Giải quyết quyền lợi cho gần 3.000 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội - Rối như canh hẹ!

09/12/2019 - 07:56

PNO - Tại Hà Nội, các kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức đã có kết quả, tất cả giáo viên hợp đồng lâu năm, không ai đỗ.

Ở các địa phương, việc xét tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng lâu năm đã và đang được tiến hành theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ. Còn tại Hà Nội, các kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức đã có kết quả, tất cả giáo viên hợp đồng lâu năm, không ai đỗ. 

Dù ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch TP.Hà Nội, từng cam kết sẽ dành 2.692 chỉ tiêu biên chế để giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên (GV) hợp đồng tồn đọng nhưng không ít GV hợp đồng ở nhiều huyện đã bị cắt hợp đồng từ nhiều tháng qua. Có những thầy cô đã nhiều lần gửi đơn kêu cứu đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ, nhiều thầy cô khác thì chỉ biết ngậm ngùi cam phận “nạn nhân của lịch sử”.

Không phải lần đầu

Thầy giáo Phùng Đức Tăng từng là GV Trường THCS Phú Sơn (H.Ba Vì), gần hai mươi năm gắn bó với bục giảng. Lương GV hợp đồng khoảng 1,3 triệu đồng/tháng không đủ nuôi bản thân chứ chưa nói đến việc duy trì sinh hoạt gia đình, nuôi con.

Giai quyet quyen loi cho gan 3.000 giao vien hop dong o Ha Noi - Roi nhu canh he!
Thầy Phùng Đức Tăng phải làm rất nhiều việc để “nuôi” nghề dạy học. Nhưng sau gần hai mươi năm gắn bó, thầy đã bị cắt hợp đồng

Ngoài thời gian giảng dạy, thầy Tăng làm đủ thứ nghề để tăng thêm thu nhập, từ lắp đặt, bảo dưỡng điều hòa, sửa chữa đồ điện tử, điện lạnh đến hàn xì, bán hàng online… Thầy vẫn vui vì có thể “nuôi” nghề chính từ thu nhập của nghề phụ. Nhưng ngay trước thềm năm học mới vừa rồi, thầy Tăng bị cắt hợp đồng.

Người đàn ông ngoại tứ tuần không giấu được xúc động: “Gần hai mươi năm đứng trên bục giảng, cũng có nhiều học trò xuất sắc. Vậy mà học sinh tựu trường đón năm học mới, ngày đi dạy đầu tiên cũng là ngày tôi biết mình phải nghỉ việc. Đến cổng trường, học trò nhìn thấy chào thầy, em khác lại bảo thầy có đi dạy nữa đâu mà chào thầy. Các cháu không có ý gì nhưng thực sự quá đau lòng, không còn nỗi buồn nào hơn thế”.

Thầy Tăng là một trong hàng ngàn GV hợp đồng ở Hà Nội rơi vào cảnh “mất dạy” (các thầy cô vẫn chua chát gọi vậy - PV). Theo những GV hợp đồng lâu năm, câu chuyện nhức nhối của họ hôm nay là hậu quả của một cuộc “bỏ quên”.

Năm 2012, Chính phủ ban hành nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức có quy định xét đặc cách viên chức cho hợp đồng thâm niên và đủ điều kiện. Nhưng năm 2013, không chỉ H.Ba Vì của thầy Tăng, mà cả các huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Đông Anh, thị xã Sơn Tây đều “bỏ quên” GV hợp đồng bậc tiểu học và THCS.

Thầy Nguyễn Viết Tiến (Trường THCS Xuân Sơn - thị xã Sơn Tây, bị cắt hợp đồng từ ngày 31/5/2019, sau 17 năm gắn bó với nghề) thảng thốt: “Năm đó có xét đặc cách cho GV ở cả ba bậc mầm non, tiểu học và THCS. Nhưng thực tế, huyện chỉ xét đặc cách với GV mầm non. Mãi sau này, chúng tôi mới biết huyện đã “bỏ quên” GV tiểu học và THCS. Hệ quả là đến nay, hàng ngàn GV hợp đồng chúng tôi bị “đuổi” khỏi bục giảng”.

Chờ đến bao giờ?

Cuối tháng 11 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức xong các kỳ thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục. Kết quả cũng đã được thông báo, gần 3.000 GV hợp đồng lâu năm đều không đỗ.

Giai quyet quyen loi cho gan 3.000 giao vien hop dong o Ha Noi - Roi nhu canh he!
Rất nhiều giáo viên hợp đồng của Hà Nội đã đi khắp nơi kêu cứu, nhưng vẫn đang mỏi mòn trong cảnh chờ đợi

Oái oăm, có trường hai GV hợp đồng đi thi (một người là GV hợp đồng trước ngày 31/12/2015), cả hai có điểm số bằng nhau và đều là “thủ khoa” của huyện, nhưng trường lại chỉ có một chỉ tiêu tuyển dụng. Hay Trường THCS Sơn Đông (H.Ba Vì), cô Khuất Thị Nga được 94 điểm, cô Đỗ Thị Như Quỳnh được 92 điểm mà vẫn trượt; vì trường chỉ có một chỉ tiêu GV vật lý, dành cho người được 95 điểm. Trong khi, nhiều trường ở H.Phúc Thọ, điểm trúng tuyển chỉ ở khoảng… 59-60 điểm.

Với kết quả đó, thì mục tiêu của kỳ thi là tuyển chọn người tài cho ngành giáo dục thủ đô có thực sự đạt được hay không?

Chủ tịch TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung từng khẳng định, kỳ thi tuyển không ảnh hưởng đến quyền lợi của các GV lâu năm thuộc diện được xét tuyển đặc cách; kể cả với các GV đã thi trượt kỳ thi viên chức nhưng đủ điều kiện thì cũng sẽ được xét tuyển đặc cách.

Ông cũng cam kết, sẽ thực hiện lời hứa của mình trước đây là giải quyết dứt điểm tình trạng GV hợp đồng đã tồn tại cách đây 20 năm, bao gồm cả chế độ bảo hiểm. Gần nhất, trong kỳ họp thứ XI khóa XV Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội, ông Chung cho biết, Hà Nội đã báo cáo với Bộ Nội vụ xin thêm chỉ tiêu biên chế và đã được đồng ý, với tổng cộng 2.692 chỉ tiêu. Theo ông, việc này chậm hơn so với lời hẹn một quý, nhưng chắc chắn đảm bảo quyền lợi chính xác cho các GV hợp đồng.

Song, từ đầu năm đến nay, không ít GV đã quá mỏi mòn chờ đợi, hy vọng rồi thất vọng, thậm chí tuyệt vọng không biết bao nhiêu lần. Bởi, trong khi ở các địa phương, việc xét tuyển đặc cách GV hợp đồng lâu năm đã và đang được tiến hành theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ; thì ở Hà Nội, những chỉ đạo “rối như canh hẹ” được ban ra, thực hiện, mà chưa có chỉ đạo nào thực thi văn bản số 5378/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ. 

Chưa kể, sau khi thi tuyển, hầu hết các quận, huyện, thị xã đều hết chỉ tiêu vị trí việc làm, thì thành phố sẽ bổ sung chỉ tiêu như thế nào để xét đặc cách cho 2.692 GV hợp đồng? Cực chẳng đã, mới đây, thầy Nguyễn Viết Tiến đã đại diện cho 94 GV hợp đồng của thị xã Sơn Tây có đơn “kêu cứu” gửi đến Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. Và đây, đã là lần thứ năm thầy gửi đơn lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan việc xét tuyển đặc cách GV hợp đồng. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI