho mình nghỉ ngơi, vì dù sao cũng không phải em cố ý nghỉ nhiều thế. Được nhà trường cho nghỉ học em càng thích".

Trùng ý kiến với Đông, Mai Phương cũng đưa ra quan điểm rằng, nhiều bạn nam ham chơi cũng sẽ coi đây là cái cớ để được nghỉ tẹt ga mà bố mẹ cũng không làm gì được.

Phương cũng kể rằng, hiện nay trong lớp có một số bạn vẫn thường nói dối nhà trường, rồi quay sang nói dối bố mẹ để đi chơi, tụ tập với nhau.

"Nên em thấy việc áp dụng quy định này với các bạn lười học thì không sao chứ với các bạn chăm chỉ thì sẽ khiến các bạn suy nghĩ tiêu cực đi, nên chúng em đang bàn nhau đưa ý kiến lên thầy cô giáo", Phương khẳng khái.

Đưa ra những ý kiến xung quanh về quy định này, các em học sinh cũng bày cách cho nhau cách "đối phó" với các cảnh sát giao thông trong những lần bị xử lý. Cao Mỹ Duyên (lớp 9, quận Nam Từ Liêm) nói về vũ khí lợi hại của mình: "Em rất sợ các chú CSGT, cứ bị bắt là lúc đấy em cuống lên, rồi khóc. Chắc các chú cũng thấy thương nên lại nhắc nhở rồi tha cho em, em bị bắt 2 lần rồi".

Trần Quang Đức cũng tỏ ra nhiều kinh nghiệm: "Khi bị bắt thì nếu xin các anh không được thì em phải gọi điện cho bố mẹ em. Các chú cứ bảo phạt mấy trăm nghìn thì em lấy đâu ra tiền. Nhưng lúc đó phải tỏ ra hối lỗi thì cũng có anh tha".

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI