Hãy thích nghi thay vì sợ hãi

11/03/2024 - 06:31

PNO - Trong khi các cuộc thi tài năng lập trình đang diễn ra rầm rộ trong nước và trên thế giới, dành cho không chỉ sinh viên mà cả học sinh tiểu học thì một xu hướng khác cũng đang diễn ra: tỉ lệ lập trình viên trong đội ngũ phát triển phần mềm ngày càng giảm do sự ra đời của các công cụ mới, trí tuệ nhân tạo (AI), dẫn đến ý kiến cho rằng, giới trẻ không cần phải học lập trình nữa.

Tiên đoán trên khiến nhiều người giật mình bởi năm 2023, AI đã đi sâu vào đời sống hằng ngày, như hỗ trợ viết văn bản, hỗ trợ khách hàng… Tạp chí Science dự đoán, quản lý AI sẽ là 1 trong 10 xu hướng khoa học năm 2024. Các chính phủ cũng tăng cường giám sát AI, dù có thể những điều luật sẽ nhanh chóng lỗi thời do sự phát triển chóng mặt của các ứng dụng AI mới, chẳng hạn như chatbot dựa trên các mô hình ngôn ngữ lớn.

Việt Nam hiện có trên 140 trường đại học, hơn 400 trường cao đẳng và trung cấp có đào tạo về công nghệ thông tin, hằng năm cung cấp khoảng 55.000 kỹ sư, kỹ sư thực hành. Theo báo cáo về thị trường công nghệ thông tin Việt Nam của TopDev - nhà tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin - nhu cầu nhân lực ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam tăng cao liên tục; trong giai đoạn 2023-2025, mỗi năm, Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt từ 150.000-200.000 lập trình viên, kỹ sư. Đến năm 2025, Việt Nam cần đến 700.000 nhân sự trong ngành công nghệ thông tin. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 530.000 lập trình viên. 

Số ngành học trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở các trường đại học ngày càng nhiều, số cử nhân vẫn tăng mỗi năm, nhưng tại sao vẫn có sự thiếu hụt nhân lực? Đó là do trình độ của các tân cử nhân chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Báo cáo của TopDev chỉ rõ, trong số hơn 57.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 30% đáp ứng được kỹ năng, chuyên môn mà doanh nghiệp đặt ra, số còn lại cần được doanh nghiệp đào tạo thêm trong 3-6 tháng.

Đây mới là điều thực sự đáng lo ngại. Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin rất khó tuyển được nhân sự, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao. Các công ty đã phải chuyển hướng, tuyển những sinh viên mới ra trường hoặc nhân sự có trình độ thấp hơn và đào tạo thêm. 

Từ đó có thể thấy, để giải quyết sự “lệch pha” cung cầu, không gì hiệu quả bằng việc doanh nghiệp hợp tác với đơn vị đào tạo. Không ít doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn nước ngoài (FDI) đầu tư vào công nghệ hiện đại mà cơ sở đào tạo không thể theo kịp. Nếu doanh nghiệp phối hợp với cơ sở đào tạo xây dựng các chương trình phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của mình hoặc tạo điều kiện cho sinh viên vào thực tập thì chắc chắn sẽ tuyển được nhân sự ưng ý, người học cũng không lo thất nghiệp khi ra trường. 

Thực tế, các tập đoàn lớn đã áp dụng cách làm này. Vingroup đặt hàng 54 trường đại học, tiếp nhận khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành công nghệ thông tin; Viettel, VNPT hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông… đào tạo nhân sự chất lượng cao; Samsung Việt Nam phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo chuyên ngành robot, big data, AI và tuyển dụng chính những sinh viên ngành này.

Ngành phần mềm chuyển động rất nhanh, nhưng điều quan trọng là người học cần trang bị những kiến thức cơ bản, cần thiết trong lĩnh vực; tích lũy đủ những kỹ năng mềm như giao tiếp, cộng tác, làm việc nhóm, phản biện và năng lực tự học suốt đời để đi xa hơn trên con đường nghề nghiệp đầy thử thách nhưng cũng hết sức thú vị này.

Do vậy, điều mà các bạn trẻ cần quan tâm không phải là nên học hay không nên học lập trình mà là học lập trình như thế nào, tự học, tự trau dồi ra sao để đáp ứng được nhu cầu, thích nghi được với sự vận động không ngừng, mạnh mẽ của công nghệ. 

Quế Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI