Đục thủy tinh thể: mổ xong mắt mờ hơn?

04/09/2016 - 15:25

PNO - Ai rồi cũng sẽ bị đục thủy tinh thể, chỉ có điều là tình trạng này xảy ra sớm hay muộn. Để tránh nguy cơ thủy tinh thể đục sớm, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh.

ThS-BS Lê Minh Trường - khoa Mắt (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) khuyến cáo, không phải trường hợp nào dục thủy tinh thể cũng nên  mổ. Bệnh nhân cần tìm hiểu, nắm rõ thông tin về các nguy cơ trước, trong và sau khi phẫu thuật để việc điều trị đạt kết quả mong muốn.

Tiền mất, mắt mờ hơn

Rất nhiều người than phiền sau khi mổ đục thủy tinh thể (TTT) mắt ngày càng kém. Cụ ông Trần Văn Hùng, 79 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM là một trong những bệnh nhân tới BV Chợ Rẫy TP.HCM khám vì các vấn đề phát sinh của đôi mắt sau khi điều trị đục TTT. Cụ Hùng kể: “Tôi mổ đục TTT ở một bệnh viện tư. Chi phí hết khoảng hơn chục triệu. Sau khi mổ mắt có nhìn rõ hơn nhưng chỉ được một thời gian ngắn. Hai tháng sau mắt tôi bắt đầu mờ đi, hay chảy nước mắt. Con mắt trái giờ gần như không nhìn thấy gì, chỉ lờ mờ”.

 Không riêng cụ Hùng, trường hợp cụ bà Nguyễn Thị Dầu, 69 tuổi, ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM cũng tương tự. Bà Dầu mổ đục TTT mắt phải từ năm 2014. Đến nay mắt của bà còn mờ hơn trước. “Tôi quay lại khám ở bệnh viện mình từng mổ mắt, họ bảo phải chiếu laser. Không yên tâm nên các con đưa tôi qua BV Chợ Rẫy khám lại để xem hai bệnh viện có kết luận giống nhau không. Nếu phải điều trị laser, tôi vẫn ái ngại vì sợ cũng chỉ qua một thời gian mắt lại mờ. Trước khi mổ mắt, tuy nhìn hơi mờ và bị chói nhưng tôi vẫn làm được các việc nhà như khâu vá, nhặt rau. Giờ thì chịu, mắt vừa mờ, vừa mỏi”, bà Dầu chia sẻ.

Bệnh đục TTT là hiện tượng xảy ra như một tiến trình lão hóa của cơ thể. TTT nằm trong nhãn cầu và phía sau đồng tử của mắt, có chức năng tham gia vào quá trình điều tiết mắt. Tính chất của TTT trong suốt, không có mạch máu, thần kinh. Nếu cấu trúc của TTT bị thay đổi thì tùy vị trí đục mà thị lực bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng ở từng mức độ khác nhau.

Duc thuy tinh the: mo xong mat mo hon?
BS Trường đang khám cho một trường hợp vừa mổ đục thủy tinh thể

Nhu cầu điều trị đục TTT trong cộng đồng rất cao. Mỗi tuần, BV Chợ Rẫy TP.HCM mổ cho khoảng 90 - 100 ca đục TTT. Đa phần bệnh nhân trên 65 tuổi. BS Lê Minh Trường cho biết, mỗi tuần ông trực tiếp mổ từ 30 - 40 ca đục TTT. Rất nhiều nguyên nhân làm đẩy nhanh quá trình đục TTT như: tia xạ (nhân viên làm việc trong môi trường chụp chiếu X-quang, CT, MRI, hay nông dân thường xuyên lao động ngoài trời là đối tượng dễ mắc bệnh), dinh dưỡng không đầy đủ (thiếu đạm và vitamin B, C…), chấn thương…

Khi nào cần mổ đục thủy tinh thể

 Các bệnh nhân đục TTT khi tới khám thường than phiền vì dấu hiệu mắt nhìn mờ, chói sáng. Nếu vị trí đục ở chính giữa TTT (nằm ngay trên đường trục ánh sáng) thì thị lực của bệnh nhân giảm rất nhiều. Khi ra nắng, đồng tử có cơ chế co lại để bảo vệ mắt khiến người bệnh không nhìn thấy gì. Tình trạng này sẽ thuyên giảm lúc bệnh nhân vào trong bóng mát. TTT bị đục ở phần rìa sẽ ít ảnh hưởng tới thị lực của mắt hơn.

 Mức độ nặng nhẹ của bệnh đục TTT được phân biệt theo nhận biết sáng tối và thị lực của bệnh nhân. Nếu thị lực 1/10 gọi là quá kém, từ 1/10 - 3/10 kém nhưng vẫn cho phép sinh hoạt được, 4/10 - 5/10 có thể sinh hoạt bình thường… Điều trị đục TTT bao giờ cũng có hai hướng: dùng thuốc trước, sau đó không đáp ứng mới can thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân chủ yếu được cho thuốc bổ mắt, hỗ trợ thị lực và dinh dưỡng để bổ sung protein, vitamin B, C.

Việc quyết định có mổ đục TTT hay không còn tùy thuộc vào từng mức độ bệnh và hoàn cảnh công việc. “Có những người thị lực ở ngưỡng 6/10 - 7/10 nhưng chúng tôi khuyên mổ vì tính chất công việc của họ yêu cầu mắt tinh tường (phi công, tài xế…). Ở nhóm người lớn tuổi có thể thị lực thấp hơn (khoảng 3/10 - 5/10) nhưng chúng tôi lại tư vấn nên chờ thêm. Bởi ở độ tuổi này mức thị lực như thế vẫn có thể chấp nhận, đủ để sinh hoạt bình thường. Người cao tuổi chỉ nên can thiệp ngoại khoa khi bệnh ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống”, BS Trường nói.

Các cuộc phẫu thuật bao giờ cũng có tỷ lệ biến chứng nhất định và phẫu thuật mổ đục TTT cũng vậy. Trước khi mổ, do gây tê bệnh nhân có nguy cơ bị xuất huyết, thủng nhãn cầu, co thắt mạch máu. Trong khi mổ các nguy cơ có thể xảy ra là rách bao TTT, rách mống mắt, chảy máu tiền phòng, không đặt được kính… Tiếp đến, giai đoạn sau mổ đục TTT, bệnh nhân cũng phải đối mặt với khả năng bị nhiễm trùng nội nhãn, viêm phù hoặc bong giác mạc, tăng nhãn áp, xẹp tiền phòng. Dấu hiệu khó chịu nhẹ hơn sau mổ có thể là mắt mờ, xốn cộm.

"Sửa sai"

Hiện nay có hai phương pháp chủ yếu mổ đục TTT: mổ Phaco (dùng sóng siêu âm để tán nhân rồi hút ra bằng máy) và mổ cơ học. Mổ Phaco có ưu điểm tỷ lệ biến chứng thấp, ít gây tổn thương, vết mổ chỉ khoảng 2 - 3mm trên giác mạc, không cần khâu nên không để lại sẹo, ít bị loạn thị. Với các phương pháp mổ cổ điển còn lại, phẫu thuật viên phải mở một đường từ 10 - 12mm trên giác mạc, vết khâu nhiều, biến chứng rất lớn.

 Trước tình trạng nhiều bệnh nhân phản ánh sau khi mổ đục TTT mắt của họ chỉ cải thiện được một thời gian (ba tháng, một năm, ba năm) rồi ngày càng mờ đi, BS Trường cho biết, điều này rất dễ hiểu và có thể khắc phục được. Ta cần biết rằng, TTT được bọc bởi một lớp bao. Dưới lớp bao này có một lớp tế bào. Nhiều trường hợp phẫu thuật lấy đi một phần ở trong bao, qua một thời gian các tế bào này sẽ phát triển trở lại và che lấp bao sau TTT, gây ra mờ mắt. Hiện tượng mờ mắt sau mổ hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách bắn laser bao sau. Bệnh nhân chỉ cần bắn laser một lần duy nhất để diệt hết phần tế bào này.

Ai rồi cũng sẽ bị đục TTT, chỉ có điều là tình trạng này xảy ra sớm hay muộn. Để tránh nguy cơ TTT đục sớm, cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, sinh hoạt lành mạnh. Khi cảm thấy mắt kém, có các dấu hiệu bất thường hãy đi khám chuyên khoa ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI