Miệt mài giữ nghề truyền thống
Nghề dệt thổ cẩm đã gắn liền với nếp sống của người Thái ở miền núi phía tây tỉnh Nghệ An từ xa xưa. Cũng như nhiều nghề thủ công khác, nghề dệt từng có lúc lận đận do sự lấn át của vải vóc công nghiệp. Nhưng bằng tình yêu nghề cháy bỏng, phụ nữ dân tộc Thái vẫn âm thầm bảo tồn nghề dệt thổ cẩm.
 |
Những phụ nữ lớn tuổi ở bản Hoa Tiến miệt mài bên khung cửi - Ảnh: Phan Ngọc |
Bà Sầm Thị Bích - Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (xã Châu Tiến, tỉnh Nghệ An) - nói, ngay từ nhỏ, các cô gái Thái đã được bà, mẹ truyền dạy cách xe sợi, quay tơ, nhuộm vải, dệt hoa văn và thêu thùa. Những chiếc khăn, váy, áo không chỉ phục vụ nhu cầu mặc hằng ngày mà còn là minh chứng cho đức tính chịu thương chịu khó và tình yêu sâu sắc với văn hóa dân tộc của phụ nữ Thái.
Tỉ mỉ hướng dẫn chị em phối trộn hoa văn để tạo nên những tấm vải rực rỡ sắc màu, bà Sầm Thị Bích cho biết, những họa tiết cầu kỳ, màu sắc rực rỡ không chỉ thể hiện gu thẩm mỹ mà còn ẩn chứa tri thức dân gian, tín ngưỡng, bản sắc cộng đồng được truyền từ đời này sang đời khác qua từng sợi tơ. Chính những hoa văn độc đáo này đã giúp các sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến hấp dẫn khách hàng khắp nơi, đặc biệt người nước ngoài. Từ yêu thích sản phẩm, yêu thích nét văn hóa cổ xưa, họ không quản xa xôi tìm về đây để trải nghiệm các hoạt động trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, nhuộm vải…
Với khát vọng đưa sản phẩm của phụ nữ Thái đi xa, chị Sầm Thị Tình - con gái bà Sầm Thị Bích - đã mở các cửa hàng giới thiệu sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến ở TP Hà Nội, đưa thổ cẩm vào chợ đêm, các hội chợ trong và ngoài nước. Chị còn mở gian hàng bán thổ cẩm trên sàn thương mại điện tử. Chị nói: “Trước đây, chúng tôi chỉ dệt, may, thêu váy, áo, khăn để dùng hoặc bán. Để bán được, phải làm cho sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn, tức là phù hợp với nhiều đối tượng, dùng được trong nhiều hoạt động của đời sống thường ngày”.
Nhờ cải tiến mẫu mã, những sản phẩm thổ cẩm Hoa Tiến dần có mặt ở thị trường trong nước và quốc tế, mang về cho hợp tác xã doanh thu hơn 2 tỉ đồng mỗi năm. Thổ cẩm Hoa Tiến nay không chỉ có váy áo, khăn choàng mà còn có tranh treo tường, khăn trải bàn, túi xách, giày dép… Chị Vi Thị Hằng - xã viên Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến - cho hay, nhờ nghề dệt thổ cẩm, phụ nữ trong bản Hoa Tiến có thêm nguồn thu nhập khá ổn định: 6 triệu đồng/tháng nếu làm thường xuyên, 2-3 triệu đồng/tháng nếu chỉ làm lúc nông nhàn. Có nguồn tiêu thụ ổn định nên họ không phải lo hàng làm ra không bán được như trước.
Kết hợp nghề dệt với du lịch
Bà Lô Thị Mai - Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm bản Na (xã Hữu Kiệm, tỉnh Nghệ An) - nhận định, các sản phẩm thổ cẩm đã bắt đầu tìm được chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại, nhưng để nghề dệt thổ cẩm trở thành sinh kế bền vững cho phụ nữ Thái, cần có những người trẻ giỏi nghề, dám đổi mới cách làm, tư duy thị trường. Đây là lý do để bà luôn tận tình truyền nghề cho phụ nữ và trẻ em gái trong bản. Bà nói: “Cả bản đang có hơn 100 chị em theo nghề. Tôi cũng luôn khuyến khích chị em vừa làm nghề, vừa truyền nghề cho con, cháu để duy trì, phát triển làng nghề”.
 |
Bà Sầm Thị Bích - Chủ nhiệm Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến (xã Châu Tiến, tỉnh Nghệ An) - hướng dẫn du khách nước ngoài cách làm ra tấm vải thổ cẩm - Ảnh: Quỳnh An |
Nằm trên tuyến đường dẫn đến vườn quốc gia Pù Mát, nhiều hộ ở bản Xiềng (xã Môn Sơn, tỉnh Nghệ An) đã liên kết với nhau để cùng phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch sinh thái. Đến bản Xiềng, khách du lịch có thể ngủ trong nhà sàn, mặc trang phục truyền thống, ăn các món đặc sản và tự tay dệt khăn, túi theo hướng dẫn của phụ nữ địa phương.
Để có tấm vải thổ cẩm Thái, cần tuân thủ quy trình thủ công gồm bảo tồn giống tằm bản địa, trồng dâu, xe tơ, nhuộm màu vải bằng màu từ cây, củ, quả trong rừng. Chị Sầm Thảo Trang - ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến - cho biết, bà con trong bản đã chế được 52 màu tự nhiên để nhuộm trên nhiều chất liệu khác nhau như vải tằm thô, lụa, bông và linen. Ngoài hoa văn, du khách còn tò mò về quy trình tạo màu tự nhiên cho vải. Do đó, Hợp tác xã Làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến đã thiết kế tour, tổ chức đội ngũ gồm 60 phụ nữ sẵn sàng hướng dẫn du khách dệt thổ cẩm. Du khách có thể trải nghiệm thực tế các khâu hái lá dâu cho tằm ăn, xử lý kén tằm, xe tơ, hái lá cây làm thuốc nhuộm vải, dệt vải… Mỗi năm, có hàng ngàn du khách đến trải nghiệm tour dệt thổ cẩm này.
“Hoa văn trên tấm vải thổ cẩm như kể câu chuyện về cảnh sắc quê hương. Khi đến bản Xiềng, chúng tôi vừa được nghe các bà, các mẹ người Thái giải thích ý nghĩa của mỗi hoa văn, vừa được hướng dẫn cách dệt vải”. Du khách Hoàng Thị Quỳnh |
Lãnh đạo UBND xã Châu Tiến cho biết, nghề dệt thổ cẩm ở địa phương đang hồi sinh mạnh mẽ, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, tạo sinh kế cho hơn 300 phụ nữ với mức thu nhập 2-6 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này chưa cao nhưng khá ổn định, chị em có thể tận dụng được thời gian nhàn rỗi để làm, bên cạnh nghề nông. Để đạt được mục tiêu thu hút khoảng 120 khách du lịch đến tham quan mỗi ngày, UBND xã đã thành lập các câu lạc bộ bảo tồn văn hóa Thái. Các câu lạc bộ này vừa truyền dạy nghề dệt cho thế hệ trẻ, vừa khôi phục các món ăn truyền thống, các loại hình văn nghệ dân gian để phục vụ du khách.
Mở thêm tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề Tỉnh Nghệ An hiện có 15 làng nghề dệt thổ cẩm, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn phụ nữ dân tộc Thái. Nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở tỉnh Nghệ An vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bà Phan Thị Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An - nói rằng, sau khi được công nhận di sản, chính quyền địa phương và cộng đồng có cơ sở pháp lý cũng như đang lên các phương án để bảo tồn và phát huy tốt nhất giá trị của nghề dệt thổ cẩm. Ông Nguyễn Đức Hiển - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Nghệ An - nhận xét, dệt thổ cẩm không còn đơn thuần là nghề mưu sinh của phụ nữ dân tộc Thái mà còn là “thỏi nam châm” hút khách du lịch. Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với du lịch không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn tạo cơ hội phát triển kinh tế cho người dân. Để tạo sinh kế bền vững từ nghề dệt thổ cẩm và du lịch cộng đồng, những làng nghề cần có thêm các dịch vụ trải nghiệm, ngành du lịch cần phát triển các tour, tuyến du lịch gắn với làng nghề, chính quyền địa phương cần phối hợp các ngành hình thành vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. |
Phan Ngọc