Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM: Nếu quyết định đi học lại vào ngày 2/3 thì phải căn cứ vào tình hình dịch ngày 27 hoặc 28/2

25/02/2020 - 22:54

PNO - Sau khi phân tích về dịch tễ học, PGS.TS. Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM khẳng định việc đi học sẽ vẫn an toàn cho trẻ, nếu hệ thống giám sát tốt.

Chiều 25/2, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TPHCM, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị chuyên gia y tế phải làm rõ học sinh đi học có nên đeo khẩu trang và có ngăn được dịch bệnh COVID-19 không.

PGS.TS. Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở phía Nam - sau khi phân tích về dịch tễ học đã khẳng định việc đi học vẫn an toàn cho trẻ.

Trong một thống kê trên 1.000 trường hợp mắc bệnh COVID-19, tỷ lệ người dưới 20 tuổi chiếm 2%. Các trường hợp này hầu như bệnh rất nhẹ và vẫn chưa giải thích được. Trong các trường hợp bị lây nhiễm ở trường học (ngoài Trung Quốc), chỉ có 2 học sinh ở một trường học tại Nhật Bản.

PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố chiều 25/2
PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố chiều 25/2

Trong khi đó, hệ thống giám sát bệnh COVID-19 ở phía Nam, từ phát hiện sớm, chẩn đoán – điều trị nhanh đến cách ly, quản lý ca bệnh, quản lý người tiếp xúc gần với bệnh nhân… đều thực hiện rất triệt để, không có trường hợp nào lây sang cho nhân viên y tế.

Nếu hệ thống giám sát tốt, sẽ tạo ra môi trường thực sự an toàn. Khi đó, việc cho các em đến trường vẫn an toàn vì có hệ thống giám sát tại trường học.

Về việc có nên cho học sinh mang khẩu trang y tế khi đi học, PGS.TS. Phan Trọng Lân nói nên tùy thuộc phụ huynh vì nếu đã thực hiện giám sát dịch bệnh tốt, học sinh không nhất thiết mang khẩu trang đi học. Việc đeo khẩu trang y tế chỉ cần thiết với người bị bệnh để khỏi lây cho người khác; với nhân viên y tế khi chăm bệnh; với người tiếp xúc gần với người bệnh hoặc nghi bệnh.

Tuy nhiên, về thời điểm bắt đầu nhập học, PGS.TS. Phan Trọng Lân cho rằng chỉ nên quyết định dựa vào tình hình dịch bệnh tại thời điểm đó. Chẳng hạn, nếu ra quyết định vào ngày 2/3 thì phải căn cứ vào tình hình dịch của ngày 27 hoặc 28/2.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong về thông tin thời gian ủ bệnh của virus corona gây bệnh COVID-19 kéo dài đến 27 ngày, PGS.TS. Phan Trọng Lân cho rằng: “Thống kê cho thấy thời gian ủ bệnh từ 3,8 – 9,7 ngày chiếm tỷ lệ 95% các trường hợp mắc bệnh COVID-19. Thời gian ủ bệnh 27 ngày là cá biệt, cần có thêm những thống kê. Hiện nay, cả WHO và CDC Hoa Kỳ đều chọn đều thời gian ủ bệnh là 14 ngày.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI