Đừng bắt trẻ phải thức khuya dậy sớm

26/10/2022 - 06:12

PNO - Sự phát triển về thể chất, tinh thần cũng như kết quả học tập của học sinh chắc chắn sẽ xấu đi nếu các em cứ triền miên thiếu ngủ.

Hình ảnh trẻ ngồi sau xe máy, vừa ôm mẹ vừa ngủ vật vờ hoặc vội vàng ăn ổ bánh mì trên đường đến trường không còn xa lạ ở các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội.

Nhà chị Xuân ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), để con kịp vào học lúc 7g sáng ở Q.10 gần bệnh viện nơi chị làm điều dưỡng, chị và con phải thức dậy lúc 5g và rời nhà lúc 5g30. Chị nói: “Phải đi giờ đó để tránh kẹt xe. Có hôm, đi trễ 5-10 phút, mẹ con phải loay hoay giữa dòng xe cộ và tôi phải chạy như bay cho kịp giờ bé vào học”.

Giống như chị Xuân, rất nhiều phụ huynh phải đưa con đến trường từ rất sớm. Trong khi đó, theo khuyến cáo của giới y học, trẻ cần ngủ 8-9 giờ mỗi ngày để phát triển tốt cả thể chất lẫn tinh thần.

Nhưng với những áp lực về giao thông hiện nay, chắc chắn nhiều trẻ khó ngủ đủ số giờ như khuyến cáo. Trẻ không ngủ đủ giờ mỗi tối còn do áp lực học hành. Để thức dậy lúc 5g, trẻ phải lên giường từ lúc 21g hôm trước. Với thực trạng phải học thêm, ôn bài, làm bài tập nhiều môn, trẻ thường phải đi ngủ muộn hơn. Thậm chí không ít gia đình quan niệm trẻ phải “thức khuya dậy sớm” mới học hành giỏi giang.

Trẻ ngủ trễ và dậy sớm không phải là chuyện mới, nhưng dường như chưa có giải pháp cải thiện. Những lý do để trẻ phải thức khuya, dậy sớm vẫn là để tránh kẹt xe, để người lớn kịp giờ làm, để nhà trường hoàn thành được chương trình học. Nghĩa là, không có lý do nào vì trẻ em.

Cũng phải nói thêm rằng, nhiều trẻ không đi ngủ sớm còn do những thói quen không tốt của người lớn như xem ti vi trễ, ôm điện thoại lướt mạng xã hội… Đó chính là “tấm gương” thức khuya để trẻ bắt chước. 
Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra nhiều hệ lụy khi trẻ không được ngủ đủ giờ. Theo nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí uy tín The Lancet Child & Adolescent Health hồi tháng 8/2022, trẻ ở độ tuổi tiểu học thường xuyên ngủ ít hơn chín giờ mỗi tối có thể gặp những vấn đề về nhận thức và tinh thần như trầm cảm, lo lắng, khó nhớ, khó giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định.

Đáng lưu ý, khi chụp vỏ não của những trẻ ngủ ít giờ, người ta nhận thấy, não của chúng ít chất xám hơn và một số vùng não cũng nhỏ hơn so với trẻ ngủ đủ giờ. Kết quả này được ghi nhận từ đầu cuộc nghiên cứu và vẫn tồn tại sau hai năm nghiên cứu.

Ở Mỹ - các nhà khoa học từng yêu cầu cho trẻ đến trường muộn hơn để chúng ngủ đủ giấc. Mới đây, Viện hàn lâm Bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics) đã gọi việc thiếu ngủ ở trẻ là một vấn đề sức khỏe công cộng và khuyến cáo các lớp THPT không được bắt đầu trước 8g30.

Mùa thu này, California trở thành bang đầu tiên của Mỹ buộc các trường công lập không được bắt đầu giờ học trước 8g30 nhằm giúp trẻ có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn, cải thiện kết quả học tập, giảm nguy cơ chấn thương và tai nạn xe cộ.

Ở các đô thị lớn của nước ta, để trẻ không phải đi học quá sớm, rất cần sự thảo luận của nhiều phía như nhà quản lý, nhà trường, chuyên gia y tế… Từ đó, đưa ra phương án hợp lý nhất cho vấn đề này, tránh tình trạng đưa ra giải pháp chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của người lớn và vẫn để trẻ em thiệt thòi.

Phụ huynh cũng phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Họ phải là tấm gương cho trẻ về lối sống khoa học và đừng gây áp lực học hành lên trẻ. Để tăng thời gian ngủ cho trẻ, phụ huynh phải xem việc trẻ ngủ đủ giờ là ưu tiên hàng đầu, để từ đó giải quyết hết mọi việc vào ban ngày, tập cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ và tắt ti vi, điện thoại một giờ trước khi ngủ.

Sự phát triển về thể chất, tinh thần cũng như kết quả học tập của học sinh chắc chắn sẽ xấu đi nếu các em cứ triền miên thiếu ngủ.

Bình Yên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI