Gian nan tìm chữ "thị"

01/10/2013 - 17:17

PNO - PN - Ngày người mẹ sinh đứa con đầu lòng, người cha đang đi bộ đội. Nghe bà mụ vườn nói con dâu sinh cháu trai, ông nội mừng húm. Bế thằng cu trên tay, ông đặt tên Ngô Văn H. với kỳ vọng cuộc đời cháu sẽ luôn trọn vẹn và...

edf40wrjww2tblPage:Content

Gian nan tim chu

Chị H. với đứa trẻ chị nhận nuôi chưa khai sinh được vì mẹ là...nam giới

TẠO HÓA TRÊU NGƯƠI

Trên giấy tờ gốc, chị mang giới tính nam, với tên có chữ lót “Văn” nguyên vẹn. Nhưng trong chứng minh nhân dân (CMND), tên chị là Ngô H. Hai năm qua, chị đi khắp nơi để xin xác nhận lại giới tính. Ông Ngô Văn Kính, cha ruột chị H. kể: “Năm H. 12 tuổi, cơ thể vẫn là một đứa con trai. Cuối mùa hè năm lớp 6, H. bỗng bị đau bụng dữ dội. Khi tôi đưa con đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 2, mới tá hỏa khi nghe bác sĩ thông báo siêu âm chỉ thấy bụng H. đầy máu, chưa biết triệu chứng gì.

Sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ thông báo H. là nữ giới và đang trong chu kỳ kinh nguyệt nhưng do âm vật cấu tạo bất bình thường, âm đạo bị tắc. Sau đó H. được chuyển sang BV Từ Dũ, TP.HCM phẫu thuật và điều trị trong hai tháng. Khi đó tôi vừa xuất ngũ về, hai vợ chồng làm mướn, cứ lo vay đầu này đầu kia để có tiền thang thuốc. Con lành bệnh, mừng quá, tôi quên… đi làm lại khai sinh cho con. Hơn một năm sau, H. đi học lại. Mới ngày đầu đến trường, con bé đã chạy về khóc nấc, vì bị bạn bè chọc khai sinh là nam mà mặc áo quần con gái. Tôi ra xã xin khai sinh lại cho con, mới phát hiện đã làm mất giấy chứng nhận của BV Từ Dũ. Ủy ban xã cũng nhiệt tình hướng dẫn đưa con ra Hội đồng giám định y khoa để xác định lại giới tính”.

Hai tuần sau, ông Kính lên TP.HCM hỏi thăm việc giám định y khoa, mới biết phải có chi phí 15 triệu đồng để lập hội đồng. Ông kể: “Tôi và vợ nhìn quanh nhà chẳng có gì đáng giá một triệu đồng!”.

Từ đó, H. mắc cỡ, bỏ học, đi phụ việc ở vườn điều. Năm 15 tuổi, H. ra xã làm CMND, nhưng bị từ chối. Chị kể: “Từ sau khi biết mình là con gái, tôi lấy bút xóa chữ “Văn”. Vì vậy mà ba tôi bị lập biên bản, xử phạt, còn tôi phải lên tận công an tỉnh Bình Phước mới làm được CMND với tên Ngô H. May là CMND hiện hành không ghi giới tính!”.18 tuổi, H. xin vào làm việc cho xí nghiệp hạt điều Chơn Thành. Vì sợ chuyện giới tính bị phát giác, chị nói mất giấy tờ để không phải ký hợp đồng lao động với nơi làm việc. Mọi quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của H. vì thế cũng mất trắng.

Gian nan tim chu

Ông bà Ngô Văn Kính chụp cùng con gái và đứa cháu, hai mẹ con đều chưa rõ nhân thân

KẾT HÔN HỢP PHÁP: GIAN NAN!

Kể từ khi có được CMND với tên Ngô H., chị “quyết định bỏ hết quá khứ để vui sống”. Lớn lên, H. cũng có nhiều người theo đuổi nhưng chị từ chối tất cả. Đến khi số phận run rủi chị gặp anh Trương Văn, người bạn đồng nghiệp hiền lành, ít nói, quê ở Dầu Tiếng, Bình Dương, H. không ngăn được trái tim mình. Sau ngày cưới, gia đình anh Trương Văn thấy lạ khi H. không đề cập đến việc đăng ký kết hôn. Biết không thể giấu chuyện giấy tờ, H. mới kể đơn giản: “Người ta làm hộ khẩu sai tên con”.

H. đang tạm “yên thân” thì năm 2011, chị bị u nang và phải cắt bỏ toàn bộ tử cung. Do mặc cảm, H. khuyên chồng chia tay để lấy vợ sinh con nối dõi. Vừa nghe ý định của H., cả Văn lẫn gia đình anh đều phản đối. Khi H. lành bệnh, ba mẹ chồng khuyên H. xin một đứa trẻ về chăm sóc cho vợ chồng khuây khỏa. Lúc này, một lần nữa, Trương Văn đề nghị được đăng ký kết hôn với H.!

H. ra xã xin đăng ký kết hôn. Lãnh đạo của xã Minh Thành, ngày trước từng là giáo viên chủ nhiệm của H., ngỡ ngàng khi nghe bi kịch của “cậu học trò” năm xưa. Tuy nhiên, sự việc của H. nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của xã. Ông hướng dẫn H. lên Phòng Tư pháp huyện xin làm lại khai sinh. Ngày 24/8/2012, H. đến Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành. Phòng chuyển hồ sơ lên Sở. Sở Tư pháp tỉnh Bình Phước lại tiếp tục làm công văn xin ý kiến Bộ Tư pháp…

NGHẼN LỐI?

H. kể: “Cán bộ Phòng Tư pháp huyện cho biết chỉ cần có giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính là có thể cấp lại khai sinh… Vậy là tôi xin đi giám định pháp y”.

Ngày 29/10/2012, Phân viện Pháp y tại TP.HCM kết luận Ngô Văn H. là nữ giới (theo biên bản số 01/12/GT). Tuy nhiên, biên bản này không được Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành công nhận vì đó không phải là: “Giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính theo mẫu đi kèm Thông tư số 29/2010/TT-BYT ngày 24/5/2010 của Bộ Y tế”.

Công văn đi, công văn về, đến 26/6/2013, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp ra văn bản số 26 hướng dẫn nghiệp vụ cho Sở Tư pháp Bình Phước, yêu cầu chị H. cung cấp giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính của một trong hai BV Nhi Trung ương và BV Nhi Đồng 2 TP.HCM.

Chị H. cầm văn bản hướng dẫn và giấy giới thiệu của Phòng Tư pháp huyện đến BV Nhi Đồng 2 xin xác định giới tính thì nơi đây từ chối, lý do chỉ tiếp nhận xác định, can thiệp giới tính cho người từ 15 tuổi trở xuống. Lãnh đạo đơn vị này khẳng định, văn bản số 26 của Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp hướng dẫn… thiếu. Ngoài hai BV nêu trên, hiện còn có BV Việt - Đức Hà Nội cũng có chức năng này và can thiệp cho người trên 18 tuổi.

Chị H. chỉ còn biết kêu trời! Ôm đứa con nhỏ trên tay, chị khóc với chúng tôi: “Gần hai năm đi tìm lại nhân thân cho mình, giờ tôi thấy thật tuyệt vọng. Tại sao bao nhiêu BV ở TP.HCM lại không có một cơ sở nào đủ điều kiện xác định giới tính cho tôi? Tại sao biên bản giám định y khoa của một cơ quan như Phân viện Pháp y TP.HCM lại không có giá trị pháp lý với Bộ Y tế lẫn Bộ Tư pháp?”.

 NGHI ANH

“TRÍ KHÔN” CỦA NGÀNH Y TẾ Ở ĐÂU?

Việc xác định lại giới tính và thực hiện đăng ký hộ tịch sau khi đã xác định lại giới tính được quy định rõ tại NĐ 88/2008/NĐ-CP ngày 5/8/2008 của Chính phủ “Về xác định lại giới tính” và NĐ 06/2012/NĐ-CP ngày 2/2/2012 của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực” (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2012). Theo đó, người có yêu cầu cải chính hộ tịch đối với trường hợp xác định lại giới tính phải nộp Giấy chứng nhận y tế do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính (ở đây là ba BV: Nhi Đồng 2 TP.HCM, BV Nhi Trung ương và BV Việt - Đức - Hà Nội).

Như vậy, để được xác định lại giới tính của mình, H. phải khăn gói đi Hà Nội, mà với một người có hoàn cảnh khó khăn như H. thì đó là điều không tưởng. Không có được Giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính do BV Việt - Đức cấp thì UBND cấp huyện và xã dù trắc ẩn cách mấy cũng đành thúc thủ, không dám và không thể “cải” hộ tịch, không thể cho H. đăng ký kết hôn, hệ lụy tất yếu là hôn nhân của H. bị đặt ngoài vòng pháp luật.

Để tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm lợi ích hợp pháp của H. và những “ca” tương tự, cần một cơ sở y tế tại phía Nam được phép can thiệp y tế, xác định lại giới tính cho người trên 18 tuổi, việc này là không quá khó đối với Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM.

Có một câu hỏi được đặt ra trong trường hợp này là, biên bản giám định của Phân viện Pháp y tại TP.HCM có đáng tin cậy không, hay cứ phải là của BV Việt - Đức? Trong tình thế hiện tại, khi về pháp lý chỉ có BV Việt - Đức được quyền cấp Giấy chứng nhận y tế xác định lại giới tính, có cách gì giải tỏa cái khó cho H. không? Chẳng hạn như BV Việt - Đức công nhận kết quả giám định của Phân viện Pháp y, “trí khôn” của ngành y tế sẽ cho H. và hai “ông” huyện, xã lời giải.

Thạc sĩ - Luật gia Hoàng Kim Chiến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI