Giáo viên thể dục, âm nhạc kể chuyện dạy online mùa dịch

19/03/2020 - 16:29

PNO - Một điều ít ai nghĩ đến là cả những môn đặc thù như thể dục, nhạc cũng được đưa vào giảng dạy trực tuyến.

Từ đầu mùa dịch đến nay, học sinh Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành thuộc Trường đại học Sư phạm Hà Nội chưa hề có một ngày nghỉ. Mọi hoạt động dạy và học vẫn diễn ra như thời khóa biểu bình thường. Điều khác biệt duy nhất là mọi hoạt động này diễn ra trên mạng.

Đúng 7g20 phút sáng, học sinh bắt đầu vào học và giáo viên điểm danh. Trước giờ lên lớp, giáo viên đưa lên mạng các nhiệm vụ học tập để học sinh xem trước. Sau mỗi tiết, giáo viên lại gửi lên mạng phần hướng dẫn học và bài tập về nhà cho học sinh học.

Cô Hồng Anh hướng dẫn học sinh học trực tuyến
Cô Hồng Anh hướng dẫn học sinh học trực tuyến

Với môn đặc thù như thể dục tưởng chừng khó thực hiện online nhưng thầy và trò Trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành lại làm rất tốt. Dù đây là môn dạy online khó nhất khi giáo viên phải liên lạc với từng phụ huynh đề nghị giúp sắp xếp khoảng không gian trong nhà đủ rộng để đảm bảo an toàn, trang bị camera để giáo viên có thể quản lý, quan sát được học sinh thực hành và kiểm tra, đánh giá.

Cô Nguyễn Thị Hồng Anh, giáo viên môn giáo dục thể chất của trường cho hay: “Dạy thể dục, phần chạy xa và nhảy xa ưỡn thân thì thực hành hơi khó vì cần phải có không gian và dụng cụ. Do đó, tôi thay thế cho học sinh bằng các bài tập bổ trợ như bật xa tại chỗ để tăng cường sức của chân".

Kỹ thuật của học phần nhảy xa có 4 giai đoạn: chạy đà, giậm nhảy, trên không và tiếp đất. Đáp ứng được yêu cầu của môn học khi không thực hiện được chạy đà 7 bước do điều kiện không gian hẹp thì cô Hồng Anh thực hiện bài tập bổ trợ. Yêu cầu người tập đứng tại chỗ trong phòng, hai chân chụm sát nhau, hai tay vươn lên cao, căng người, chân kiễng cao.

Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh đếm nhịp để tập: nhịp 1 kiễng hai chân và vươn tay lên cao, nhịp 2 chùng gối và nhịp 3 tay đưa sau, hất tay lên và nhịp 4 là rơi xuống.

"Về kiếm tra đánh giá, chúng tôi đánh giá thể lực của học sinh khi thực hiện bài tập bật liên tục (bật chân trước sau) và đánh giá sự tham gia tích cực các hoạt động học tập của học sinh. Cụ thể, ngay tại buổi học tôi có thể kiểm tra từng cá nhân để đánh giá chỉ số bật. Tôi bấm giây, học sinh trong 20 giây bật khoảng 40 cái thì đạt yêu cầu”, cô Hồng Anh cho hay.

Còn với môn âm nhạc, cô Nguyễn Khánh Hồng, giáo viên Trường tiểu học - THCS Pascal (TP.Hà Nội), cho biết: “Đặc thù của môn âm nhạc là thực hành nhiều hơn lý thuyết. Việc học trực tuyến âm nhạc khác với trực tiếp là không cho cả lớp hát cùng một lúc mà giáo viên cho thực hành theo nhóm 2-3 bạn để không gây ồn. Với tiết tập đọc nhạc, tôi sẽ cho học sinh tìm hiểu tác giả, bài hát, chia mấy câu, mấy đoạn, nhịp gì, giọng gì, tín hiệu của bản nhạc và dạy học sinh hát”.

Cô Hồng cùng học sinh ôn lại vũ điệu rửa tay
Cô Hồng cùng học sinh ôn lại "vũ điệu rửa tay"

Sáng nay, cô Hồng dạy bài tập nhạc số 6 với tên Chỉ có một trên đời cho học sinh lớp Tám. Đầu tiên, cô Hồng cho học sinh ôn lại vũ điệu rửa tay chống COVID-19 trên nền nhạc của bài Ghen Cô Vy. Sau đó, cô giới thiệu cho học sinh về bản nhạc được viết ở nhịp 6/8 giọng đô trưởng và các ký hiệu âm nhạc như dấu luyến, dấu nối, dấu lặng; cao độ gồm: đồ, rê, mi, pha, son la.

Các kiến thức này, cô Hồng trình chiếu bằng slide cho học sinh xem và trả lời câu hỏi. Trong lớp có học sinh nào giơ tay thì cô bật mic của bạn đó lên để cô trò tương tác trực tiếp và các bạn khác trong lớp vẫn có thể nghe được, chỉ là mic các bạn đó không được bật để giữ trật tự cho giờ học.

“Đến phần dạy bài hát, tôi sẽ đàn cả bài trước cho các học sinh nghe. Sau đó, hát và đánh đàn từng câu, mỗi câu hai lần và học sinh hát lại. Tôi sẽ gọi từng bạn hát hay chia nhóm để kiểm tra, đảm bảo trong tiết học bạn nào cũng được thực hành. Khi đến tiết kiểm tra, tôi cũng sẽ chia nhó, gọi các bạn lên hát theo danh sách để đánh giá học sinh đạt hay không đạt”, cô Hồng cho hay.

Theo cô Hồng, nhược điểm duy nhất khi dạy trực tuyến môn âm nhạc là đường truyền mạng có bạn nhanh, có bạn lại rất chậm, gây khó khăn cho học sinh khi tiếp thu kiến thức.

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI