Hiểm họa từ chiếc smartphone

16/11/2017 - 10:30

PNO - Cách đây vài ngày, một học sinh lớp 9 bị điện giật tử vong do vừa sạc pin vừa nghe điện thoại. Chưa vội bàn đến nguyên nhân, các vụ tai nạn do sử dụng smartphone gây ra đang ngày càng nhiều khiến cộng đồng hoang mang.

Tai nạn xảy ra từ chính chiếc smartphone – một thiết bị đã trở thành vật bất ly thân của rất, rất nhiều người dùng. Dĩ nhiên, sẽ không ai vì những nguy cơ có thể xảy ra mà quay sang “cạch” chiếc điện thoại. Thử nghĩ xem, làm sao trong cuộc sống hiện đại như bây giờ mà bạn lại không có chiếc điện thoại kè kè bên mình? Vấn đề là: làm thế nào để hạn chết đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra cho chiếc smartphone bạn đang dùng.

Khi smartphone “bỗng dưng phát nổ”

Trang tin Gizmodo đã từng đăng tải những hình ảnh một cô gái 18 tuổi người Thụy Sĩ bị thương do chiếc Samsung Galaxy S III phát nổ ngay trong quần của mình trong khi đang làm việc. Nạn nhân tên Fanny Schlatter, khi đang làm công việc bình thường hàng ngày của mình thì bỗng dưng nhận thấy có mùi hóa học lạ và thấy khói bắt đầu bốc lên.

Trước khi kịp phản ứng thì ngọn lửa đã bốc lên từ trong túi quần và cao tới vai cô. Cách duy nhất Schlatter có thể làm để thoát nạn là ... cởi bỏ chiếc quần của mình ra, bởi nơi cô làm việc không được trang bị bình cứu hỏa. Dù nhanh nhạy xử lý tình huống, nhưng hậu quả để lại cho Schlatter là cô vẫn bị bỏng độ 3 và một vết thương rất lớn có thể để lại sẹo trên đùi.

Hiem hoa tu chiec smartphone
Không một ai biết trước được, liệu chiếc smartphone mình đang dùng một ngày đẹp trời nào đó có bỗng dưng phát nổ, chập điện không?

Trên thực tế, những câu chuyện như thế này xảy ra với các chủ nhân của những chiếc smartphone thời thượng đã trở nên ngày càng phổ biến.

Chen Ning, 20 tuổi người Trung Quốc và một đồng nghiệp đã từng bị bỏng ở tay và chân khi chiếc smartphone A520 của Lenovo phát nổ. Nạn nhân được các đồng nghiệp phát hiện ra đang nằm trên vỉa hè phía trước cửa hàng nơi cô làm việc, với chân trái bốc khói còn cánh tay trái đang mắc kẹt bên trong túi quần.

Đồng nghiệp của Chen Ning đã cố gắng kéo chiếc điện thoại đang bốc khói nghi ngút từ trong túi quần của cô ra, tuy nhiên đã bị dòng hóa chất màu đen chảy ra từ chiếc điện thoại gây bỏng tay. Cả hai được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tay và chân đều bị bỏng. 

Chiếc điện thoại iPhone 5 của Apple cũng có trong danh sách những sự cố từ smartphone. Chủ nhân của chiếc iPhone 5 bị phát nổ tên là Suwicha Auesomsaksakul, 30 tuổi. Anh này cho biết mình mua iPhone 5 được hai tháng. Sau khi thực hiện một cuộc gọi dài khoảng 30 giây, điện thoại của Suwicha bỗng nhiên róng ran và có khói bốc lên.

Nhận thấy điều không ổn, chủ nhân chiếc iPhone 5 đã ném ngay chiếc điện thoại nầy xuống đất. “Nó nổ liên tiếp tới bốn lần như pháo", Suwicha Auesomsaksakul kể lại. Đoạn video quay lại chiếc điện thoại bị nổ cho thấy phần kính xung quanh phím Home của máy bị biến dạng, trong khi đó màn hình thì bị tách ra khỏi bộ khung.

"Khi bạn làm cho chất coban oxit trong pin nóng lên và khi nó đạt tới một nhiệt độ nào đó, nó sẽ tự động liên tiếp tăng nhiệt độ dẫn đến cháy nổ. Một số trường hợp, chất điện giải bốc hơi và pin bị nứt. Pin sẽ tiếp tục cháy từ bên trong ra bên ngoài nếu tiếp xúc với tia lửa điện hoặc nhiệt độ cao”, Joe Lamoreux, phó chủ tịch Nghiên cứu và Phát triển tại Valence Technology giải thích với Inforword.

Cũng tại hàng nhái mà ra

Tai nạn thương tâm nhất, gây xôn xao dư luận cách đây bốn năm là cái chết của cô Mã Ái Luân, từng là tiếp viên hàng không của hãng Hàng không Phương Nam. Nạn nhân đã bị điện giật chết khi sử dụng iPhone 4 đang sạc. Nguyên nhân cái chết được cho là do cô sử dụng bộ sạc không phải do Apple sản xuất, mà là "bộ sạc nhái" dành cho iPhone 5.

Hiem hoa tu chiec smartphone
Bên trong cục sạc zin của Apple. Ảnh: Kim Long

Từ tai nạn này, bài học về sử dụng điện thoại an toàn qua đó trở nên được quan tâm hơn, giá trị hơn. Thị trường pin, sạc nhái đang được bán tràn lan. Với giá rẻ hơn nhiều so với hàng chính hãng, hàng nhái đang rất được nhiều người dùng chọn mua. Họ bỏ qua những khuyến cáo từ nhà sản xuất, thờ ơ đến những tác hại do hàng nhái gây ra, vô tư sử dụng mà không chút mảy may để ý. Vì ham rẻ, lại dễ mua, người dùng đang đối mặt với rất nhiều hiểm họa rình rập từ hàng nhái.

Mới đây nhất, một học sinh lớp 9 ở Hà Tĩnh đã bị điện giật tử vong khi vừa sử dụng điện thoại iPhone vừa sạc pin. Thông tin ban đầu, do bộ sạc hỏng, lòi ra một dây bên ngoài, em này sơ ý cầm phải phần dây điện bị hở khiến gặp nạn. Theo nhà chức trách, thông thường bộ sạc có nguồn điện khoảng 12V, song trường hợp này bộ sạc bị vô hiệu hóa, nên nguồn điện trở thành 220 V.

Hiem hoa tu chiec smartphone
Bên trong sạc nhái kém chất lượng. Ảnh: Kim Long

Dù hàng chính hãng hay hàng nhái, đã là linh kiện điện tử thì phải có tỉ lệ hư hỏng nhất định, việc chạm chập do quá nhiệt, quá dòng,... đều có khả năng xảy ra, nhất là các linh kiện điện tử không được kiểm tra chất lượng khắc khe hoặc người dùng sử dụng sai qui định, mục đích.

Nếu tính về xác suất thì tỉ lệ bị giật khi đang sạc là vô cùng nhỏ, vì các bộ sạc được thiết kế bằng nguồn cách ly (cách ly giữa nguồn điện lưới 220V và điện sạc) để đảm bảo an toàn tối đa cho người dùng và thiết bị. Mặc dù xác suất là thấp, nhưng không vì thế mà chúng ta lơ là các qui định về an toàn sử dụng pin và sạc cũng như các kinh nghiệm sử dụng để đảm bảo tối đa cho bản thân mình.

Chất lượng của linh kiện khi chọn mua và khi sử dụng có thể là một trong các nguyên nhân chính gây cháy nổ điện thoại, chạm chết nguồn, mau hết pin, chai pin... và thậm chí là tai nạn chết người như trường hợp bé gái tại Hà Tĩnh vừa qua. Rủi ro này có thể do sử dụng sạc kém chất lượng nên mới gặp tai nạn. Những cục sạc zin, loại tốt có các tụ điện lõi đồng kèm với kết cấu của nhựa vách ngăn dầy cách điện rất chất lượng.

Do đó, việc chọn các linh kiện chất lượng có thể làm giảm "gần như tuyệt đối" các rủi ro cho người dùng. Sạc zin dùng đấu nối giữa chuôi cắm sạc và truyền điện bằng lõi cứng là thanh kim loại đi qua bộ tụ đổi điện. Nên cho dù bạn đang vừa dùng vừa cắm sạc nếu giật mạnh chỉ gãy đuôi sạc hoặc sút, đứt dây nguồn sạc mà không ảnh hưởng đến máy móc, gây nguy hiểm hay tai nạn đáng tiếc.

Trong khi đó, với giá bán chỉ tầm 20.000 đồng/sản phẩm, sạc loại kém chất lượng nếu như chỉ cần một sợi rò rỉ hay kéo mạnh đứt nguồn chạm chập là nguồn 220V sẽ đi thẳng vào cổng sạc USB và truyền thẳng ra vỏ máy rò rỉ điện gây chết người.

Minh Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI