Hạt ươi bay, "thiên thần của rừng"

27/09/2021 - 06:22

PNO - Sau khi khui thùng bưu phẩm ba hộp bảy lớp, Khuyên phá lên cười với những hạt ươi mà mùa thu nào quê cô cũng phơi đầy sân chớ “hiếm quý gì", như Mai kể.

Mấy ngày trước, Mai khoe với Khuyên rằng cô vừa "săn" được một loại hạt được hái trong rừng. Người bán bảo loại cây này bốn năm mới có trái một lần, khi ngâm nước uống thì vừa ngon vừa có tác dụng mát gan, giải độc. Mai bảo, cô đã đóng gói thật kỹ, thật đẹp, gửi vào cho bạn. 

Nhận được bưu phẩm, Khuyên vui lắm. Cô hồ hởi khoe với chồng, xé cái gói ba hộp, bảy lớp của bạn, rồi khi tận sở mục những hạt ươi bé bằng ngón tay, Khuyên và chồng đều phá lên cười. Cười vì Khuyên và chồng đều lớn lên cùng loại hạt này.

Những hạt ươi già theo gió bay là đà vừa đẹp vừa lãng mạn.
Những hạt ươi già theo gió bay là đà vừa đẹp vừa lãng mạn.
Ngày nhỏ, mỗi lần phát hiện hạt ươi bay là đà theo gió, cả đám lại bỏ dở trò chơi, chạy dí theo.
Ngày nhỏ, mỗi lần phát hiện hạt ươi bay là đà theo gió, cả đám lại bỏ dở trò chơi, chạy đuổi theo.

Không biết nơi Mai ở thế nào, người ta thuyết phục Mai ra sao chứ hạt ươi ở Lâm Đồng quê Khuyên, mỗi năm khoảng tháng 10, 11 dương lịch đều có. Người dân quê Khuyên còn chia ươi thành hai loại là ươi bay và ươi trâu. Ươi trâu kích thước khoảng bằng ngón trỏ, màu nâu sậm, "da" nhăn nheo. Trong khi đó, ươi bay ngược lại. Ươi bay chỉ lớn khoảng ngón tay đeo nhẫn, màu nâu nhạt, ít nếp nhăn cùng “đôi cánh” đẹp mắt. Nhờ đôi cánh ấy mà khi có gió thổi lên, hạt ươi sẽ rời khỏi cành, bay khắp nơi. Mỗi mùa thu hoạch, lượng ươi trâu luôn nhiều hơn ươi bay đến 7-8 lần, nên giá thu mua của hai loại hạt cũng khác nhau. Và cũng vì thế, từ nhỏ, Khuyên đã phân biệt được cả hai.

Ngày trước nơi Khuyên ở, rừng nhiều hơn nhà. Đến mùa, hạt ươi bay hay nương theo gió, bay đến gần thị trấn. Mỗi lần phát hiện có hạt ươi đang bay, Khuyên và lũ bạn lại bỏ dở trò đang chơi, chạy đuổi theo. Hạt ươi cứ bay, lũ trẻ cứ chạy. Cuộc rượt đuổi chỉ kết thúc khi hạt ươi yên lặng nằm ở một vị trí nào trên mặt đất.

Muốn hạt ươi nhanh nở, phải cắn nhẹ ở hai đầu trước khi cho vào nước.
Muốn hạt ươi nhanh nở, phải cắn nhẹ ở hai đầu trước khi cho vào nước.

Hạt ươi mang về, nếu đang chơi đồ hàng, Khuyên hay chị gái sẽ sẽ cắn nhẹ hai đầu hạt, thả vào nước. Ban đầu chỉ phần thịt ươi ở góc bị cắn, ngậm nước, nở to. Dần nước thấm vào phần thịt sâu hơn của hạt, trương dần như tấm lưới nhỏ, Khuyên sẽ dùng đũa, khuấy nhẹ để "tấm lưới" rời khỏi hạt, rồi dùng cả nước cả phần thịt của hạt ươi như một món canh ăn cùng cơm, tuyệt nhiên, không đứa nào có ý định hay giành uống nước ươi ngâm.

Hạt ươi khi ngâm trong nước, dù nở to gấp 4, 5 lần vẫn là không ngọt, không lạt, lại có mùi hăng hăng. Phần vỏ và sợi của hạ tươi, khi uống sẽ có cảm giác vương vướng ở cổ họng. Đã không ngon lại khó chìu nên con bọn con nít như Khuyên, nếu không bị người lớn ép thì không đứa nào chịu uống.

Sau 15 phút, hạt ươi nở to gấp 4,5 lần là có thể thêm đường để uống.
Sau 15 phút, hạt ươi nở to gấp 4, 5 lần là có thể thêm đường để uống.
Sau khi ngậm nước, phần thịt ươi nở rộng như những tấm lưới.
Sau khi ngậm nước, phần thịt ươi nở rộng như những tấm lưới.

Thị tứ ngày càng phát triển, nhà càng nhiều, rừng càng thu hẹp, lũ trẻ không may mắn như Khuyên ngày xưa, được tận mục thấy những trái ươi bay là đà theo chiều gió.

Dù vậy, cứ vào thời gian này trong năm, không ít người dân ở quê Khuyên lên rừng hái ươi về bán. Nếu siêng, mỗi người một ngày có thể kiếm tiền triệu. Ai không đủ sức đi rừng như Khuyên thì mua lại của người đi hái, mang ra sân phơi thật khô, rồi mới cất vào tủ, ngâm uống dần. Vì vậy, mùa ươi, dọc đường lớn, hẻm nhỏ của thị tứ Khuyên ở, sân nhà ai cũng trải miếng bạt ni lông, cái nong tre phơi loại hạt này.

Giờ, người lớn tuổi uống hạt ươi ngâm để nhớ những ngày đầu đi kinh tế mới. Đàn bà U40 như Khuyên uống vì tốt cho sức khỏe và đẹp da. Còn lũ trẻ, thời nào cũng vậy, vừa bịt mũi vừa cố uống cái thứ nước "hôi hôi đó mẹ".

Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI