Giảng viên trẻ Hà Nội chia sẻ về cách ứng xử với điểm kiểm tra của con

21/09/2016 - 07:04

PNO - Cô Pit Pat (giảng viên Khoa Tiếng Anh, trường Đại học Hà Nội) có những chia sẻ về khái niệm bài kiểm tra và cách ứng xử với điểm kiểm tra của con.

Vì số phụ huynh của mình ngày càng nhiều nên mình muốn viết bài này để chia sẻ với họ cũng như các vị phụ huynh đang lo lắng cho việc học của con sau khi nhận kết quả bài kiểm tra đầu năm.

Bài kiểm tra là gì và tại sao phải có kiểm tra?

Vâng chuyện xưa như trái đất nhưng chắc cũng cần thiết phải nhắc lại để mọi người khỏi quên: Bản chất của kiểm tra đánh giá nhằm phục vụ hai mục tiêu chính:

- Cung cấp thông tin cho giáo viên để họ điều chỉnh phương pháp giảng dạy, hướng tới việc nâng cao tính hiệu quả của công việc;

- Cung cấp thông tin cho nhà trường/đơn vị để họ biết mặt bằng chung các em học sinh theo giáo trình đó đang ở đâu, gặp khó khăn gì (thông qua thông tin chi tiết về các câu hỏi kiểm tra dưới dạng số liệu tổng kết), cũng như tính hiệu quả chung trong cách giảng dạy của giáo viên đó (mặt bằng chung của cả lớp họ dạy) từ đó đưa ra những kế hoạch trợ giúp giáo viên nếu thấy cần thiết;

Giang vien tre Ha Noi chia se ve cach ung xu voi diem kiem tra cua con

- Cung cấp thông tin cho phụ huynh về cá nhân em học sinh ấy để gia đình biết những mặt mạnh, và những điểm còn yếu cần khắc phục hoặc phối hợp với giáo viên để khắc phục.

Trừ phi bài kiểm tra đó nhằm mục đích tuyển chọn vào một tổ chức nào đó với số lượng có hạn thì việc so sánh điểm số cũng như xếp loại dựa trên tổng điểm là không-có-nghĩa-lý-gì.

Lý do là vì bản thân một bài kiểm tra bao giờ cũng được cấu thành từ nhiều thành tố với mục đích rà soát tối đa những kiến thức đã học (rất rộng) để biết phần nào đã “đạt yêu cầu”, phần nào còn cần “bổ sung. Vì vậy, kết quả một bài có thể tương đương nhau về điểm nhưng nội dung thông tin nó cung cấp cho các bên là hoàn toàn khác nhau – phụ thuộc vào bản thân em học sinh làm bài kiểm tra đó.

Vì thế một bạn điểm cao hơn có khi là do một phần trong bài kiểm tra đó bạn làm rất tốt so với bạn khác – nhưng không có nghĩa rằng cái gì bạn cũng nắm “chắc” hơn (chứ không phải “giỏi” hơn nhé!). Từ đó có thể thấy, nếu cho rằng CHẤT LƯỢNG THIẾT KẾ của bài kiểm tra đảm bảo tương đối các yêu cầu về mặt nội dung đánh giá (đánh giá được cái cần đánh giá – vấn đề chuyên môn dài dòng không viết rõ được), thì việc đọc kết quả KHÔNG THỂ CHỈ DỰA TRÊN TỔNG ĐIỂM.

Ứng xử thế nào với kết quả bài kiểm tra của con?

Trong bất kỳ tình huống nào, phụ huynh cũng nên bình tĩnh với điểm số. Lý do: nếu con bị điểm kém thì cần đọc kỹ đề bài để tìm hiểu nguyên nhân; nếu con điểm cao thì cũng nên tạm hài lòng vì biết rằng khối kiến thức ấy theo cách nhìn nhận của cô giáo (vì cô ra đề nên cô nhìn nhận thế nào về cái cô dạy sẽ được thể hiện qua cách cô hỏi) là ổn. Không nên trầm trọng hoá kiểu như: con điểm kém thế này là “dốt” rồi, phải học thêm cô thôi... hay con điểm giỏi đứng thứ nhất, phải đem khoe mới được.

Bởi vì:

- Bản thân cách kiểm tra đánh gía của cô liệu đã “đúng” chưa? Không bàn tới vấn đề chuyên môn về việc thiết kế tài liệu kiểm tra, phụ huynh chỉ cần dò từng câu hỏi và so sánh với chương trình học đã qua của con để xem có câu nào tương tự, có câu nào “mới” với kiến thức mới?

Nếu có tồn tại câu “mới” như vậy, cần suy nghĩ xem câu đó có phải một dạng hỏi yều câu tư duy cao hơn (kết nối dữ kiện) của các kiến thức cũ không – hay là hỏi một thứ “trên trời rơi xuống”? Nếu không có cái gì “mới” nghĩa là bài kiểm tra của cô là tạm chấp nhận được và có thể tạm tin cậy được, lúc ấy mới xét đến điểm của con.

- Điểm của con nếu có thấp mà mình đọc đề không hiểu cụ thể được là con bị yếu chỗ nào, việc tốt nhất phụ huynh nên làm là liên lạc trực tiếp với cô để trao đổi thẳng thắn. Lúc trao đổi như vậy, tránh tâm lý cho rằng cô này sẽ làm khó hay dụ dỗ con mình đi học thêm đây...

Nhận xét bài kiểm tra cô giao một cách công bằng sẽ hiểu rõ “động cơ” của cô là trong sáng hay “đen tối”, từ đó tiếp cận cô giáo thì tránh làm mất thời gian của cô với việc vòng vo tam quốc – tốt nhất là hỏi thẳng cô là bài kiểm tra này của cháu sai như vậy nghĩa là gì, và gia đình cần làm gì để hỗ trợ cô cải thiện khu vực kiến thức này cho cháu.

Cuối cùng, các phụ huynh cũng cần hiểu rằng bản chất của giáo dục nhà trường là đưa ra những hỗ trợ có thể tạo điều kiện cho một cá nhân đạt được sự phát triển nhiều mặt trong thời gian nhanh nhất có thể (thay vì tự mày mò tìm tòi học hỏi theo bản chất tự nhiên), chứ không phải cuộc đua tranh thứ bậc trong xã hội. Vì vậy, nếu cho rằng điểm giỏi ở trường đồng nghĩa với vị trí lương cao sau này là sai lầm; cũng như cho rằng con bị điểm thấp hơn các bạn là điều đáng xấu hổ... cũng là một tư tưởng cần bị loại bỏ.

Giáo dục là giúp cho cá nhân hôm nay tốt hơn chính cá nhân đó ngày hôm trước, và nếu con ngày hôm qua không bằng ngày hôm nay, và ngày mai chắc chắn sẽ tốt hơn ngày hôm nay – có nghĩa rằng nhà trường đang làm tốt việc của mình, và con bạn cũng làm tốt việc của cháu.

Khi một cá nhân luôn hướng tới cái tốt hơn, dù nhanh – dù chậm, cũng sẽ trở thành một cá nhân có ích cho xã hội. Và đó mới là điều tối quan trọng.

Pit Pat

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI