Háo hức chờ xuất ngoại làm việc khi COVID-19 lắng xuống

08/09/2022 - 06:06

PNO - Sau gần hai năm tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thị trường lao động ở các nước đã mở cửa trở lại. Người lao động ở các tỉnh miền Trung - nơi có nhiều làng quê “lên đời” nhờ xuất khẩu lao động - lại háo hức chờ dịp xuất ngoại.

Chuẩn bị hành trang chờ ngày lên đường

Cuối tháng 8/2022, tại cơ sở 2 của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi, hàng chục học viên đang miệt mài học tiếng Hàn để chuẩn bị cho kỳ phỏng vấn sắp tới. Chị Nguyễn Thị Lý - 25 tuổi, ở xã Tịnh Sơn, H.Sơn Tịnh - cho hay, nhà chị có đông anh em, gia cảnh khó khăn. Chị đã đăng ký đi xuất khẩu lao động và nhờ cha mẹ đứng ra vay tiền để học tiếng, đóng phí môi giới. 

Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Nguyễn Thị Thanh - 23 tuổi, ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn - cũng chuẩn bị các thủ tục để sang Hàn Quốc làm việc theo hợp đồng. Chị từng vượt qua vòng phỏng vấn tiếng Hàn gần hai năm trước nhưng do dịch COVID-19, đành ở nhà. Cuối năm 2021, chị tiếp tục dự phỏng vấn về lĩnh vực nông nghiệp và được tuyển. Hiện chị cùng nhiều người lao động của tỉnh Quảng Ngãi đang học lớp định hướng ở TP.Hà Nội để bay sang Hàn Quốc trong vài tuần tới. 

Bình Sơn là huyện có nhiều người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ông Lê Tấn Đức - Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) H.Bình Sơn - cho biết, nhiều người đã làm việc ổn định ở nước ngoài, có thu nhập tốt, dành dụm được một số vốn để lập nghiệp khi về nước. Hiện nay, một số thị trường lao động quốc tế đã mở cửa trở lại sau hai năm đóng cửa do dịch bệnh. Đây là tin vui cho những người có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, nhất là số đã qua các vòng phỏng vấn. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 15 người xuất cảnh. Phòng LĐTBXH huyện đã giới thiệu bốn doanh nghiệp phái cử (có chức năng xuất khẩu lao động) đến 22 xã, thị trấn để trực tiếp tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Những ngày cuối tháng Tám, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Nghệ An luôn tấp nập người đến làm hoặc cấp đổi hộ chiếu. Cảnh tương tự cũng diễn ra tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Họ đến từ sớm lấy số thứ tự để làm lý lịch tư pháp, chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu lao động. Một lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, từ tháng 3/2022 đến nay, trung bình mỗi tháng, có từ 7.000-9.000 người đến làm hộ chiếu, giấy thông hành để sang các nước làm việc. 

Cầm trên tay tờ khai, anh Phạm Xuân Hoàng - 30 tuổi, ở xã Minh Thành, H.Yên Thành, tỉnh Nghệ An - nói: “Hai năm qua, do dịch bệnh, các nước ngưng nhập khẩu lao động. Nay, hầu hết các nước cho phép nhập khẩu, tôi liền làm hộ chiếu sẵn, chờ dịp đi”. Hiện anh Hoàng vẫn chưa quyết định sẽ đi làm việc ở châu Âu hay châu Á bởi có quá nhiều lời giới thiệu hấp dẫn. Nếu đi châu Âu thì lương cao hơn nhưng chi phí bỏ ra lớn hơn, điều kiện tuyển dụng khắt khe hơn, thời gian chờ đợi cũng lâu hơn.

Anh Trần Đức Bình - 27 tuổi, ở H.Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - nói: “Muốn sang châu Âu làm việc hợp pháp, tay nghề phải cao. Tôi có người thân đang làm việc ở Đức nhưng tôi dự phỏng vấn hai lần, đều thất bại. Lần này, tôi quyết định sang Đài Loan (Trung Quốc) sau khi được một công ty xuất khẩu lao động về tận xã rao tuyển. 

Giúp người lao động tìm thị trường tốt

Với hơn 16.000 người đang làm việc ở 60 nước và vùng lãnh thổ, Yên Thành là huyện có lượng lao động đang làm việc ở nước ngoài nhiều nhất tỉnh Nghệ An. Từ hàng chục năm trước, người dân nơi đây đã xem xuất khẩu lao động là cơ hội để đổi đời. 

Một lớp học tiếng Hàn do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cho những người đã đăng ký sang Hàn Quốc làm việc - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Một lớp học tiếng Hàn do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cho những người đã đăng ký sang Hàn Quốc làm việc - Ảnh: Đình Dũng

Bà Phan Thị An - Trưởng phòng LĐTBXH H.Yên Thành - cho hay, để tạo thuận lợi cho người dân, phòng này thường xuyên phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nghệ An và một số công ty xuất khẩu lao động uy tín về tận các xã để giới thiệu, tuyển dụng. Phòng cũng phối hợp tổ chức dạy nghề cho những người có nhu cầu xuất khẩu lao động.

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An - cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 60.000 người đang làm việc ở nước ngoài. Từ đầu năm 2022 đến nay, có hơn 16.000 người đi xuất khẩu lao động, hơn 50% số này sang Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc). Dự kiến, số người ra nước ngoài làm việc sẽ còn tăng mạnh khi thị trường lao động ở các nước mở cửa trở lại sau thời gian tạm ngưng do đại dịch COVID-19.

Tỉnh Nghệ An có hai doanh nghiệp được cấp giấy phép đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, có 26 công ty ở các tỉnh, thành khác cũng thường về Nghệ An để tuyển. “Chúng tôi thẩm định hồ sơ tất cả các doanh nghiệp, sau đó rà soát các đơn hàng của họ rồi chuyển về cho phòng LĐTBXH các huyện để giới thiệu về xã, thôn” - ông Trần Phi Hùng nói.

Trước năm 2020, mỗi năm, tỉnh Quảng Ngãi có từ 1.500-2.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Sau hai năm bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã khởi động lại việc kết nối, hỗ trợ người lao động ra nước ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký quyết định giao chỉ tiêu vận động 1.000 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong năm 2022. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tư vấn cho hơn 200 người và đã có 80 người đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trung tâm đã đưa 22 học viên xuất cảnh và 78 người đang chờ xuất cảnh.

Người lao động ở Nghệ An chen chúc làm hộ chiếu, chuẩn bị hành trang để ra nước ngoài làm việc - ẢNH: PHAN NGỌC
Người lao động ở Nghệ An chen chúc làm hộ chiếu, chuẩn bị hành trang để ra nước ngoài làm việc - Ảnh: Phan Ngọc

Lãnh đạo Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sở đang cùng các ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chế độ, chính sách, quyền lợi, điều kiện làm việc, sinh hoạt, thu nhập của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Sở cũng đánh giá, lựa chọn các thị trường có chất lượng cao để giới thiệu cho người lao động. 

Ông Huỳnh Việt Hùng - Trưởng phòng Lao động Việc làm, Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ngãi - cho biết, từ đầu năm đến nay, sở đã giới thiệu 12 doanh nghiệp về các địa phương để tuyển dụng lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Người lao động ở Quảng Ngãi cần cù, chịu khó nhưng phần đông vẫn yếu ngoại ngữ. Do đó, sở sẽ tăng cường phối hợp để tổ chức các lớp đào tạo ngoại ngữ cho người lao động có nhu cầu.

Trong sáu tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 242 người xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Hầu hết số này đã vượt qua vòng phỏng vấn của các doanh nghiệp nước ngoài trước khi có dịch COVID-19. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 140 người đang hoàn tất các thủ tục để xuất cảnh. 

Bà Nguyễn Thị Quyên - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh - cho hay, nhằm hỗ trợ lao động nữ có nhu cầu xuất khẩu lao động, Hội LHPN tỉnh này đã lên kế hoạch thành lập sáu câu lạc bộ di cư. “Khi tham gia câu lạc bộ, người dân sẽ được chia sẻ về những điều kiện cần thiết khi chuẩn bị ra nước ngoài làm việc, những khó khăn mà họ phải đối mặt. Những câu lạc bộ này sẽ như một cầu nối giữa những người đã từng đi nước ngoài và những người đang có nhu cầu đi để họ hỗ trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm thực tế cho nhau.

Lê Đình Dũng - Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI