Đừng để các dòng sông ngừng thở

12/09/2022 - 06:20

PNO - Việt Nam có mạng lưới sông ngòi khá dày với trên 200 con sông lớn nhỏ, phân bố trên khắp ba miền Bắc, Trung, Nam. Trong đó, 89 sông có dòng chảy liên tục và có chiều dài trên 10km.

Tổng lượng dòng chảy toàn quốc xấp xỉ 830 tỷ m3 nước/năm, riêng sông Mê Kông cung cấp khoảng 61% tổng lượng nước cho Việt Nam. 

Tổng lượng dòng chảy của các con sông nước ngoài chảy vào Việt Nam trung bình là 65%, riêng tổng lượng dòng chảy của sông Mê Kông chảy vào Việt Nam rất lớn, lên đến 90%. Điều này tạo nên một thách thức lớn trong việc chủ động quản lý và khai thác tài nguyên nước cho các tiểu vùng.

Môi trường nước tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận, số bệnh tật chủ yếu liên quan đến cung cấp nước và vệ sinh môi trường tăng từ 21 loại lên đến 37 trong vài thập niên vừa qua.

Việt Nam có hơn 70% dân số có sinh kế liên quan đến nông nghiệp và thủy sản. Những năm gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy tài nguyên nước ở Việt Nam đang bị suy thoái cả về số lượng lẫn chất lượng, có sự thay đổi động thái của dòng chảy theo mùa. 

Với mức độ gia tăng dân số và phát triển kinh tế hiện nay, nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sạch một số tháng trong năm ở Việt Nam đang và sẽ hiện hữu. Việt Nam chỉ có 6/16 lưu vực sông có đủ lượng nước, 8/16 lưu vực sông thiếu nước, 2/16 sông lớn (trong đó có Đồng Nai) đang khan hiếm nước. 5/16 lưu vực sông đã bị khai thác vượt ngưỡng khai thác an toàn môi sinh (30% tổng lượng nước đến), khoảng 9/16 lưu vực sông bị khai thác ở mức căng thẳng vừa (tức là gần đến ngưỡng an toàn) và chỉ có 3/16 lưu vực sông được khai thác ở mức căng thẳng thấp. 

Các kịch bản phát thải khí nhà kính đều cho thấy trong tương lai, nhiệt độ nhiều khu vực ở Việt Nam gia tăng dần khiến khô hạn nghiêm trọng hơn, lượng mưa thay đổi thất thường, sự phân bố lượng mưa theo tháng biến động khác với những quy luật nhiều năm trước, bão tố có hướng dịch chuyển xuống các tỉnh phía Nam và khó dự báo hơn. Hiện tượng nước biển dâng đe dọa không chỉ các tỉnh vùng ven biển mà còn liên quan đến các vùng nước trong nội địa vùng đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long và vùng duyên hải miền Trung. 

Cuộc sống cư dân ngày càng khó khăn hơn do thiếu nguồn nước sinh hoạt và sản xuất. Ngày càng nhiều người dân rời nông thôn đến thành thị để tìm sinh kế mới liên quan đến sự suy thoái tài nguyên nước cũng như các nguồn tài nguyên liên quan như đất, rừng, sinh vật. Đặc biệt, tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long bị đe dọa do các ảnh hưởng chưa lường hết được từ các công trình khai thác nguồn nước ở các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông. 

Tổ chức Hợp tác vì nước toàn cầu (Global Water Partnership, 2004) đã định nghĩa: “Quản lý tài nguyên nước tổng hợp là một quá trình thúc đẩy sự phối hợp phát triển và quản lý nguồn nước, đất đai và tài nguyên liên quan, nhằm tối đa hóa lợi ích kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng mà không phương hại đến tính bền vững của các hệ sinh thái thiết yếu”. Quản lý tài nguyên nước tổng hợp bao gồm cả quản lý rủi ro, kết hợp quản lý đất và nước, dự báo, giám sát và lập kế hoạch dự phòng nhằm giảm nhẹ các hệ quả nghiêm trọng lên kinh tế.

Điều cần thiết là chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng giải pháp quản lý tài nguyên nước đi liền với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc đầu tư kinh phí, hợp tác với các nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật, các tổ chức chính phủ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ. Trong đó, cần có quy định các tiêu chuẩn của phát triển xanh, có những giải pháp khoa học trong quản lý tổng hợp lưu vực sông. 

Hơn lúc nào hết, các nhà hoạch định chính sách và các nhà khoa học về tài nguyên - môi trường phải xác định lại việc đổi mới cơ chế quản lý nước hiện nay, đặt chúng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những mối đe dọa xuyên biên giới như một chiến lược nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.

Điều quan trọng nhất trong chiến lược bảo vệ tài nguyên nước nói chung và lưu vực sông nói riêng là phải có sự tham gia của cộng đồng như là những chủ nhân đích thực của nguồn tài nguyên quý giá này. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Anh Tuấn (Trường đại học Cần Thơ)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI