Ghép tên xã và huyện như phường Xuân Hương - Đà Lạt là quá dài

05/06/2025 - 15:14

PNO - Theo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, ghép tên xã và huyện thành tên xã mới như phường Xuân Hương - Đà Lạt, phường Cam Ly - Đà Lạt... là quá dài!

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: QH

Dôi dư hơn 4.200 trụ sở sau sáp nhập tỉnh

Chiều 5/6, tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp tỉnh năm 2025.

Chính phủ xây dựng 23 phương án sắp xếp đối với 52 ĐVHC cấp tỉnh để hình thành 23 ĐVHC cấp tỉnh mới. Sau sắp xếp, cả nước có 34 ĐVHC cấp tỉnh gồm 6 thành phố trực thuộc trung ương và 28 tỉnh.

Theo tổng hợp từ các địa phương, sau khi rà soát, tổng biên chế cán bộ, công chức, viên chức theo định mức được giao của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh thuộc 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp: 447.657 người (gồm: 2.321 cán bộ, 79.118 công chức, 366.218 viên chức).

Sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.

Tổng hợp theo số liệu báo cáo của các địa phương, tổng số trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp là 38.182 trụ sở; tiếp tục sử dụng 33.956 trụ sở. Như vậy còn dôi dư 4.226 trụ sở.

Trình bày tờ trình về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, cả nước hiện có 10.035 ĐVHC cấp xã. Trong đó, có 9.907 ĐVHC cấp xã thực hiện sắp xếp và 128 ĐVHC cấp xã (123 xã, 5 phường) không thực hiện sắp xếp.

Kết quả sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã năm 2025, cả nước còn tổng số 3.321 ĐVHC cấp xã, giảm 6.714 ĐVHC cấp xã (đạt tỷ lệ giảm 66,91%).

Theo tờ trình của Chính phủ, chuyển cơ bản biên chế cấp huyện hiện nay để sắp xếp, bố trí biên chế cho ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp. Trước mắt, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của ĐVHC cấp xã sau sắp xếp không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các ĐVHC cấp xã trước sắp xếp.

Hoạt động của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã kết thúc và thực hiện giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ.

Một số nơi vẫn "rối" đặt tên xã mới

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng - ảnh: QH
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: QH

Trình bày thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và tư pháp Hoàng Thanh Tùng đánh giá, đây là đợt sắp xếp ĐVHC ý nghĩa quan trọng và quy mô đặc biệt lớn, góp phần vào cuộc cách mạng chuyển đổi đất nước trong kỷ nguyên mới.

Qua rà soát, các phương án sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh do Chính phủ đề xuất đã bám sát và bảo đảm phù hợp với các chỉ đạo, định hướng của cấp có thẩm quyền, toàn bộ 23/23 ĐVHC cấp tỉnh hình thành sau sắp xếp đều bảo đảm các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định.

Về các phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp nhận thấy, phần lớn là các đơn vị cấp xã mới được hình thành trên cơ sở nhập từ 3 ĐVHC cấp xã trở lên (chiếm 65,44% tổng số phương án).

Tuy nhiên, có những phương án mặc dù đã sắp xếp 3 ĐVHC trở lên nhưng vẫn hình thành ĐVHC chưa đáp ứng 100% định hướng tiêu chuẩn cả về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Bên cạnh đó, có một số phương án sắp xếp chưa thật sự hợp lý nhưng trong Đề án không có nội dung lý giải hoặc chưa thống nhất giữa các địa phương khác nhau trong việc sắp xếp xã với phường để hình thành phường hoặc xã (phương án của tỉnh Hà Tĩnh, TPHCM).

Về tên gọi của các ĐVHC hình thành sau sắp xếp, phần lớn các ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp được giữ tên gọi của một trong các ĐVHC trước khi thực hiện sắp xếp hoặc sử dụng tên gọi của ĐVHC cấp huyện.

Có ĐVHC được sử dụng tên gọi mới gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa tại địa phương, một số đơn vị sử dụng tên gọi theo hướng lấy tên gọi của ĐVHC trước đây gắn với số thứ tự như hướng dẫn của Chính phủ.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp ghép tên xã kèm tên huyện hiện nay khiến tên gọi của ĐVHC bị kéo dài (ví dụ như phường Xuân Hương - Đà Lạt, phường Cam Ly - Đà Lạt...). Hoặc một số trường hợp đặt tên kèm số thứ tự nhưng cách thể hiện lại thiếu thống nhất ngay trong 1 tỉnh (ví dụ như đặt tên phường 1 Bảo Lộc, phường 2 Bảo Lộc trong khi xã Bảo Lâm 1, Bảo Lâm 2 ngay cùng trong tỉnh Lâm Đồng).

Cá biệt, có trường hợp thay đổi tên gọi ĐVHC nhưng không gắn với sắp xếp, điều chỉnh địa giới ĐVHC (như xã Bà Gia thuộc tỉnh Lâm Đồng) có thể làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính không cần thiết.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp vừa nhận được Tờ trình của UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị điều chỉnh tên gọi của 2 ĐVHC cấp xã dự kiến hình thành sau sắp xếp để đáp ứng nguyện vọng của đa số cử tri. Cụ thể, đổi tên xã Tân Thanh thành xã Hoàng Văn Thụ và đổi tên phường Hoàng Văn Thụ thành phường Kỳ Lừa.

Do đề nghị của UBND tỉnh Lạng Sơn khác với phương án nêu trong Đề án do Chính phủ trình ngày 9/5/2025 nên đề nghị Chính phủ thể hiện quan điểm về nội dung này để có cơ sở cho UBTVQH xem xét, quyết định.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI