Họa sĩ Trần Quốc Long: 'Sơn mài ở ta tính nghệ thuật rất hạn chế'

05/01/2019 - 09:51

PNO - Nếu phát triển được tranh sơn mài, quảng bá được ra bên ngoài, cũng có nghĩa là quảng bá được các ngành nghề truyền thống khác của Việt Nam.

Sơn mài được xem là “quốc họa” - một trong những chất liệu đặc biệt của hội họa Việt Nam. Hiện nay, nghề làm tranh sơn mài vẫn còn ở một số nơi như Tương Bình Hiệp (Bình Dương), làng Hạ Thái, làng Bối Khê (Hà Nội), làng Đình Bảng (Bắc Ninh)… Tuy nhiên, giữa vòng xoáy kinh tế thị trường, nhiều gia đình đã bỏ nghề, chuyển đổi hình thức kinh doanh. Những gia đình, làng nghề còn bám trụ, có khi lại làm “không đến nơi đến chốn”.

Hoa si Tran Quoc Long: 'Son mai o ta tinh nghe thuat rat han che'

Họa sĩ Trần Quốc Long - một trong những người nhiều năm gắn bó với tranh sơn mài - nói: “Tranh Việt Nam mình rất nhiều vấn đề. Làm lần đầu rất đẹp, lần hai thì không đẹp nữa. Sản phẩm làm cẩu thả, nhanh vội. Một cái bát người Nhật làm, bán 40.000-100.000 USD. Một bức tranh sơn mài của họa sĩ ở ta, giá trung bình chỉ 5.000-10.000 USD. Trong khi đó, cây sơn ta giá 1,2 triệu đồng, cây sơn của họ chỉ khoảng 40.000 đồng. Sơn mài hiện nay khan hiếm, muốn mua, phải tìm đúng nhà, đúng người; thậm chí xuống tận làng nghề, nếu không biết, cũng mua phải hàng giả. Ở TP.HCM, người ta bán vóc chỉ có 600.000 đồng, đa số bị lừa; sinh viên trường mỹ thuật cũng bị lừa, nói gì người ngoài. Vóc xịn một mét, giá đã gấp đôi; nhưng nếu muốn vẽ tranh sơn mài, không thể không lấy”.

Phóng viên: Vấn đề ở đây là gì?

Họa sĩ Trần Quốc Long: Vấn đề là người ta có muốn và có ý thức bảo tồn những giá trị hay không mà thôi. Tại sao ở Nhật, người ta làm đến cùng được, ở ta lại không làm được? Nhiều nghệ nhân giờ tuổi đã cao, con cái không muốn nối nghiệp gia đình nữa. Những người không biết thì học lỏm, làm nhái, làm giả, bán giá rẻ. Ngoài ra, tư tưởng “sợ mất bí mật gia truyền” ở một số gia đình dẫn đến việc chỉ có con dâu được dạy nghề chứ con gái ruột có khi lại không được dạy, cũng làm mai một nghề này.

So với ngày trước, nghề tranh sơn mài giờ cũng thay đổi, phải cập nhật xu hướng mới tồn tại được. Nhưng đa số nghệ nhân sơn mài lại không được học về nghệ thuật tạo hình, mỹ thuật chuyên nghiệp; chủ yếu là cha truyền con nối, quanh quẩn vẽ đi vẽ lại mấy con cá, mấy cành tre, khóm trúc… để khách du lịch mua làm quà lưu niệm, cho đẹp mắt chứ tính nghệ thuật rất hạn chế. Tôi vẫn thích đi sâu hơn một chút, vì bản thân sơn mài đầy ngôn ngữ tạo hình trong đó; nếu không, chúng ta chỉ dừng lại ở làng nghề, bảo tồn trên bề mặt sơn thôi.

Hoa si Tran Quoc Long: 'Son mai o ta tinh nghe thuat rat han che'
Một bức tranh sơn mài 

* Đề tài thì sao thưa anh? 

- Chất liệu truyền thống mà các cụ để lại nên được bảo tồn, nhưng tạo hình trong tranh phải mang yếu tố cá nhân, thời đại của mình. Nghề sơn mài đi liền với nhiều ngành nghề truyền thống khác ở Việt Nam. Chẳng hạn, làng nghề sơn mài Đình Bảng thường lấy quỳ vàng, quỳ bạc của làng nghề Kiêu Kỵ (H.Gia Lâm, TP.Hà Nội), lấy giấy dó của làng Đông Cao, lấy vải màn của làng Đình Cả, lấy vóc của làng Phù Khê, lấy sơn thô của Phú Thọ… Nếu phát triển được tranh sơn mài, quảng bá được ra bên ngoài, cũng có nghĩa là quảng bá được các ngành nghề truyền thống khác của Việt Nam. 

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI