Học lớp 5 đã "cãi" mẹ để chọn nghề

23/12/2015 - 07:55

PNO -  “Con không du học, con không học đại học, vì con sẽ phấn đấu trở thành đầu bếp giỏi”.

Đi qua tiệm bánh kem lộng lẫy, chị Bích Phượng, một nhân viên ngân hàng ở Q. 1, TP. HCM thường thở dài bởi chị từng ước mơ trờ thành "người bắt bánh kem đẹp nhất Việt Nam". Vậy nhưng, khi cậu con trai nằng nặc xin nghỉ học bán trú để có nửa ngày theo các khóa học nấu nướng, vợ chồng chị đã lo lắng mất ăn, mất ngủ...

Đấu tranh cho ước mơ

Nguyễn Minh Thanh, học sinh Trường tiểu học Lê Văn Tám, Q.Tân Phú, TP.HCM là con trai út chị Phượng. Hồi Thanh học lớp 2, phải kê ghế mới nhìn thấy nồi chảo trên bếp, chị Phượng rất tự hào về những món ăn con thực hiện, những công thức bánh mới con sáng tạo. Chị cũng vui khi con không ham truyện tranh mà chất đầy kệ sách những cuốn hướng dẫn nấu ăn. Nghĩ con chỉ thích nhất thời, nhưng tới lớp 5, cậu bé vẫn hào hứng với bếp núc, chị bắt đầu hoảng.

“Con phải du học, anh sẽ làm tất cả để con có thể chọn một đại học tốt”, chồng chị nhiều lần nhắc vợ. Anh chị muốn “uốn cây từ lúc còn non” nên ra sức hướng con ra thế giới bên ngoài với những chuyến dã ngoại, những giờ học lắp ráp robot, cờ vua...

Tuy nhiên, cứ về tới nhà, cậu bé lại sà vào bếp hoặc lên mạng xem các chương trình hướng dẫn nấu ăn, chăm chăm vào các diễn đàn chia sẻ bí quyết nấu nướng. Những xu thế làm bánh Nhật, bánh Tây vừa xuất hiện, Thanh kì kèo mẹ cho tiền mua dụng cụ. “Tiền nguyên liệu và dụng cụ làm bánh trái không rẻ, nhưng nếu tôi không cho, con sẽ nhịn ăn sáng để có tiền sắm.

Thấy con làm món nào cũng thành công, tôi vừa nếm vừa lo. Nghề làm bếp là ước mơ của tôi ngày nhỏ, nhưng đàn ông làm nghề bếp núc, sao thấy... tội con quá”, chị Phượng chia sẻ. Biết cha mẹ không ủng hộ, cậu bé Thanh bền bỉ đấu tranh cho ước mơ. Cậu khẳng định chắc nịch: “Con không du học, con không học đại học, vì con sẽ phấn đấu trở thành đầu bếp giỏi”. Thanh xin mẹ khi lên lớp 6 sẽ không học bán trú để dành một buổi theo học các khóa nấu ăn.

Hoc lop 5 da
Ảnh mang tính minh họa: Internet

“Con trẻ bây giờ sao chướng quá” là than thở của chị Mai Tính, nhân viên văn phòng Q.3, TP.HCM. Đầu năm lớp chí n, cậu bé Lê Định con trai chị đã kiên quyết đòi học nghề. Định nghiêm túc trình bày nhất quyết không học lên cấp ba như bạn bè.

Cha mẹ, cô bác xúm vào từ năn nỉ đến gây áp lực, Định phản ứng rất quyết liệt, xé tập vở, thậm chí lấy dao đâm rách quần, áo... “Không khí gia đình rất nặng nề. Đến bữa chẳng ai muốn ăn. Bố là tiến sĩ, mẹ vừa xong thạc sĩ, ông bà không thể chấp nhận cảnh nhà không thiếu thốn mà cháu đích tôn rẽ ngang đi học nghề”, chị Tính nhớ lại.

Trước áp lực gia đình, học kỳ II, Định vẫn “con thi lớp 10 cho vừa ý ba mẹ” nhưng kiên quyết vào học TCCN ngành Thiết kế đồ họa của trường ĐH Tôn Đức Thắng (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Cha mẹ Định hết cách, đành chịu cảnh “con đặt đâu, cha mẹ ngồi đó”.

Mỗi ngày có bao nhiêu người chán nản với công việc họ làm chỉ vì chưa chọn đúng ngành nghề? Chưa tính tới sự lãng phí trong đào tạo, hàng loạt vấn đề về xã hội như tâm lý, chất lượng sống của người chọn lầm nghề. Nhưng không phải ai cũng quyết liệt đấu tranh cho tương lai bản thân, và quan trọng nhất, cuộc đấu tranh ấy liệu có giành thắng lợi?

Anh Tuệ (học sinh nghề Quản trị khách sạn Trường Trung cấp nghề Việt Giao, Q.10, TP.HCM) là một kiểu “không chịu học để làm thầy”. Tuệ là học sinh giỏi suốt các năm THCS. Cuối năm lớp chín, Tuệ khiến thầy cô, bạn bè sốc khi chọn học nghề nhà hàng khách sạn. Đã “lao động chân tay”, lại là nghề phục vụ nên Tuệ bị người thân phản đối. Để thực hiện ước mơ “khác người”, Tuệ phải thương thuyết trường kỳ, có lúc phải gây áp lực với ba mẹ cả tháng trời.

Chung khóa K29 với Tuệ còn có nhiều học sinh rẽ ngang khi hết lớp chín. Các em đều học khá giỏi, thậm chí có năm em từng tốt nghiệp ĐH-CĐ. Các em cho biết đã phải vượt qua những ngày khủng hoảng khi đối diện với áp lực gia đình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI