Ghé quán bò bít tết để cảm nhận yêu thương

30/03/2014 - 20:47

PNO - PNO - Vừa được khai trương vào ngày 22/3/2014, quán bò bít tết mang tên Suối Nguồn Yêu Thương ngay từ đầu đã gây sự chú ý của khách và người dân tại đây bởi đội ngũ nhân viên là những người khuyết tật.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ghe quan bo bit tet de cam nhan yeu thuong

Nhân viên Bùi Thị Hải Yến. 

 Quán tọa lạc tại 384 Nguyễn Duy Trinh, P. Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM, phục vụ các món ăn mang đậm phong cách phương Tây trong một không gian rộng rãi thoáng mát.

Đội ngũ nhân viên quán là những người khuyết tật, hầu hết đến từ Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi tàn tật Thị Nghè (153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh) và các nhà dòng tại TP.HCM.

Quán nằm trong chuỗi hệ thống gồm 6 cửa hàng bít tết Việt do chị Hoàng Nam Phương, 34 tuổi, làm chủ.

Theo chị Phương, quán này mở ra chỉ nhằm tạo việc làm và nơi ăn ở ổn định cho các em khuyết tật. Mỗi tháng, các em được trả lương 3 - 4 triệu đồng, bao ăn ở.

Quán được đầu tư sửa sang lại từ căn nhà cấp 4, có diện tích 5,3 m x 40 m do chị Phương thuê. Quán được chia làm hai khu, phía trước được bố trí quầy chế biến thức ăn, bếp với 7 bộ bàn ghế cao, bên trong được bố trí 12 bộ bàn ghế, theo phong cách Nhật Bản. Phía sau được bố trí nhà ở cho các em với diện tích 4,8 m x 6m gồm 1 trệt 1 lầu.

Chị Phương cho biết, lúc đầu có ít khách, quán chỉ mới nhận 4 em khuyết tật từ 18 đến 28 tuổi làm nhân viên, được kèm cặp bởi hai nhân viên lành nghề khác. Các em tiếp xúc với khách còn nhút nhát, nhưng rất chăm chỉ. Từ bếp đến bàn ăn, sàn nhà… đều rất sạch sẽ, tinh tươm. Các món ăn tại đây: ốp la, bò né, bò bít tết, kem tự chọn… có giá từ 20.000 đến 45.000 đồng/suất. Các món ăn được chế biến từ thịt bò tươi, rau sạch… mua từ các công ty cung cấp thực phẩm có phiếu kiểm định chất lượng của cơ quan chức năng.

Nguyễn Văn Hải, 23 tuổi, nhân viên nướng bánh mì, làm rau, cho biết mình bị viêm cơ xương, hai chân teo tóp từ nhỏ. Quê Hải ở tận TP.Buôn Mê Thuột (tỉnh Đắk Lắk), học đến lớp 8 thì nghỉ. Hải kể, gia đình Hải nghèo lắm, nhiều khi không có thứ gì để ăn. Đang học lớp 8, Hải phải nghỉ học, chuyển qua học nghề điện cơ, làm tranh đá quý nhưng tay nghề còn yếu, tình trạng khuyết tật không cho phép Hải theo được nghề. Giờ đây Hải chỉ mong có nơi ăn chốn ở, công việc lâu dài để ổn định cuộc sống.

Trương Văn Trung, 29 tuổi, quê quán tỉnh An Giang, được chị Phương bố trí làm công việc ghi phiếu tính tiền, kể: bản thân bị bại liệt từ năm 4 tuổi, học đến lớp 4 thì phải nghỉ. Công việc ghi phiếu tính tiền cũng phải có người kèm vì nhiều khi tính lộn tiền cho khách.

Bùi Thị Hải Yến, 24 tuổi, học đến lớp 12 thì nghỉ học để phụ giúp cha mẹ vì gia cảnh quá khó khăn. Yến là chị cả trong gia đình có 3 chị em. Cha làm thợ hồ, mẹ nội trợ. Nhà nghèo nên Yến phải làm công nhân tại nhà máy gốm Mỹ Xuân (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Trong khi đang làm việc, Yến bị tai nạn lao động, cụt cánh tay trái, phải lắp cánh tay giả. Cô chỉ mơ công việc ở đây ổn định để có thể nuôi bản thân và phụ giúp gia đình.

Riêng Nguyễn Văn Khải Linh, 19 tuổi bị bệnh down, được chi Phương chỉ bảo từng ly từng tí, như đưa phiếu tính tiền cho khách bằng hai tay, và phải biết nói cảm ơn khi giao tiếp với khách,…Cha Linh làm thợ hồ, mẹ làm nghề giúp việc. Linh có 3 chị gái và một gia cảnh rất khó khăn. Gia đình đành gửi Linh vào trong nhà dòng (Nhà thờ Hiển Linh - cạnh cầu Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh) nhờ giúp đỡ.

Ghe quan bo bit tet de cam nhan yeu thuong

Nhân viên nướng bánh mì Nguyễn Văn Hải.

Chị Hoàng Nam Phương chia sẻ, do các em khuyết tật nên những món ăn ở đây cũng đơn giản, dễ làm. Được sự trợ giúp chỉ dẫn, các em cũng làm tốt công việc.

Đến nay, mỗi ngày quán có khoảng 30 đến 40 khách. Dù lượng khách chưa nhiều nhưng các em bước đầu đã có cơ hội tiếp xúc với công việc mới.
Chị Phương tâm sự: “Suối Nguồn Yêu Thương ra đời với mong muốn góp một bàn tay, một chút yêu thương nhằm bù đắp phần nào những thiệt thòi mà các em phải gánh chịu, cụ thể là giúp các em có được một mái nhà và một công việc ổn định. Tôi ước mong mô hình này được nhân rộng hơn, tạo điều kiện cho nhiều hoàn cảnh khác có được một cuộc sống ổn định hơn”.

Chị Phương hy vọng mỗi vị khách sau khi ghé quán sẽ cảm nghiệm được sự phục vụ chu đáo của những con người mong muốn vượt lên khỏi những giới hạn của thể xác. “Tôi tin rằng mỗi vị khách đến đây sẽ là một lời giới thiệu, một nhịp cầu nối liền ước mơ, tạo điều kiện cho các em tự tin hòa nhập với cuộc sống và thấy mình là người có ích”.

Do hoạt động với mục đích phi lợi nhuận nên toàn bộ tiền lời của quán sẽ được dùng gây quỹ “Suối nguồn yêu thương” do thầy Vincent Vũ Thái Hòa (dòng Thừa Sai - Máu Châu Báu Chúa Kitô) đảm trách. Mục đích của quỹ cũng nhằm nâng đỡ những người khuyết tật và neo đơn ở những nơi khác.

Nguyễn Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI