Hậu quả từ lời mắng của thầy cô

05/12/2021 - 11:15

PNO - Giáo viên (GV) có thể không gây tổn thương thân xác, nhưng đã tước đoạt phẩm giá, tước đoạt sự an lành trong tâm trí và cả vị trí xã hội trong lớp học.

Cách đây không lâu, một người bạn của tôi có con học lớp Bảy bức xúc tâm sự: “Cô giáo chủ nhiệm của con tôi thường mắng học trò bằng những từ khó nghe. Khi con tôi phát biểu sai, cô nói: “Ngu mà cũng bày đặt phát biểu”. Sau đó, cô còn nói: “Mấy đứa mập hay học ngu”. Tôi được biết mấy bạn khác trong lớp cũng hay bị mắng như thế”. 

Những lời lẽ khiến đứa trẻ xấu hổ trước bạn học cũng là một thanh gươm hai lưỡi - Tranh minh họa: NOP
Những lời lẽ khiến đứa trẻ xấu hổ trước bạn học cũng là một thanh gươm hai lưỡi - Tranh minh họa: NOP

Con tôi kể ở trường có thầy giám thị hay xưng “mày - tao” với học trò và bình luận: “Thầy cô mà kêu mày tao, con thấy kỳ quá!”. Chuyện thầy cô xưng “mày - tao” thật ra không hiếm. Ngày xưa, tôi đi học cũng có vài thầy giáo gọi học sinh (HS) là mày và dùng cây thước dài đánh HS ngay trong lớp. Điều đó đã để lại cho tôi nỗi ám ảnh mãi về sau. Thiết nghĩ, thầy cô chỉ nên dùng những lời nói chuẩn mực thì mới có thể dạy trò nên người.

Tuy nhiên, cách xưng hô thiếu nhã nhặn đôi khi còn có thể “châm chước”, còn mắng HS là “ngu” hay “mập” là không thể chấp nhận được. Giáo viên nếu không thể là người nâng đỡ và giúp học trò vượt qua sự tự ti về ngoại hình thì chớ nên khắc sâu thêm khuyết điểm của các em. Theo tiến sĩ Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý, một GV khi dùng bạo lực của GV để gọi một HS là ngu dốt, làm cho những em khác trong lớp chế giễu, kỳ thị em đó, thì đó là một hiện tượng của bạo lực học đường.

GV có thể không gây tổn thương thân xác, nhưng đã tước đoạt phẩm giá, tước đoạt sự an lành trong tâm trí và cả vị trí xã hội trong lớp học. Đó là một hành động vi phạm quyền lợi trẻ em. Vì trẻ em cũng là con người nên căn bản đó là hành động vi phạm nhân quyền. 

Những lời lẽ khiến đứa trẻ xấu hổ trước bạn học cũng là một thanh gươm hai lưỡi. Theo phân tích của tiến sĩ Lê Nguyên Phương, xấu hổ là một công cụ xã hội để đưa cá nhân vào những lề thói, đạo đức, nhưng mặt trái của nó là làm tê liệt những suy nghĩ, hành động tốt đẹp và tự nhiên. Nếu xấu hổ đến từ những nguyên lý đạo đức chân thật và cơ bản cho hạnh phúc của con người, chúng ta sẽ có những HS có danh dự lẫn hạnh phúc. Nhưng nếu xấu hổ là phần mềm chứa vi-rút được cấy vào đầu đứa trẻ, thì đứa trẻ đó sẽ lớn lên trong đau khổ, nhút nhát, tự ti và mặc cảm.

Mặt khác, khi đứng trước lớp, GV cũng không thể dạy bằng thành kiến của mình như: mập thì học ngu, con gái thì học toán dở… Những thành kiến tiêu cực của GV đối với vẻ bề ngoài hay trí tuệ của HS là điều khó chấp nhận. Chính người xưa đã dặn dò một câu kinh điển: “Chớ trông mặt mà bắt hình dong”. Thành kiến này ở người bình thường đã bị phê phán, với GV lại càng phải cẩn trọng. 

Nghề giáo vô cùng áp lực. Đây là công việc dễ rơi vào nhàm chán, mất lửa nên rất cần sự cảm thông, động viên từ nhiều phía. Thế nhưng, không có lý do nào để GV dùng thái độ, lời lẽ nặng nề, đau đớn dành cho HS cả. Nếu thầy cô có nỗi buồn, tổn thương thì hãy tìm cách tự làm lành những tổn thương của mình. Nếu thầy cô tự nhận thấy mình có những định kiến, hãy tự mình nhìn lại và tìm cách để vượt qua, bởi chính mình cũng đã có những thành quả dù bản thân chưa hoàn hảo. 

GV là người có “quyền lực” trong lớp học. Nếu thầy cô mang trong mình những định kiến như vậy, không thể mang lại lớp học hạnh phúc, mà bản thân thầy cô cũng sẽ không tìm thấy niềm vui trong công việc dạy học của mình. 

Xuân Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI