Giáo dục quốc phòng an ninh phải truyền được cảm hứng cho học sinh

29/12/2022 - 19:13

PNO - Giáo dục quốc phòng an ninh phải truyền được cảm hứng cho học sinh. Đó mới là thành công! Còn nếu chỉ học cho đủ tín chỉ thì chưa đạt yêu cầu.

Hội thảo thu hút sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo quân đội, giảng viên, sinh viên ngành giáo dục quốc phòng an ninh
Hội thảo thu hút sự tham gia của hàng trăm lãnh đạo quân đội, giảng viên, sinh viên ngành giáo dục quốc phòng an ninh

Ngày 29/12, Trường đại học Sư phạm TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Công tác giáo dục quốc phòng an ninh cho học sinh, sinh viên - Thành tựu và triển vọng”.

Tại hội thảo, đại tá, tiến sĩ Trần Đức Thắng - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 - khẳng định không phải ngẫu nhiên mà Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo, lại đưa chương trình giáo dục quốc phòng an ninh vào các trường học. Nếu nói về thực hiện chiến lược bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy thì việc truyền thụ kiến thức quốc phòng an ninh cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

Dẫn chứng câu nói bất hủ của cố thượng tướng Hoàng Minh Thảo (Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên năm 1975) “Đánh địch bằng mưu kế, thắng bằng thời thế”, đại tá Trần Đức Thắng khẳng định lịch sử qua các thời kỳ đều cho thấy để chiến thắng kẻ thù không chỉ nhờ lực lượng quân đội mà phải huy động được sức mạnh toàn dân. Như vậy, vấn đề truyền thụ kiến thức quốc phòng an ninh trong toàn dân, đặc biệt học sinh, sinh viên là bắt buộc. Tuy vậy, làm thế nào để thầy cô dạy môn giáo dục an ninh quốc phòng truyền được cảm hứng đến học sinh, sinh viên là vấn đề đáng quan tâm.

“Tôi có lần đứng trên bục giảng đã phải nhắc các học viên bên dưới nói chuyện nhỏ để không ảnh hưởng đến... giấc ngủ của bạn bên cạnh. Thực ra câu chuyện ở đây là vấn đề truyền cảm hứng. Bản thân tôi có 37 năm trong quân ngũ, phải nhắc lại lúc tôi đang học cấp III thì chính thầy dạy chính trị đã truyền cảm hứng để tôi tình nguyện làm đơn thi vào sĩ quan.

Lúc bấy giờ, chiến trường Campuchia đang nóng bỏng. Bố tôi từng học Đại học Y khoa Hà Nội đã nói rằng con phải vào ngành y. Thế nhưng, những lời thầy dạy chính trị luôn thôi thúc chúng tôi, vào quân đội là lý tưởng, là hoài bão. Nhờ thầy truyền lý tưởng nên lớp tôi phải có hơn chục bạn thi vào quân đội. Nhiều bạn học của tôi nay đã nhận quân hàm cấp tướng, đang đảm nhận những vị trí chủ chốt.

Vào những năm tháng đấy phải nói thật là cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Ngay cả hiện nay, dù quân đội hệ số lương cao nhưng cũng vô cùng vất vả. Vừa qua tôi đến thăm Bộ tư lệnh TPHCM, 1 chiến sĩ trẻ chia sẻ đợt cao điểm dịch COVID-19 mỗi ngày phải khiêng 51 tử thi đến bệnh viện, chưa kể các hũ tro cốt. Như vậy, trách nhiệm và đóng góp của người chiến sĩ trong thời bình vẫn vô cùng lớn lao.

Đại tá Trần Đức Thắng - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 - chia sẻ tại hội thảo
Đại tá Trần Đức Thắng - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 - chia sẻ tại hội thảo

Cả nước ta có 1.146.250 liệt sĩ hi sinh, trong đó có 200.000 hài cốt chưa được tìm thấy. Ở Quân khu 7, từng ngày từng giờ, các đội quân vẫn rà phá bom mìn và tìm những hài cốt của đồng đội trên đất bạn Campuchia, đất bạn Lào. Cả nước có hơn 4 triệu người dân ở 2 miền Nam - Bắc đã chết hoặc thương tật suốt đời do bom đạn kẻ thù, 9 triệu người có công, hơn 127.000 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 300.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ bị nhiễm chất độc da cam...

Những con số này nói lên cái giá chúng ta phải trả để có được độc lập, tự do ngày hôm nay. Và nếu như chúng ta không có ý thức, trách nhiệm để bảo vệ Tổ quốc, để giữ gìn độc lập thì sẽ thế nào? Vậy thì vấn đề là những người thầy đứng trên bục giảng làm thế nào để truyền được cảm hứng, những hình ảnh, tư liệu sống đó nhằm khơi dậy được tinh thần dân tộc, trách nhiệm công dân trong mỗi học sinh, sinh viên” - đại tá Trần Đức Thắng chia sẻ.

Theo ông, điều đó đặt ra yêu cầu phải đào tạo ra những người thầy tâm huyết để truyền thụ môn học này. Đây là trách nhiệm không riêng trường đại học sư phạm mà của cả hệ thống chính trị. Các quân khu khi chọn sĩ quan biệt phái về các trường cũng rất chú trọng vấn đề này. Thời gian qua, Bộ tư lệnh Quân khu 7 đã cử 56 sĩ quan biệt phái cấp tá, cấp úy sang các trường học để hỗ trợ công tác giáo dục quốc phòng an ninh.

Các sĩ quan biệt phái sang các trường phải phát huy vai trò truyền cảm hứng, làm những nhân chứng sống để bổ sung kiến thức thực tiễn và học trò cảm thụ được môn học. Đó mới là thành công. Còn nếu chỉ dừng lại ở chỗ bắt buộc phải học cho đủ tín chỉ để tốt nghiệp thì cũng chưa đạt yêu cầu.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI