Gạo ST25 và chuyện dài về bảo hộ thương hiệu Việt

26/04/2021 - 07:39

PNO - Gạo ST25 hiện đang có nguy cơ mất thương hiệu tại thị trường Mỹ. Trong quá khứ, nhiều thương hiệu Việt nổi tiếng như Nước mắm Phú Quốc, Kẹo dừa Bến Tre, Cà phê Buôn Mê Thuột… cũng từng gặp tình cảnh tương tự. Sau mỗi sự vụ là một lần rút kinh nghiệm, nhưng việc các thương hiệu Việt bị nước ngoài chiếm giữ vẫn cứ tiếp diễn.

Thương hiệu Việt liên tục bị đánh cắp

Những năm 1998-2000, nhiều thương hiệu của Việt Nam liên tiếp bị các doanh nghiệp (DN) nước ngoài chiếm giữ bằng cách đăng ký bảo hộ quốc tế. Năm 1998, Kẹo dừa Bến Tre của bà Nguyễn Thị Tỏ (tức Hai Tỏ) bị Công ty Rừng dừa Trung Quốc làm nhái sản phẩm rồi đăng ký độc quyền nhãn hiệu Kẹo dừa Bến Tre tại Trung Quốc. Năm 2000, Cà phê Trung Nguyên bị Công ty Rice Field (Mỹ) đăng ký nhãn hiệu tại Mỹ và Tổ chức Bảo hộ trí tuệ thế giới (WIPO). Năm 1995, Vifon bị đối tác làm ăn là Công ty Kim Lân đăng ký nhãn hiệu tại châu Âu…

Gạo ST25 trong lần dự cuộc thi gạo ngon thế giới - Ảnh: Quốc Thái
Gạo ST25 trong lần dự cuộc thi gạo ngon thế giới - Ảnh: Quốc Thái

Tình trạng bị đánh cắp thương hiệu này được giải thích rằng, do thời điểm đó, Việt Nam chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nên các DN trong nước chưa có nhận thức cao về bảo hộ tài sản trí tuệ của mình. Nhưng, ngay cả khi Việt Nam trở thành thành viên WTO (năm 2007), danh sách các thương hiệu Việt bị chiếm đoạt ở nước ngoài vẫn không ngừng dài thêm. Thương hiệu Đức Thành của Vinamit bị đăng ký ở Trung Quốc năm 2007, Cà phê Buôn Mê Thuột bị chiếm giữ năm 2010, Nước mắm Phú Quốc bị đăng ký năm 2011… Chủ các thương hiệu này phải trải qua hành trình tốn kém và mệt mỏi để đòi lại thương hiệu của mình.

Trước khi rộ tin gạo ST25 bị bốn DN Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ, Phở Thìn 13 Lò Đúc (TP.Hà Nội) - một thương hiệu phở có tiếng hơn 40 năm của Việt Nam - cũng suýt bị Cơ quan Đăng ký sáng chế và nhãn hiệu Mỹ (USPTO) cấp chứng nhận độc quyền ở Mỹ cho một người Hàn Quốc là Kim In Jung. May là Công ty Sở hữu trí tuệ Bross & Partners đã phối hợp với một hãng luật về sở hữu trí tuệ của Mỹ thuyết phục thành công USPTO hủy bỏ quyết định cấp tại TTAB (một cơ quan về khiếu nại và xét xử nhãn hiệu thuộc USPTO). 

Luật sư Lê Quang Vinh - làm việc cho Bross & Partners, đơn vị thường xuyên phát hiện và đưa ra cảnh báo cho các DN Việt Nam về việc thương hiệu của họ đang bị chiếm đoạt - cho rằng, DN Việt vẫn còn chủ quan, lơ là về bản quyền thương hiệu. Việc đăng ký độc quyền thương hiệu ở nước ngoài không quá khó. Tại Mỹ, DN có thể chọn một trong hai cách đăng ký: có thể nộp đơn trực tiếp vào Mỹ thông qua một công ty luật của Mỹ (hay còn gọi là đăng ký quốc gia) hoặc nộp đơn gián tiếp vào Mỹ thông qua công ty luật tại Việt Nam, sử dụng hệ thống đăng ký toàn cầu (hệ thống Madrid) gồm 108 thành viên khắp 124 vùng lãnh thổ, trong đó có Mỹ (hay còn gọi là đăng ký quốc tế).

Ông Lê Trần Trường An - Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) - cho rằng, cả DN lẫn các cơ quan chức năng Việt Nam đều chưa thực sự coi trọng sở hữu trí tuệ, kể cả với những sản phẩm được xem là tài sản quốc gia. “Ở nhiều nước, thương hiệu nổi tiếng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để bảo vệ thương hiệu, hoặc được hỗ trợ để tăng tính cạnh tranh cho DN khi tham gia kinh doanh. Còn ở Việt Nam, vẫn còn tình trạng DN - đặc biệt là DN vừa và nhỏ - nghĩ rằng đó là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, trong khi cơ quan nhà nước lại cho rằng đó là trách nhiệm của DN” - ông An bày tỏ.

Thương hiệu dễ mất, khó đòi

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, bà Phước Tăng - Thư ký tổng hợp Công ty TNHH Sản xuất Kinh doanh tổng hợp Đông Á, nơi bà Phạm Thị Tỏ (Hai Tỏ) làm giám đốc - chia sẻ, hơn 20 năm sau vụ kiện đòi lại thương hiệu Kẹo dừa Bến Tre, bài học về những ngày theo đuổi vụ kiện giành lại bản quyền thương hiệu vẫn được nhắc đến như một phần quan trọng trong lịch sử phát triển của DN này.

Theo bà Phước Tăng, khi phát hiện thương hiệu bị chiếm đoạt ở Trung Quốc, DN gặp rất nhiều khó khăn về đi lại, sự khác biệt ngôn ngữ, luật pháp giữa hai nước. Ưu thế pháp lý lớn nhất lúc bấy giờ mà bà Hai Tỏ có được khi tham gia vụ kiện tại Trung Quốc là đã làm thủ tục xin phép chính quyền địa phương tỉnh Bến Tre sử dụng thương hiệu này như một chỉ dẫn địa lý trước khi đưa kẹo dừa xuất khẩu. Nhờ đó, bà đã thắng kiện. 

Bà Phước Tăng cho rằng, rất nhiều tên sản phẩm vốn là đặc sản địa phương, khi khai thác, kinh doanh, đưa hàng ra nước ngoài, các DN thường không chú ý đến việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Ngoài e ngại tốn kém kinh phí, các DN thường có tâm lý chờ thăm dò nhu cầu thị trường, xem có bán được hàng không. Tuy nhiên, khi đưa hàng vào các nước, đối tác, bạn hàng ở nước sở tại là bên mới nắm rõ triển vọng của sản phẩm và sẵn sàng “hớt tay trên” thương hiệu của DN Việt.

Luật sư Lê Quang Vinh cho rằng, để tránh những vụ việc tương tự, các DN Việt Nam nên chủ động kiểm tra thông tin trên hệ thống dữ liệu công khai về nhãn hiệu nộp ở nước ngoài và khẩn trương nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của mình, đặc biệt là ở thị trường Mỹ. Nhãn hiệu của DN Việt dù đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam cũng không phải mặc nhiên được bảo hộ ở Mỹ, trừ khi DN đã nộp đơn và được USPTO cấp chứng nhận.

Về vụ việc đang diễn ra với gạo ST25, theo luật sư Lê Quang Vinh, ông Hồ Quang Cua - người sáng chế giống lúa ST24, ST25 - vẫn còn cơ hội ngăn chặn việc chiếm đoạt thương hiệu gạo này ở Mỹ, do vụ việc đang ở giai đoạn đăng ký và chờ để được bảo hộ. DN tư nhân Hồ Quang Trí (tỉnh Sóc Trăng) - chủ sở hữu giống lúa ST25 - cần nhanh chóng nhờ các công ty luật có kinh nghiệm ở Mỹ tư vấn, hỗ trợ nộp đơn phản đối sau ngày 4/5/2021 hoặc trước ngày 3/6/2021 cho TTAB thuộc USPTO, đồng thời nên chủ động nộp đơn đăng ký nhãn hiệu sớm nhất có thể. DN tư nhân Hồ Quang Trí cũng nên nghiên cứu khả năng đăng ký bảo hộ giống lúa ST25 ở Mỹ với Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng của Mỹ trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (PVPO).

“Khi đã có định hướng xuất khẩu, mọi DN phải xây dựng chiến lược cho mình, trong đó có việc xây dựng, phát triển thị trường gắn với đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền độc quyền nhãn hiệu (thương hiệu) và quyền độc quyền đối với giống cây trồng” - luật sư Vinh khuyên. 

Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân bảo vệ thương hiệu

Mọi người có thể nghe chuyện Trung Quốc nhận kim chi - món ăn truyền thống của Hàn Quốc - là món ăn Trung Quốc. Tình huống tương tự cũng có thể đã và đang xảy ra với nhiều món ăn của Việt Nam. 

Những sản phẩm truyền thống có giá trị vô hình cực kỳ lớn, không thể tính bằng tiền. Còn rất nhiều sản phẩm mang giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống Việt Nam chưa được đăng ký bảo hộ thương hiệu. Vì vậy, sau khi xác lập năm kỷ lục thế giới đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực năm 2020, chúng tôi quyết định tiếp tục thiết lập các hồ sơ đề cử kỷ lục thế giới lần thứ hai để gửi đến Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) xác lập. Đề cử lần này là: Việt Nam - đất nước có nhiều món xôi, chè độc đáo, hấp dẫn nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều loại gia vị tự nhiên đặc sắc nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều món ăn vặt đường phố hấp dẫn và đa dạng nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều loại trái cây ngon và đa dạng nhất thế giới; Việt Nam - đất nước có nhiều món chay làm từ các nguyên liệu và gia vị tự nhiên tốt lành, đa dạng nhất thế giới. 

Việc công bố những món ăn ngon là một cách để chúng tôi đánh dấu việc người Việt sở hữu bản quyền những món ăn này với thế giới. Khi một tổ chức mang tầm thế giới công nhận món ăn, món đặc sản của một quốc gia thì đó như một sự ghi nhận trong dữ liệu sở hữu trí tuệ. 

Tôi nghĩ rằng, cơ quan nhà nước (có thể là Cục Sở hữu trí tuệ và Cục Xúc tiến thương mại) cần hỗ trợ DN, cá nhân bảo vệ được sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ của mình. 

Ông Lê Trần Trường An - Tổng Giám đốc Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings)

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI