Du học sinh Việt ở Hàn Quốc: Ở lại cũng lo, về cũng sợ

26/02/2020 - 08:02

PNO - Covid-19 bùng phát đột ngột tại Hàn Quốc khiến nhiều du học sinh Việt Nam trở tay không kịp. Nhiều bạn muốn về Việt Nam nhưng không thể.

Hiện nay, một số thành phố đã ra thông báo tự động gia hạn thời gian lưu trú cho du học sinh từ ngày 24/2 đến 29/4/2020.

Muốn về cũng không được  

Đang ở giữa tâm dịch Daegu, Kiều Linh (quê ở tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Ai cũng khuyên tôi về Việt Nam để tránh dịch. Nhưng bây giờ muốn về cũng không được”. Bởi Kiều Linh vừa tới Hàn Quốc được mười ngày, cùng với ba bạn chung phòng đều mới qua, chưa kịp làm thủ tục nhập học, chưa có giấy chứng minh dành cho người nước ngoài nên không về được. Mấy ngày qua, các bạn chỉ biết ở yên trong nhà và… chờ đợi.

Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc tích trữ thực phẩm, hạn chế đi lại để vượt qua đại dịch
Du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc tích trữ thực phẩm, hạn chế đi lại để vượt qua đại dịch

Trường cao đẳng nơi Linh sẽ nhập học đã thông báo cho du học sinh lên trường làm giấy chứng minh, nhưng chưa kịp làm thì nhà trường hoãn lại vì dịch bệnh. Nhà trường dự kiến giữa tháng Ba mới có lịch nhập học mới.

Hiện Linh và các bạn thường xuyên cập nhật tin tức dịch bệnh qua báo đài. Hôm kia, nghe sẽ có lệnh phong tỏa nên các bạn đã ra ngoài mua ít lương thực, thực phẩm dự trữ. Linh nói: “Tôi và các bạn có mang khẩu trang, thuốc, thức ăn từ Việt Nam qua nên có thể cầm cự được. Nhưng không biết diễn biến dịch thế nào, kéo dài bao lâu. Nếu còn lâu mới được đi học, đi làm thêm thì phải nhờ cha mẹ gửi tiền qua để sinh sống”.

Bạn Huỳnh Như, đang học tại Seoul, nơi chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh nhưng cũng được người nhà gọi điện khuyên về Việt Nam tránh dịch. Tuy nhiên, Như chưa quyết định vội bởi: “tiền học phí đã đóng, hợp đồng thuê nhà còn hơn tháng nữa mới hết hạn, giờ về là mất cọc. Tiền lương làm thêm thì hai tuần nữa mới được nhận. Với lại, công việc của tôi ở đây vẫn bình thường nên tôi ở lại đi làm. Nếu dịch bùng phát ở Seoul thì tôi sẽ… bỏ của chạy”.

Theo Như, hiện nay khá nhiều du học sinh Việt Nam làm thêm ở các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng tiện lợi… bị mất việc vì chủ đóng cửa. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các bạn vì chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào công việc làm thêm này. 

Về lại sợ nhiễm chéo

Cục Hợp tác quốc tế Bộ GD-ĐT cho biết, số lưu học sinh Việt Nam hiện đang học đại học, sau đại học ở Hàn Quốc khoảng 14.000 người. Số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy, lưu học sinh Việt Nam tại thành phố Daegu khoảng 500 người; tại tỉnh Gyeongbuk (bao gồm cả hạt/huyện Cheongdo) khoảng trên 1.400 người. Tổng cộng số lưu học sinh Việt Nam tại vùng ổ dịch (thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk) là trên 1.900 người. Cục Hợp tác quốc tế cũng lưu ý các lưu học sinh về việc Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã mở đường dây nóng bảo hộ công dân trực 24/24, sẵn sàng tiến hành các biện pháp hỗ trợ và bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

“Giờ về Việt Nam sẽ bị cách ly hai tuần, rồi trên máy bay cũng như thời gian cách ly lỡ tiếp xúc với người bệnh thì cũng khổ. Đang khỏe mạnh, tự nhiên trốn chạy rồi trở thành người bệnh thì oan lắm”, Thùy Trang, du học sinh ở Seoul, cho biết.

Mỗi ngày, Thùy Trang cập nhật tin tức hai lần, mỗi lần đều thấy số người nhiễm tăng thêm cả 100 nên rất lo lắng. Trang nói: “Người nhà ở Việt Nam ngày nào cũng gọi điện thoại hỏi thăm tình hình và khuyên nên về Việt Nam trốn dịch. Nhưng tôi không về đâu, về bị cách ly hai tuần cũng vậy à. Bây giờ, tôi hạn chế tới chỗ đông người, tự bảo vệ mình. Nếu dịch có bùng phát thì ở trong nhà trốn dịch thôi”.

Cùng chung suy nghĩ, bạn Minh Trang, đang học ở Seoul chia sẻ: “Hiện nay, trường tôi đang theo học mới chỉ thông báo dời lịch khai giảng tới ngày 16/3 nên vẫn phải chờ. Khi dịch mới bùng phát ở Hàn Quốc thì du học sinh Việt Nam rất lo lắng. Ba mẹ gọi điện qua liên tục. Nhưng bây giờ thấy Seoul vẫn ổn nên chúng tôi vẫn ở lại.

Thực sự, nếu Seoul cũng bị như Daegu thì tôi sẽ nghỉ làm thêm, ở trong nhà để trốn dịch. Mẹ tôi nói có gì thì mẹ gửi tiền qua, đóng cửa trốn dịch tránh lây nhiễm cho bản thân. Chứ bây giờ mà về thì sợ bị nhiễm chéo trong khi di chuyển và cách ly. Rồi ảnh hưởng cả gia đình ở Việt Nam”. 

Mai Trúc

Phí Minh Anh, du học sinh tại Đại học Daegu (thành phố Gyeongsan, tỉnh Bắc Gyeongsang): 
Tích trữ thực phẩm để sống qua đại dịch 

Những ngày này, khẩu trang và nước rửa tay tại các siêu thị gần khu mình sống đã hết sạch, còn trên mạng thì giá tăng rất nhanh. Thời điểm sau tết Nguyên đán, tôi có gọi điện về nói chuyện với cha mẹ ở Việt Nam. Cha mẹ dặn dịch bệnh đang rất căng thẳng, đi đâu mọi người đều đeo khẩu trang, dùng nước rửa tay và hạn chế ra ngoài. Nhưng thời điểm đó, trong khu tôi học mọi người vẫn rất dửng dưng, đi tàu điện ngầm vẫn còn nhiều người chưa đeo khẩu trang. Và tình hình đến bây giờ thì chắc ai cũng rõ rồi. 

Hai ngày qua, cha mẹ ở Việt Nam liên tục gọi điện muốn tôi về nước, dù bị cách ly 14 ngày để kiểm tra sức khỏe cũng được, miễn là về. Nhưng có lẽ tôi sẽ không về. Hiện tôi đã mua rất nhiều thực phẩm tích trữ và tự tin có thể sống qua đại dịch này. Khi tôi nói như vậy, cha mẹ đã gọi điện cho anh chị họ đang sinh sống tại thành phố Seoul và mong muốn tôi đến đó tá túc để tránh dịch Covid-19 nhưng tôi cũng ngại đến ở nhờ vì mình sợ dịch bệnh bao nhiêu họ cũng sợ bấy nhiêu nên không muốn anh chị bị khó xử.

Con số những người nhiễm Covid-19 đang tăng lên không ngừng. Tôi mong Hàn Quốc nhanh chóng vượt qua đại dịch này dù trong lòng cũng bất an.

Anh Nguyễn Đăng Khiêm, phụ huynh có con đang học ngành kỹ sư năng lượng hóa học tại Đại học Quốc gia Incheon (Hàn Quốc): 

Chỉ mong con về

Khi chính phủ Hàn Quốc nâng mức báo động đối với dịch Covid-19 tại nước này lên mức cao nhất, sau khi phát hiện thêm hàng trăm ca nhiễm mới thì thực sự vợ chồng tôi như ngồi trên đống lửa.

Nhà tôi chỉ có duy nhất đứa con trai, chúng tôi sợ nhất là không may cháu nhiễm Covid-19. Tuy chỗ con trai tôi ở cách trung tâm thành phố Daegu - tâm dịch Hàn Quốc khá xa, nhưng vợ chồng tôi ngày đêm vẫn mong cháu sớm trở lại Việt Nam. Giá vé máy bay đắt cũng được, về Việt Nam bị cách ly cũng được, cháu học chậm một năm nữa cũng được, miễn sao cháu về ngay. Vợ chồng tôi gọi và giục cháu mua vé về, nhưng thằng bé vẫn chưa quyết về hay ở vì nó nói bạn học của nó ở lại rất nhiều. Tôi mong Hàn Quốc sẽ sớm vượt qua cơn đại dịch khủng khiếp này để phụ huynh yên tâm.

Đại Minh (ghi)

Hàn Quốc có ca tử vong thứ 10 vì COVID-19, Bộ Giáo dục khuyên du học sinh nghỉ một học kỳ

Theo thông báo chiều 25/2 từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), quốc gia này đã có ca tử vong thứ 10 do COVID-19 và 144 trường hợp được xác nhận mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 977. Trong khi đó, số sinh viên Trung Quốc theo học tại các trường đại học Hàn Quốc đang trở lại với số lượng ngày càng tăng trong tuần này, trước khi bắt đầu học kỳ mùa xuân, khiến các cơ quan y tế địa phương và lãnh đạo nhà trường rơi vào tình trạng cảnh giác cao.

Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết, có 70.979 sinh viên Trung Quốc đang học tập tại Hàn Quốc, với 32.591 sinh viên hiện đang ở Hàn Quốc và 38.388 sinh viên vẫn ở Trung Quốc sau kỳ nghỉ đông. Do đó hôm 23/2, hãng tin Yonhap dẫn lời Bộ Giáo dục, đề nghị số sinh viên Trung Quốc chưa đặt chuyến bay đến nước này nên tạm dừng việc học trong học kỳ này. Để giảm tác động của việc nghỉ học, bộ có kế hoạch khuyến khích các trường đại học Hàn Quốc ký thỏa thuận về việc công nhận tín chỉ cho sinh viên Trung Quốc dựa trên các khóa học trực tuyến từ các trường đại học khác, cho phép họ hoàn thành tín chỉ khi ở Trung Quốc. 

Ở phương diện khác, ba trường đại học hàng đầu Singapore là Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Quản lý Singapore (SMU) đã đình chỉ tất cả các chương trình trao đổi sinh viên sang Hàn Quốc vì lý do bùng phát dịch COVID-19.

Ngọc Hạ (theo Yonhap, CNA, CGTN)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI