Đơn hàng vài trăm ngàn đồng cũng có thể mua trả góp

14/03/2024 - 06:10

PNO - Trước tình hình sức mua nhìn chung yếu, dịch vụ bán trả góp từ việc chỉ tập trung vào những món hàng trị giá từ vài triệu đồng trở lên nay đã mở rộng sang cả những đơn hàng có giá trị nhỏ.

Trả góp 6 kỳ cho đơn hàng 341.000 đồng 

Khi thanh toán các đơn hàng đặt mua trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee, chị Uyên (quận 3, TPHCM) thấy có thêm tính năng “mua trước trả sau”. Tìm hiểu, chị mới biết đây là dịch vụ liên kết giữa Shopee với Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank), cho phép người mua hàng trên Shopee nhận khoản tiền ứng trước của TPBank với hạn mức từ 3-10 triệu đồng để mua sắm. 

“Tôi có thể dùng hạn mức được cấp để mua hàng trên sàn và trả dần trong 12 tháng, lãi suất 0%, phí chuyển đổi trả góp khoảng 2,95%/kỳ. Tôi mua đơn hàng 341.000 đồng, chọn trả góp trong 6 kỳ thì mỗi tháng thanh toán 66.930 đồng (tổng phí cả 6 kỳ khoảng hơn 60.000 đồng). Trước đây, dịch vụ mua hàng trả góp chỉ áp dụng với các sản phẩm có giá cao như hàng điện tử, điện lạnh. Việc trả góp cho những đơn hàng vài trăm ngàn đồng khá hữu ích lúc mình khó khăn về tài chính” - chị Uyên nói. 

Một ứng dụng mua trước trả sau trên điện thoại di động thông minh cho phép người tiêu dùng có thể mua hàng trả góp trên sàn thương mại điện tử với đơn hàng trị giá chỉ vài trăm ngàn đồng
Một ứng dụng mua trước trả sau trên điện thoại di động thông minh cho phép người tiêu dùng có thể mua hàng trả góp trên sàn thương mại điện tử với đơn hàng trị giá chỉ vài trăm ngàn đồng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các sàn TMĐT như Tiki, Lazada cũng phối hợp với các công ty tài chính triển khai dịch vụ mua trước trả sau và chuyển đổi trả góp 0% đến 12 tháng để chia nhỏ số tiền thanh toán… Các dịch vụ gọi xe, giao hàng, đặt đồ ăn, đi chợ online trên các ứng dụng (app) cũng được tích hợp hình thức mua trước trả sau theo dạng góp trong 1-12 tháng. Đó là do các ví điện tử “bắt tay” với các ứng dụng gọi xe công nghệ Grab, Gojek triển khai tính năng trả sau như một hình thức cho vay tiêu dùng. 

Nhiều ngân hàng đang dùng tính năng trả sau của các ví điện tử làm hình thức cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn với ví trả sau của MoMo do TPBank cấp, ví trả sau của ZaloPay do ngân hàng CIMB Việt Nam cấp, ví trả sau của Viettel Money do Công ty Tài chính FeCredit cấp. Hầu hết ví trả sau cấp hạn mức từ 3-10 triệu đồng, lãi suất 0% trong 45 ngày. Khi đặt đồ ăn, đi chợ online với tổng tiền từ 300.000 đồng trở lên, người dùng có thể chọn trả góp thành nhiều kỳ với phí chuyển đổi trả góp 9%/3 tháng, 18%/6 tháng. Ví trả sau còn hỗ trợ người dùng thanh toán tiền mua hàng ở mọi cửa hàng, siêu thị, sàn TMĐT, thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại di động.

Người tiêu dùng cũng có thể chọn hình thức mua trước trả sau thông qua các app hỗ trợ. Chẳng hạn app Movi phối hợp với Công ty Tài chính HDSaison cho phép khách hàng ứng tiền nhanh để mua sắm sản phẩm công nghệ, làm đẹp, nhu yếu phẩm ở các siêu thị rồi chuyển đổi trả góp trong 45 ngày. Điểm khác biệt của các ứng dụng này là khoản tiền ứng lên đến 50 triệu đồng, người ứng phải chịu lãi suất khoảng 3,3%/tháng. 

Có thể mất tiền nếu dùng sai mục đích 

Theo đại diện Shopee, trước đây, sàn này đã cho phép mua hàng trả góp thông qua hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng nhưng các đơn hàng trả góp phải từ 3 triệu đồng trở lên. Gần đây, sàn áp dụng hình thức trả góp với những đơn hàng có trị giá nhỏ để giúp người mua giảm áp lực thanh toán, tăng khả năng chi tiêu. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - nguyên giảng viên Học viện Tài chính - nhận xét: các ví trả sau cho phép chuyển đổi trả góp cung cấp một khoản tín dụng nhỏ (từ 3-10 triệu đồng) nên thường xét duyệt tự động và rất nhanh, giúp người tiêu dùng dễ tiếp cận hơn so với các hình thức vay tiêu dùng bằng tiền mặt hoặc thông qua thẻ tín dụng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập bị sụt giảm thì các dịch vụ mua trước trả sau này khá hữu ích, tương đối phù hợp để kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp bán được hàng dễ hơn. Dịch vụ này đã thịnh hành ở các nước phát triển từ rất lâu, gần đây mới được áp dụng ở Việt Nam. Khi dùng dịch vụ này, nếu thanh toán không đúng hạn, người dùng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm từ 1,2 - 4% trên tổng dư nợ. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên mạng xã hội Facebook, có một số cá nhân làm dịch vụ hỗ trợ rút tiền từ ví trả sau, các ứng dụng với mức phí 4 - 5%. Dịch vụ này nhắm vào những người sử dụng dịch vụ “mua trước trả sau” sai mục đích, tức là không dùng ví, app để thanh toán đơn hàng mà rút tiền thông qua hình thức mua hàng khống (quét mã để thanh toán hàng nhưng lại lấy tiền mặt). Đã có không ít người mượn danh dịch vụ này để lừa đảo.

Chị P.H. (quận Bình Tân, TPHCM) kể, do cần tiền mặt nên chị đã nhờ dịch vụ trên Facebook rút 5 triệu đồng trong ví trả sau MoMo với phí rút 4%. Dịch vụ này đã gửi cho chị mã QR để thanh toán hàng hóa, hứa sẽ chuyển cho chị 4,8 triệu đồng, nhưng sau khi chị quét mã thanh toán hàng thì đối tượng làm dịch vụ chiếm đoạt tiền, chặn liên lạc.

Đại diện ví điện tử MoMo cho biết, một số đối tượng xấu đã tạo các hội, nhóm trên Facebook hoặc Zalo để mời chào khách hàng rút tiền mặt, đáo hạn ví trả sau với lãi suất thấp. Nếu tin vào các đối tượng này, khách hàng bị mất phí rút cao hoặc bị chiếm đoạt số tiền cần rút, bị lộ thông tin cá nhân nếu nhấp vào các đường dẫn (link) thanh toán do đối tượng xấu cung cấp. 

Theo ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena - khi đối tượng lừa đảo gửi link thanh toán, sẽ xảy ra 2 kịch bản: một là đường dẫn chứa mã độc để đánh cắp thông tin trên thiết bị của người dùng, hai là đường dẫn này chuyển đến một trang web giả mạo có giao diện đăng nhập giống với ứng dụng của ngân hàng, ví điện tử, người dùng bị chiếm tài khoản khi đăng nhập và bị mất tiền.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI