"Gia đình là nhân tố không thể thiếu trong sự trường tồn của dân tộc"

28/06/2021 - 17:15

PNO - Đây là khẳng định của bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - trong bối cảnh gia đình Việt đối diện với nhiều thách thức lớn.

 

Bà Hà ThịNga
Bà Hà Thị Nga nhấn mạnh, gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi có vấn đề mới xuất hiện như ly hôn, ngại sinh con, buông lỏng giáo dục...

Gia đình Việt đứng trước nhiều thách thức

Sáng 28/6, nằm trong chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia “Đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống: Vun đắp giá trị Gia đình Việt Nam - Nhận diện và Giải pháp”. 

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận kết quả nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về các giá trị gia đình Việt Nam, chỉ ra những giá trị gia đình cốt lõi, phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của phụ nữ...

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga chia sẻ, trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi có các vấn đề mới xuất hiện, gia đình truyền thống ngày càng thu hẹp, các quan hệ tự do, cởi mở về hôn nhân và gia đình xuất hiện. Ngoài tình trạng ly hôn, sống đơn thân, ngại sinh con, còn một số tình trạng khác như buông lỏng giáo dục gia đình, lối sống thực dụng, chạy theo vật chất chi phối thái độ, ứng xử các thành viên trong gia đình và xã hội... 

“Qua các thời kỳ phát triển, mặc dù cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn tồn tại và gia đình vẫn luôn là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự trường tồn của dân tộc và phát triển đất nước”, bà Hà Thị Nga nhấn mạnh và khẳng định xây dựng một hệ giá trị gia đình Việt Nam gồm tổng hòa giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp giữa truyền thống và hiện đại... là yêu cầu đặt ra khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. 

Những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã phát động các phong trào thi đua, cuộc vận động và tổ chức nhiều hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình. Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 đặt chương trình hành động nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Trước thềm Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm: xây dựng gia đình và vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam cùng với việc tiếp tục triển khai phong trào thi đua và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam”. Hội LHPN Việt Nam xác định giải pháp thực tiễn để vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới là trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và sứ mệnh của tổ chức Hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. 

4 giá trị của gia đình trong giai đoạn mới

Theo chuyên gia,
Theo chuyên gia, 4 giá trị của gia đình trong giai đoạn mới gồm: an toàn, thịnh vượng, trách nhiệm và bình đẳng giới

Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Gia đình và Giới cho rằng, sự phát triển của kỹ thuật số, cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội... ảnh hưởng rất lớn tới những giá trị của gia đình thời hiện đại. 

Cụ thể, việc bùng nổ các thiết bị thông minh khiến cá nhân dễ dàng đắm chìm trong thế giới vô tận ảo và giảm sút các giao tiếp trực tiếp trong gia đình, trong xã hội. Khả năng kết nối thực và ảo, tạo nên một thế giới phẳng khiến lối sống, cảm xúc, ứng xử, hệ giá trị của con người và đặc biệt là sự duy trì các quan hệ xã hội thực sự bị đảo lộn.

Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa bên cạnh những tác động tích cực còn mang đến nguy cơ tạo nên một thế hệ trẻ không cần tình yêu, thậm chí không cần cả tình dục, không cần gia đình, không cần con cái, đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại và bền vững của các quan hệ gia đình trong thế giới thực.

"Thực tế, một số quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hiện tượng nam giới hẹn hò và cưới robot tình dục hoặc một thế hệ trẻ đắm chìm trong thế giới công nghệ mà lảng tránh đời sống thực. Đây là một nét rất mới của bối cảnh chuyển đổi khiến cho cấu trúc của gia đình, dòng họ và mối quan hệ gia đình sẽ chịu ảnh hưởng", PGS.TS Trần Thị Minh Thi nói.

Trước thực tế này, bà Minh khuyến nghị có 4 giá trị gia đình quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn tới bao gồm: an toàn, thịnh vượng, trách nhiệm và bình đẳng giới.

Thứ nhất, về an toàn: gia đình trước hết và quan trọng nhất là môi trường sống lành mạnh, yêu thương, không có bạo lực, xâm hại, xao lãng... Gia đình đồng thời phải có khả năng phòng vệ, chống chịu trước những thách thức và rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, cũng như các tình huống bất ngờ.

Xu hướng người dân tự an sinh cho gia đình và bản thân khá phổ biến. Tuy nhiên, bà Minh vẫn đề xuất nhà nước có những chính sách an sinh trực tiếp cho các thành viên gia đình như trợ cấp xã hội, lương, việc làm, xóa đói giảm nghèo, giáo dục, y tế cần hoàn thiện, có tính bao phủ cao hơn.

Thứ hai là giá trị thịnh vượng: văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh khát vọng phát triển Việt Nam cường thịnh, thì xây dựng khát vọng thịnh vượng của gia đình là phù hợp với chiều hướng phát triển. Xây dựng gia đình Việt Nam thịnh vượng, cũng là đảm bảo thêm một lớp an sinh từ gia đình, tăng khả năng chống chịu rủi ro, an toàn cho gia đình.

Thứ ba là trách nhiệm: trách nhiệm của gia đình được thể hiện trong việc sinh con, chăm sóc các thành viên, giáo dục con cái và với cộng đồng, xã hội. Xây dựng gia đình trách nhiệm là điều kiện để xây dựng gia đình kiểu mẫu "ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau".

Thứ tư là bình đẳng giới: trong hôn nhân và gia đình, đã có những dấu hiệu đáng mừng đánh dấu sự thể hiện vai trò cùng làm chủ gia đình của người phụ nữ, bước đầu khẳng định sự tồn tại của bình đẳng giới trong gia đình, cho dù sự biến đổi này diễn ra chưa mạnh và đồng đều ở tất cả các loại hình công việc và các nhóm xã hội.

"Vì thế, hỗ trợ phụ nữ tự thoát khỏi các định kiến xã hội từ cộng đồng và từ chính bản thân về những khắt khe trong hành vi hôn nhân và gia đình, hướng phụ nữ tới những giá trị được tôn trọng, được hạnh phúc và tự thể hiện bản thân, đồng thời đóng góp tốt cho xã hội", Viện trưởng Viện Nghiên cứu về Gia đình và Giới khẳng định.

Huyền Anh - Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI