Hành trình đi tìm giới tính cho đứa trẻ có hai bộ phận sinh dục - Bài 1

22/07/2014 - 07:24

PNO - Phận đời nghiệt ngã

edf40wrjww2tblPage:Content

Trước cảnh những người biết chuyện cứ bắt đứa trẻ tội nghiệp cởi quần để họ xem “của quý”, người mẹ chỉ còn biết khóc vì xót con. 11 tuổi nhưng em chỉ học đến lớp 2 vì phải liên tục chuyển trường để thoát cảnh bị bạn bè châm chọc. Thậm chí, cả gia đình em phải dắt díu nhau bỏ xứ, lang bạt khắp nơi để tránh tiếng thị phi…

 Hanh trinh  di tim gioi tinh cho dua tre co hai bo phan sinh duc - Bai 1

Quế Trâm trong vòng tay mẹ

Nước mắt của một gia đình

Đứa con đầu lòng tật nguyền, đứa thứ hai yếu ớt, nên vợ chồng chị kỳ vọng rất nhiều ở lần mang thai thứ ba… Lúc hạ sinh đứa bé cùng lúc mang hai bộ phận sinh dục: một của nam, một của nữ, người mẹ ấy ngất lịm. Di chứng của cơn “hậu sản” bám theo chị suốt 11 năm qua, vắt kiệt sức lực của người đàn bà lam lũ. Nhưng, chị vẫn cháy bỏng một ước mơ: “Làm sao để con mình trở thành một đứa trẻ bình thường”.

Chị là Phạm Thị Do, 35 tuổi, quê gốc Thạnh Phú, Bến Tre (hiện ngụ tại xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông). 17 tuổi, Do lập gia đình với anh Phạm Văn Tính, một nông dân hiền lành, cùng cảnh nghèo khó như chị. Họ từng sinh hai cô con gái, nhưng đứa đầu lòng bị dị tật, teo rút một nửa cơ thể, không thể đi đứng bình thường. Đứa thứ hai cũng yếu ớt, nên chị chỉ mong có một đứa thứ ba lành lặn, khỏe mạnh. Vậy mà…

Lần đầu nhìn con, anh Tính đã ôm chầm lấy vợ, khóc trong nỗi tuyệt vọng. Chị Do gạt nước mắt, kể: “Dù rất thương vợ, thương con nhưng cú sốc quá lớn, lại nhiều lời gièm pha nên chồng tôi gần như kiệt quệ tinh thần. Con chưa đầy tháng, anh ra chợ, mua đầy khạp gạo, một thùng mì, một ít thực phẩm để dành rồi lặng lẽ bỏ nhà đi…”.

Hanh trinh  di tim gioi tinh cho dua tre co hai bo phan sinh duc - Bai 1

Chồng bỏ đi, nhìn ba đứa con ngơ ngác, nhìn khạp gạo vơi dần mà trái tim Do cứ thắt từng cơn. Chị đặt tên cho con là Phạm Thị Quế Trâm. Suốt nửa tháng, đêm nào Do cũng thức chờ chồng. Mất ngủ, thiếu ăn khiến Do gầy rộc, xanh như tàu lá. Nhưng, đến khi chứng kiến con phải đối diện với những ánh mắt dò xét, chị mới ngã quỵ vì bất lực. Chị kể: “Lúc đó tôi sống vô cùng tủi nhục. Vừa khổ tâm vì con, vừa đau đớn vì chồng bỏ rơi. Đã vậy, nghe chuyện có đứa bé lạ đời, hàng xóm cứ kéo đến nhà nườm nượp. Cuối cùng, sau một tháng nghĩ tới nghĩ lui, tôi quyết định về với nhà chồng để anh Tính biết tôi vẫn còn chờ đợi anh ấy. Ba chồng tôi cho mấy người em đi tìm, gọi anh Tính về. Khoảng nửa năm, anh ấy về thiệt…”.

Nghe vợ kể, anh Tính thật thà: “Lúc đó ruột gan tôi đứt từng đoạn, làm việc gì cũng không đặng, đầu óc rỗng không. Tôi nghĩ mình còn ở nhà làm gì khi không có đồng nào để đưa con đi khám bệnh. Vậy là tôi bỏ đi. Nhưng, tôi cũng không đi xa lắm, phải ở đủ gần để nghe ngóng chuyện nhà. Tôi sợ phải đối diện với sự thật phũ phàng nên không dám bước chân vô cửa nhà mình…”.

Ngày trở về, anh Tính bàng hoàng vì chứng kiến vợ đang được cấp cứu ở bệnh viện huyện Thạnh Phú. Sáu tháng vắng chồng cùng gánh nặng ba đứa con thơ, chị Do phát bệnh hở van tim hai lá, lại thêm một lúc hai khối u ở gan và ngực… Nhìn vợ tím tái trên giường bệnh, còn phải cho đứa con bé bỏng của mình bú mớm, anh đau đớn vô cùng. Chị Do nói: “Không biết có phải vì quá ân hận không mà bé Trâm được cha cưng như trứng”. Vợ chồng đã đoàn viên nhưng hạnh phúc của họ luôn có một bóng đen vây ám, là câu chuyện về sự dị dạng của Quế Trâm. Do nói trong tiếng nấc: “Không thể nào tả hết những nhọc nhằn của một người mẹ lỡ sinh ra đứa con như vậy. Cứ nhìn con, tôi thấy như mình đã làm nên tội lớn”…

Những cuộc trốn chạy không thành

11 năm ròng, anh chị đã phải bỏ quê hương, lang bạt hết tỉnh này sang tỉnh khác tìm một nơi nương náu, che giấu thân phận cho con. Số phận cứ trêu ngươi, bé Trâm liên tục bị “phát hiện” trong những lúc không ai ngờ nhất. Và, họ lại tiếp tục dắt díu nhau đi…

Chị Do kể: “Đầu tiên, anh Tính bàn với tôi qua Long An lập nghiệp. Nhờ một người bạn thương hoàn cảnh giúp đỡ, giới thiệu việc làm và bảo lãnh, chúng tôi được nhập hộ khẩu về đây (hiện anh chị vẫn còn giữ sổ hộ khẩu thường trú ở tỉnh Long An). Tôi đi làm công nhân may, anh Tính phụ hồ, cuộc sống cũng bình yên. Nhưng rồi trong mấy lần tiếp bạn, chồng tôi lỡ lời sao đó, thế là mọi người phát hiện chuyện của Quế Trâm. Con tôi chơi giỡn ở sân, bị nhiều chị lối xóm hiếu kỳ bắt tuột quần cho xem rồi chỉ trỏ, bình phẩm”. Nhìn cảnh tượng ấy, trái tim người mẹ không chịu đựng nổi lại phát bệnh. Do bàn với chồng tìm nơi khác lánh thân… Họ lại quay về Bến Tre với suy nghĩ: dù gì, chỗ ấy người ta biết chuyện hết rồi. Nhưng nhìn con âm thầm tách biệt khỏi chúng bạn, Do lại đau đớn.

Hanh trinh  di tim gioi tinh cho dua tre co hai bo phan sinh duc - Bai 1

Bé Quế Trâm mang hình dáng con trai dù khai sinh ghi là nữ - Ảnh: Xuân Hinh

Thế là họ dắt nhau ra Nha Trang, rồi lại trở về Bà Rịa - Vũng Tàu tìm việc làm. Lần này, chính sự ngây thơ của hai người chị đã làm bé Trâm bị láng giềng phát hiện. Sau lời kể thật thà của hai cô chị cho người bạn nhỏ ở khu nhà trọ, câu chuyện của Trâm thành chuyện thời sự của xóm nghèo. Mọi con mắt, lời đàm tiếu lại đổ dồn lên gia đình khốn khổ ấy.

Anh Tính nói: “Mấy ngày đó vợ tôi cứ khóc hoài, lại lên cơn đau tim phải nằm vật cả tháng trời. Tôi đang loay hoay không biết làm cách nào thì ba tôi cho hay cả nhà bán đất ở Bến Tre lên Đắk Nông mua rẫy. Ông bà cho vợ chồng tôi một miếng đất để trồng mì. Như người đang chìm giữa sông chụp được cái phao, tôi mừng quá, đưa ngay vợ con về trên đó ở luôn tới giờ”. Lúc này Trâm đã lớn, thay vì phát triển đúng giới tính ghi trong khai sinh là nữ, thì bé lại ra dáng một cậu nhóc hơn. Trâm thích ăn mặc giống con trai, tính cách cũng mạnh mẽ hơn các bạn gái cùng độ tuổi. Chính vì vậy, lúc Trâm đi học, bé thường bị bạn bè trêu ghẹo. Cô giáo thì rầy la, bắt Trâm phải ý tứ và ăn mặc theo đúng giới tính của mình. Chị Do kể: “Khi nghe con về nhà khóc đòi đổi tên, tôi chỉ biết khóc, ba của cháu cũng không biết làm sao. Tôi nghĩ có lẽ mọi chuyện nay mai rồi cũng sẽ bị phát giác ra thôi”.

Và trong một cơn mưa cách đây ba năm, Trâm mới chín tuổi, quên mất mình đang ẩn thân, đã nhào ra tắm cùng bạn bè với cơ thể trần truồng gây sự kinh ngạc cho lũ trẻ… Không chỉ trẻ con mà lần lượt những người lớn nhỏ trong thôn đều hay chuyện, dò xét, cô lập Trâm. Bé buồn tủi, không dám đến trường. Trâm phải chuyển trường ba lần vì không chịu nổi sự chế nhạo, sỉ nhục, dè bỉu của bạn bè. Vì vậy, dù đã 11 tuổi, nhưng Trâm mới chỉ học lớp 2. Cũng may, từ ngày chuyển về Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi ở huyện Krông Nô, nhiều bạn đã chịu làm quen, chơi chung với Trâm. Nhờ đó, Trâm học hành tiến bộ, luôn đứng nhất nhì trong lớp.

Vì còn quá bé, Trâm chưa biết phòng vệ, nên mỗi lần bị người lạ bắt cởi quần cho xem, Trâm vừa khóc vừa làm theo rồi về kể với ba mẹ. Nghe con kể, vợ chồng họ chỉ biết nuốt nước mắt, tự dằn vặt mình. Anh Tính nói: “Vừa đau, vừa giận. Nhưng đau nhất là chúng tôi không thể nào trả lời một câu hỏi đơn giản của con: “Con là trai hay là gái?”. Chị Do nói trong hơi thở mệt nhọc vì lên cơn đau tim: “Cho dù bệnh tật, vất vả thế nào tôi cũng xin gánh hết, miễn sao cho Trâm được bình thường như con mơ ước. Ngặt nỗi nghèo quá, mà con tôi còn cả một đời trước mặt...”.

Lệ Hằng - Nghi Anh - Văn Thanh

Kỳ 2: Xin cho con được là chính mình

Rời căn nhà rách nát nằm trên triền đồi thôn 5, xã Quảng Phú ra thị trấn Đắk Mâm, chúng tôi đón chuyến xe đêm để kịp trở về thành phố. Báo Phụ Nữ sẽ cố gắng làm mọi cách để đứa trẻ ấy được là một người bình thường, dù hành trình ấy có kéo dài và khó khăn…

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI