Hãy ưu tiên chăm lo cho tương lai

14/08/2023 - 06:50

PNO - Bậc học mầm non rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Lãnh đạo các ngành, các cấp đều hiểu rõ điều này. Thế nhưng, bậc học này đang thiếu giáo viên, thiếu trường lớp, thiếu cơ sở vật chất, thiếu sự đãi ngộ tương xứng cho giáo viên.

Trong điều kiện đó, giáo viên mầm non (GVMN) làm việc với áp lực ngày càng cao. Tất bật đón trẻ từ sáng sớm và trả trẻ lúc chiều tối, các cô không chỉ là người thầy, mà còn là người mẹ, người bạn và là nhân viên y tế của trẻ.

Cả nước hiện có 15.334 nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu đến lớp của trẻ em, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Cứ mỗi mùa tuyển sinh, lại nghe phụ huynh trường này, trường kia ở TP Hà Nội, TP Đà Nẵng phải bốc thăm hoặc xếp hàng xuyên đêm để giành được suất học cho con.

Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2022-2023, cả nước thiếu trên 51.300 GVMN trong các cơ sở công lập. Các quy chuẩn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non chưa đảm bảo. Tỉ lệ học sinh trên giáo viên cao ảnh hưởng xấu đến chất lượng nuôi dạy trẻ và làm tăng áp lực cho giáo viên. 

Một số GVMN so sánh, công nhân chỉ làm 8 giờ/ngày nhưng lương lại cao hơn GVMN - những người phải làm việc 12 giờ/ngày. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, tiền lương, tiền công, phụ cấp cho GVMN rất thấp.

Lương thấp, việc nhiều đã đành, GVMN còn luôn sống trong phập phồng, thấp thỏm bởi đối tượng làm việc của họ là trẻ em. Khi trẻ không may bị ngã hoặc cào cấu nhau, nếu không nhận được sự cảm thông của phụ huynh, GVMN sẽ rất nản lòng. Thậm chí, một số phụ huynh còn hăm dọa khiến cô giáo sợ mà bỏ nghề.

Cuối tháng 7/2023, trong hội nghị sơ kết đề án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025, đại diện ngành giáo dục nhiều tỉnh, thành đề nghị, cần có giải pháp thu hút và giữ chân GVMN, tăng biên chế GVMN cho các địa phương để đảm bảo đủ biên chế giáo viên trên mỗi nhóm, lớp, tăng thu nhập cho GVMN, bổ sung chính sách hỗ trợ giáo viên ở các vùng khó khăn. 

Ở tỉnh Bình Dương - nơi có nhiều chính sách hỗ trợ cho đội ngũ GVMN, bao gồm cả hệ mầm non dân lập, tư thục - đại diện Sở GD-ĐT tỉnh này vẫn thừa nhận rằng, lương và tiền hỗ trợ chưa tương xứng với sự vất vả của giáo viên nên việc thu hút GVMN gặp nhiều khó khăn. Sở kiến nghị Nhà nước tiếp tục nghiên cứu cải tiến chế độ làm việc, chính sách tiền lương cho đội ngũ GVMN nhằm thu hút, khuyến khích học sinh chọn ngành sư phạm mầm non.

Chăm lo cho cô nuôi dạy trẻ, cho ngành giáo dục mầm non chính là chăm lo cho những chủ nhân tương lai của đất nước, như Bác Hồ đã từng dạy: “Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt”.

Do vậy, việc xem xét đưa GVMN vào danh mục ngành nghề nặng nhọc, độc hại như dự định của Bộ GD-ĐT và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là việc nên làm. Mầm non là bậc học mà lẽ ra phải được quan tâm đầu tư tốt nhất từ rất lâu rồi. Dù sao, muộn còn hơn không. 

Quế Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI