Giấc mơ cha mẹ 'đè nát' cuộc đời con!

26/07/2019 - 10:17

PNO - Chỉ mới mấy ngày thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học, tôi đã tiếp hàng chục trường hợp thí sinh, thậm chí có em khóc lóc nhờ thuyết phục cha mẹ để được chọn ngành mình yêu thích...

Chỉ mới mấy ngày thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học, tôi đã tiếp hàng chục trường hợp thí sinh trực tiếp đến trường nhờ thuyết phục cha mẹ, có thí sinh điện thoại đến đường dây tư vấn khóc lóc rằng không biết phải thuyết phục cha mẹ thế nào để được chọn ngành mình yêu thích... 

Chúng tôi không chỉ làm nhiệm vụ tư vấn ngành nghề mà còn phải kiêm luôn tư vấn tâm lý, lắng nghe câu chuyện của các thí sinh. Thế thì tại sao cha mẹ không thể cùng ngồi lại với con khi ước mơ của con không trùng khớp với ước mơ của cha mẹ? 

Như trường hợp V.A., em muốn học ngành xã hội nhưng cha lại bắt con trai phải học kỹ thuật, còn không thì học kinh tế. Ngày đặt bút đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, V.A. lén làm theo ý mình. Đến khi biết được, cha bắt buộc V.A. phải thay đổi nguyện vọng theo ý gia đình... Hai cha con tranh luận. Kết quả, cha thắng, V.A. phải thực hiện đổi nguyện vọng nhưng con giận cha kể từ ngày ấy.  

Giac mo cha me 'de nat' cuoc doi con!
Sở thích và năng lực của người học là yếu tố quan trọng nhất của việc chọn nghề

Một thí sinh ở tỉnh Cà Mau tâm sự, em đăng ký ba phương thức xét tuyển (ưu tiên xét tuyển, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM; điểm thi THPT quốc gia), mỗi phương thức một ngành khác nhau. Hai phương thức đầu đã trúng tuyển nhưng không thể học vì gia đình… không thích. Bây giờ, em phải chờ có kết quả xét tuyển dựa trên kỳ thi THPT quốc gia, dù điểm thi không cao so với ngành công nghệ thông tin đang rất “hot”. Khả năng trúng tuyển thấp.

Ông bạn tôi cũng đang đau đầu vì “mẹ con cãi nhau do không cùng chí hướng”. Con gái đã trúng tuyển vào ngành ngữ văn Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhưng mẹ thì nhất quyết bắt con gái phải chọn ngành báo chí. Con gái khóc lóc, “cuộc chiến” giữa hai mẹ con ngày càng căng thẳng và gia đình rơi vào… “chiến tranh lạnh”. 

Có người hỏi tôi hậu quả của mâu thuẫn trên sẽ dẫn đến điều gì? Trước hết là cha mẹ, con cái giận nhau. Xa hơn, nếu làm theo ý cha mẹ (không phải người học) thì trong suốt những năm ngồi trên giảng đường, xác suất sinh viên đó nhận quyết định buộc thôi học sẽ rất cao.

Khi học ngành không phù hợp, không yêu thích, sinh viên sẽ không cố gắng. Thi rớt môn, trả nợ môn không nổi, không tích lũy đủ tín chỉ… là những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều sinh viên đứt gánh giữa đường. Mỗi năm, các trường đại học đều buộc thôi học từ vài trăm đến cả ngàn sinh viên là chuyện thường. 

Có trường hợp sinh viên học ngành cơ khí, học kỳ nào cũng đóng tiền đầy đủ nhưng đi học vài ngày lại học không vô, chán nản. Trải qua bốn năm học, bây giờ mới đi đăng ký học lại ngành xã hội học. Có thể cha mẹ chưa hiểu, học trái ngành yêu thích rất tội cho sinh viên. Một là không học nổi phải bỏ giữa chừng. Hai là đeo đến ngày ra trường, đi làm cũng rất mệt mỏi, chủ yếu cố gượng trong công việc, khó phát triển sự nghiệp.

Do đó, khi có cơ hội tiếp xúc với phụ huynh, tư vấn cho thí sinh, tôi luôn nhắc: sở thích và năng lực của người học là yếu tố quan trọng nhất của việc chọn nghề. Ý chí và mong muốn của bất kỳ ai cũng phải xếp sau ý muốn của người học. 

Thạc sĩ Phùng Quán

(Trưởng phòng Thông tin Truyền thông Trường đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI