Hệ thống bán lẻ Satra: tăng cường các cách thức tiếp cận người dân

13/09/2021 - 10:12

PNO - Nhanh chóng đưa vào hoạt động trở lại số lượng lớn các cửa hàng Satrafoods cũng như phương thức bán hàng trực tuyến qua các ứng dụng của hệ thống bán lẻ Satra nhằm đẩy nhanh phục vụ hàng hóa đến tay người dân sớm nhất trong thời gian này.

Khoảng 165 cửa hàng Satrafoods đã mở cửa hoạt động

Đến nay, số lượng cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (Satrafoods) trên địa bàn TPHCM đang hoạt động là khoảng 165 cửa hàng, trong đó có 97 cửa hàng thuộc 8 quận, huyện “vùng đỏ”, chiếm tỷ lệ khoảng 59%. Cùng với việc được cấp nhiều hơn số lượng giấy đi đường, Satrafoods đã dần trở lại hoạt động như thời điểm trước khi siết chặt giãn cách, nhờ vậy lượng đơn hàng nhanh chóng được giao đến tay người dân trong toàn thành phố, nhất là khu vực đi chợ hộ, cụ thể, trong ngày 12/9, chuỗi cửa hàng Satrafoods đã thực hiện hơn 9.800 combo với tổng giá trị gần 3,4 tỷ đồng.

Tương tự, tại ba siêu thị Satramart, số lượng nhân viên thuộc khu vực siêu thị tự chọn cũng tăng từ 10% đến 25% so với hơn hai tuần trước đây. Nhân lực nhiều hơn đã giúp cho việc nhận, soạn và giao những đơn hàng này đến tay người tiêu dùng sớm hơn. Đặc biệt trong những ngày này, tại Satramart - Siêu thị Phạm Hùng, những sản phẩm dụng cụ học sinh, văn phòng phẩm được khách hàng thân thiết đặt hàng khi năm học mới đã bắt đầu.

Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ Satra vẫn thường xuyên giao những đơn hàng đến những khu vực cách ly tập trung, những bếp ăn, khách sạn phục vụ lực lượng tuyến đầu chống dịch hay những đơn hàng thiện nguyện của những Mạnh Thường Quân.

Kết hợp với các ứng dụng “đi chợ online”

Từ đầu tháng Chín, hai siêu thị Satramart là Siêu thị Sài Gòn (quận 10) và Siêu thị Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) đã có mặt ở mục “đi chợ” trên ứng dụng Be dành cho người dân thuộc hai quận huyện này. Ngoài 12 combo được kết hợp sẵn với giá chỉ từ 55.000 đồng/combo đến 560.000 đồng/combo tùy siêu thị, khách hàng còn có thể mua lẻ thực phẩm tươi sống như: thịt, trứng, rau, củ quả, trái cây…đến các loại nhu yếu phẩm thiết yếu khác như: đồ hộp, đường, hạt nêm, mì gói, sữa...và cả hóa phẩm như: bột giặt, nước rửa chén, xà bông…

Với mỗi đơn hàng đặt qua Be, ngoài giá trị đơn hàng và cước phí giao hàng tùy vị trí, phí dịch vụ đi chợ hộ là 15.000 - 25.000 đồng/đơn hàng. Đơn hàng được giao trong vòng 2 tiếng đồng hồ.

Ảnh: Satra
Ảnh: Satra

Bên cạnh việc bán hàng trên ứng dụng Be, Siêu thị Sài Gòn cũng bán 12 combo và những sản phẩm lẻ tại ứng dụng G1 Mart. G1 Mart sẽ giao hàng trong bán kính 5km với phí giao hàng và đi chợ hộ cố định là 35.000 đồng/đơn hàng. Khách hàng sẽ nhận được hàng trong vòng 3 ngày kể từ ngày đặt hàng.

Cả hai ứng dụng này đều áp dụng hình thức thanh toán tiền mặt cho tài xế giao hàng khi khách nhận hàng.

Song song đó, Satramart -Siêu thị Phạm Hùng cũng nhận đơn online thông qua Zalo với số điện thoại dịch vụ khách hàng là 0946980308 sau khi có được giấy phép đi giao hàng tại huyện Bình Chánh. Các đơn hàng hiện tại chỉ nhận giao nội quận, với giá trị đơn hàng tối thiểu là 500.000 đồng/đơn hàng và chi phí giao hàng cố định là 25.000 đồng/đơn hàng. Ban giám đốc siêu thị cũng luôn linh hoạt trong việc liên hệ, kết nối, hỗ trợ các tài xế khác trong khu vực. Những nỗ lực này đã giúp Siêu thị Phạm Hùng mở rộng phạm vi giao hàng, tiếp cận được nhiều người dân hơn và phục vụ người dân có nhu cầu một cách kịp thời và nhanh chóng.

Khó khăn khi thực hiện dịch vụ phục vụ thức ăn mang về

Hiện nay, theo quy định siết chặt giãn cách của UBND TPHCM, các tài xế giao hàng chỉ được phép giao trong nội quận. Chính vì vậy, dù kết hợp với các ứng dụng giao hàng tận nơi nhưng chỉ những khách hàng ở trong quận có siêu thị mới có thể đặt hàng qua ứng dụng. Ngoài ra, do số lượng tài xế có giới hạn, trung bình chỉ từ 8 -10 tài xế/quận, huyện nên việc xác nhận đơn gặp rất nhiều khó khăn, chưa kể chi phí giao hàng tăng cao khiến người dân thêm phần đắn đo suy nghĩ.

Bên cạnh đó, cho đến thời điểm hiện tại, dù dịch vụ ăn uống đã được phép hoạt động và chỉ được bán mang đi, hầu như các đơn vị doanh chủ F&B có thương hiệu ở Trung tâm thương mại Satra Phạm Hùng và Trung tâm thương mại Satra Củ Chi đều “án binh bất động” do việc mở cửa bán phải chịu rất nhiều chi phí vận hành như: chi phí cho nhân viên ở lại “3 tại chỗ”, chi phí xét nghiệm 2 ngày/lần và chỉ được phép bán hàng thông qua các ứng dụng công nghệ. Thực tế cho thấy, các dịch vụ F&B đang bị động bởi gian hàng bán là những kios chỉ đủ diện tích để kinh doanh trong ngày, không giải quyết được chỗ ăn, nghỉ cho nhân viên việc thực hiện “3 tại chỗ”, đồng thời khả năng lây nhiễm sẽ cao khi lượng người trong trung tâm thương mại tăng.

Và sẽ tiếp tục nỗ lực để phục vụ người dân   

Trong suốt thời gian thực hiện giãn cách xã hội cho đến nay, hệ thống bán lẻ Satra vẫn liên tục đàm phán với các nhà cung cấp hiện có, tìm kiếm và thương lượng với những nhà cung cấp mới nhằm đảm bảo nguồn hàng không bị đứt gãy và giá cả được ổn định, hợp lý. Các công tác này vẫn được thường xuyên thực hiện để nguồn hàng được phong phú hơn.

Bên cạnh đó, việc kết nối với các nhà cung ứng dịch vụ vận chuyển chuyên nghiệp và các ứng dụng online vẫn được đẩy mạnh.

Đại diện hệ thống bán lẻ Satra cho biết, nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo tổng công ty, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tổng công ty cũng như sự hỗ trợ kịp thời của các phòng nhân sự, hành chính trong vấn đề giấy tờ, thủ tục, văn bản…mà hệ thống bán lẻ Satra có thể nhanh chóng tiếp cận với những thông tin cũng như tham gia những cuộc họp, trao đổi từ các Sở ban ngành, từ đó đề ra những cách thức kinh doanh linh động, nhằm thực hiện sứ mệnh cao cả trong thời điểm hiện nay là đảm bảo hoạt động xuyên suốt của chuỗi cung ứng và hàng hóa được tiếp cận người dân một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Q. Đoàn

Nguồn: Satra,

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI