Gánh cháo đậu đen nước cốt dừa 50 năm của má Để

15/09/2020 - 08:09

PNO - Gánh cháo đậu đen nước cốt dừa của cụ Phùng Thị Để tồn tại 50 năm ở khu vực đường Bình Tiên mà mọi người vẫn thường gọi là má. Cháo béo bùi xen lẫn vị mặn ngọt của dưa mắm, củ cải mặn được nhiều người chọn làm thức ăn lót dạ lúc sáng sớm.

Mới 7 giờ sáng, cụ Để đã phải vét cháo trong nồi bán cho những vị khách cuối cùng. Vài người đến trễ, nhìn nồi cháo hết veo, rời đi trong vẻ mặt tiếc nuối.

Lau mồ hôi, cụ Để cầm ly cà phê đen đá uống vội rồi thở mạnh. Ở tuổi 84, buôn bán đắt hàng cụ lấy làm vui nhưng cũng mệt không kém, dù có người con gái phụ giúp.

Được ăn phần cháo đậu đen nước cốt dừa của cụ, tôi cảm nhận đủ vị béo, mặn, ngọt, thanh tao dưới cái nắng ban mai len qua những dãy nhà phố.

Lần đầu tiên tôi được ăn món cháo đặc biệt và lạ lùng. Giữa đủ loại cháo cá, cháo lòng, cháo gà… cháo đậu đen nước cốt dừa có sự kết hợp ngộ nghĩnh nhưng lại hợp vị vô cùng.

Nước cốt dừa mằn mặn, ngọt nhẹ vốn quen thuộc trong các món chè, được chan khắp bề mặt tô cháo đậu đen. Hương thơm, vị béo hòa quyện vào nhau, kèm thêm chút dưa mắm, cải xá bấu… ăn muỗng nào, người thưởng thức phải gật gù tấm tắc khen muỗng đó.

 Hàng cháo của cụ Để rất đơn giản, mọi thứ được bày ra một chiếc bàn nhỏ. (Ảnh: Lâm Ngọc).
Hàng cháo của cụ Để rất đơn giản, mọi thứ được bày ra một chiếc bàn nhỏ.

Để có món cháo đậu đen nước cốt dừa đủ vị, cụ Để phải thức dậy từ 1h30 mỗi ngày. Cụ bắt tay vào nấu nồi cháo cho đủ lửa, đủ giờ trong vòng 2 tiếng rưỡi đồng hồ. Những yêu cầu ấy để đảm bảo cho nồi cháo không lỏng, không đặc, hạt đậu không nát, nguyên hình nhưng cắn vào vẫn mềm và bùi.

Nấu lâu nhưng cháo vẫn giữ được hương vị rất riêng của hạt gạo, đậu đen. Bí quyết nấu cháo đậu đen ngon và thơm nức mũi của cụ Để chỉ dựa vào cái tâm của người nấu.

“Nấu đúng độ lửa, đúng thời gian, không vội vàng, không làm cho có. Nấu bằng nguyên liệu tự nhiên, không thêm bất cứ phụ gia nào khác. Nấu bán cho khách như nấu cho con cháu ăn”, cụ Để chia sẻ.

Trong lúc ninh cháo, cụ Để chuẩn bị nước cốt dừa. Theo cụ, nước cốt dừa đóng vai trò “linh hồn” của món cháo.

Cháo ngon hay dở, đặc biệt hay bình thường đều nhờ nước cốt dừa đủ độ sánh, ngọt, mặn, béo. Đồng thời, nước cốt dừa dễ ôi thiu nên phải được nấu cận giờ bán mới đảm bảo ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài cháo đậu, nước cốt dừa, món xá bấu, dưa mắm ăn kèm của cụ Để cũng được thực khách mê tít.

 Cụ Phùng Thị Để nở nụ cười thật tươi khi trò chuyện với thực khách.
Cụ Phùng Thị Để nở nụ cười thật tươi khi trò chuyện với thực khách.

Trước khi bán cháo đậu, cụ Để từng buôn bán nhiều loại mặt hàng nhưng đều không đủ sống. Một lần, cụ đi mua cháo cho con ăn, thấy con ăn ngon miệng, cụ cũng nếm thử và mê luôn vị cháo đậu đen nước cốt dừa.

Từ đây, cụ nảy ra ý định học nghề và bán cháo để mưu sinh. Cháo đậu qua tay người thợ mới, bằng tâm và tay nghề khác nhau, hương vị cũng lạ hơn.

Ban đầu, cụ Để phải gánh cháo qua từng con đường, ngõ hẻm với lời rao “Cháo đậu đen nước cốt dừa đây!...”. Sáng tinh mơ, nghe tiếng rao, nhiều người bật dậy, lấy tô ra mua cháo.

Thấm thoát 50 năm, sức người còm cõi, cụ Để không đủ sức gánh cháo len lỏi giữa phố phường. Cụ xin người hàng xóm tốt bụng đặt gánh cháo trên vỉa hè đường Bình Tiên (quận 6, TPHCM).

Gánh không nổi, cụ nhờ con trai làm cho chiếc xe đẩy, kê nồi cháo, kéo ra vỉa hè rồi bày hàng ra bán.

Nhiều lúc khách đông, múc không xuể, cụ ráng làm luôn tay, đến khi khách vãn dần, cụ ứa nước mắt, than mệt với con gái.

Ấy vậy, các con kêu nghỉ ngơi, cụ lại không nỡ: “Tao nghỉ rồi, tụi nó kiếm cháo đậu ở đâu mà ăn”.

 Khách kéo chiếc ghế nhỏ, đặt chén cháo lên bàn, rồi múc từng muỗng cháo thưởng thức. (Ảnh: Lâm Ngọc).
Khách kéo chiếc ghế nhỏ, đặt chén cháo lên bàn, rồi múc từng muỗng cháo thưởng thức.

Tô cháo đủ vị mặn ngọt, còn lặng lẽ thấm nhuần giọt mồ hôi của cụ Để nhưng lại có giá rẻ rề. Cụ nói: “Ai mua bao nhiêu, tao bán bấy nhiêu, 5.000, 7.000, 10.000 cũng bán. Ai đói quá mà không có tiền, tao cho không”.

Bởi khách của cụ Để có đủ kiểu từ mấy ông bà già nhàn hạ đi tập thể dục buổi sáng, chị công nhân làm ca đêm, chú chạy xe ôm, em sinh viên nghèo… cho đến những khách vãng lai hiếu kỳ ăn thử.

Cách nói chân chất của cụ Để hệt khuôn của mấy ngoại Nam Bộ, hiền hậu, chân phương, pha chút hóm hỉnh, rất được lòng thực khách. Nhiều khách đến ăn cháo cũng tại thương “bà già” dễ mến, tận tụy.

Khi bán buôn mệt mỏi, cụ Để cũng dễ tủi thân, buồn bã. (Ảnh: Lâm Ngọc).
Khi bán buôn mệt mỏi, cụ Để cũng dễ tủi thân, buồn bã. Nhưng khi thấy khách ăn ngon miệng, cụ lại thấy vui.

Thoáng thấy vai áo ba bà của cụ Để bị sờn rách, tôi hỏi sao bán đắt mà mặc chi áo rách, cụ cười bẽn lẽn, phân bua: “Mặc bán có mấy tiếng đồng hồ, có sao đâu”.

Nhờ tính tình tiết kiệm, chăm chỉ, cụ Để bán cháo nuôi được 7 người con ăn học đàng hoàng. Nay các con được dựng vợ gả chồng, cụ vẫn không muốn “nghỉ hưu”.

Cụ nói: “Làm thì mệt nhưng không làm thì buồn. Tôi làm được, ăn được và cũng ngủ được luôn. Cứ 7 giờ tối, tôi nằm xuống là ngủ được ngay. Vui vẻ, bán buôn có chút tiền tự lo thang thuốc, không làm các con bận tâm”.

Bài và ảnh: Lâm Ngọc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI