Hậu duệ vua Thành Thái: Dòng dõi hoàng tộc nhưng cả đời phải sống lang bạt

10/09/2015 - 07:03

PNO - Mang trong mìnhg dòng máu hoàng tộc song người cháu nội vua Thành Thái, khi đã ở tuổi thất thập cổ lai hy lại không có một mái nhà để ở.

 Suốt một đời ông làm lụng chỉ để kiếm tiền đi thăm anh em họ hàng trong thân tộc trên khắp mọi miền đất nước.

Bốn bể là nhà

Trong số hậu duệ vua Thành Thái đang sinh sống tại TP.HCM, có một người cháu phải sống cảnh lang bạt kì hồ, không nhà cửa cố định. Ông là Nguyễn Phước Bảo Nguyện, con trai hoàng tử Vĩnh Giác, người con trai thứ 11 của vị vua yêu nước Thành Thái.

Không may mắn có được cuộc sống đủ đầy, con cháu thành đạt như các anh chị của mình, ông Bảo Nguyện sống cô độc một mình và không nhà cửa. Thương ông cảnh già cả neo đơn, một số người bạn đã cho ông tá túc qua ngày. Hiện ông đang ở nhà một người quen tại Q1, TP.HCM. Chiều chiều ông lại ra làm bảo vệ tại một khách sạn ngay gần đó, cuộc sống tuy không vẹn toàn song với ông, mỗi ngày đều ý nghĩa với công việc thờ phụng tổ tiên, rảnh rỗi lại đi khắp nơi thăm hỏi họ hàng.

Hau due vua Thanh Thai: Dong doi hoang toc nhung ca doi phai song lang bat
Ông Bảo Nguyện tất bật thăm hỏi họ hàng.

Ở tuổi 66, ông vẫn còn khá minh mẫn, nhất là khi nói về họ hàng thân tộc. Ông cho biết: “Từ nhỏ cha tôi luôn dạy: giấy rách phải giữ lấy lề, đó vẫn luôn là lẽ sống bao năm nay tôi răn mình để dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không quy lụy người đời, giàu sang hay nghèo hèn thì tâm vẫn luôn trong sạch, giữ đúng nền nếp của hoàng tộc khi xưa”.

Có lẽ vì thế mà suốt mấy chục năm sống cuộc đời thanh đạm, không nhà cửa hay tài sản giá trị gì song ông vẫn luôn hài lòng với cuộc sống. Với công việc hiện tại, số tiền lương ít ỏi chỉ đủ ăn qua ngày nhưng ông vẫn chắt chiu, dành dụm đi khắp nơi từ Cần Thơ đến Nha Trang, Đà Lạt rồi Huế, Hà Nội…Mỗi khi có dịp ông lại tới thăm những người anh, người chị của mình.

Nhìn cuộc đời phiêu bạt hiện tại, đôi khi ông không tránh khỏi những giây phút chạnh lòng. Thế rồi những khoảng kí ức của ngày xưa, khi còn bên cha mẹ trên đất Huế lại khiến ông trầm tư hơn bao giờ hết. Đó là năm ông khoảng 6,7 tuổi, dù đất nước biến loạn song ông vẫn luôn được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và các anh chị.

Sau đó ít lâu, hoàng tử Vĩnh Giác quyết định dẫn vợ con xuống Mũi Né làm ăn, sinh sống. Tuổi thơ ông Bảo Nguyện đã gắn chặt với vùng biển nắng gió miền Trung này. Khoảng đầu những năm thập niên 60, ông Bảo Nguyện cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn sinh sống, cũng từ đó chiến tranh ly tán nên gia đình tan đàn xẻ nghé, mỗi người đều phải tự kiếm phương kế sinh nhai.

Về phần ông Bảo Nguyện, lớn lên ông nhập ngũ chế độ cũ, sau khi xuất ngũ lại quay về Sài Gòn làm đủ nghề, cốt để kiếm sống qua ngày. Do ngay từ nhỏ vẫn chưa hoàn thành việc học nên về sau ông đã không có được một công việc tốt, việc lao động chân tay chỉ đủ ăn ngày ba bữa.

Không nhà cửa, ông đành sống cảnh lang thang, nhờ cả vào tình thương của bạn bè, anh em. Cho đến khi bạn bè cùng trang lứa đều đã yên bề gia thất, nhìn lại mình chỉ có hai bàn tay trắng, ông lại lặng lẽ gác lại việc riêng tư.

Hau due vua Thanh Thai: Dong doi hoang toc nhung ca doi phai song lang bat
Ông Nguyện trò chuyện với PV.

“Kỳ thực chỉ là mang danh con cháu vua thôi chứ khi đó tôi chẳng có nhà cửa, không đồng xu dính túi. Nên đến tuổi lập gia đình song cũng không có ý định, bởi mình là đàn ông phải có trách nhiệm chứ, lấy con người ta về rồi để đói sao đành. Cứ thế tôi lần lữa mãi chuyện vợ con cho đến tuổi này. Giờ thì đành lấy chuyện thăm viếng họ hàng làm niềm vui tuổi già”, ông tâm sự.

Nói về dòng họ Nguyễn Phước của mình, ông vẫn luôn tự hào, dù không phải ai cũng thành đạt song trong họ cũng không thiếu những người tiếng tăm. Ngoài thế hệ con của các hoàng tử sinh sống tại Pháp, Mỹ, trong nước có giáo sư Lê Quang Long ở Hà Nội, vốn là cháu ngoại vua Thành Thái. Hoặc như người chị gái Nguyễn Phước Liên Châu của ông, cụ bà vốn là một người hoạt động xuất sắc trong cách mạng.

“Ngoài những người anh, chị tiếng tăm như vậy thì gia đình hoàng tử Vĩnh Giu ở Cần Thơ cũng rất khốn khó, khi rảnh tôi cũng hay thăm viếng. Tuy vậy chúng tôi luôn tự hào là dù giàu sang hay nghèo hèn thì anh em thân tộc vẫn luôn dành tình cảm cho nhau, vẫn một lòng hướng về đất Huế”- ông Bảo Nguyện tâm sự.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI