Dời tiếp 6 tuyến xe khách liên tỉnh đi phía Bắc cuối cùng vào bến xe Miền Đông mới

15/06/2023 - 08:35

PNO - 6 tuyến xe khách liên tỉnh đi các tỉnh phía Bắc cuối cùng, có lộ trình QL14 từ bến xe Miền Đông sẽ được dời vào bến xe Miền Đông mới.

Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (SAMCO) vừa có văn bản báo cáo UBND TP về việc di dời các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định đi miền Trung, miền Bắc có hành trình theo QL14 từ bến xe Miền Đông ra Bến xe Miền Đông mới.

SAMCO cho biết việc di dời các tuyến vận tải hành khách liên tinh tuyến cố định từ bến xe Miền Đông hiện hữu ra bến xe Miền Đông mới nhằm đảm bảo sự ổn định trong công tác tổ chức hoạt động vận tải hành khách tại các bến xe trong thành phố và sự cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị vận tải theo chỉ đạo của UBND TPHCM.

Theo đó, trong giai đoạn 3 sẽ tổ chức phương án di dời tiếp 6 tuyến xe khách cố định trên ra bến xe Miền Đông mới. 6 tuyến này gồm có 4 tuyến đi miền Trung (Bình Định, Phú Yên) và 2 tuyến đi miền Bắc (Thái Nguyên, Tuyên Quang). Các tuyến này có 12 đơn vị vận tải với tổng cộng 72 xe khách. Thời gian di dời từ quý II/2023. 

Đến nay, SAMCO đã tổ chức 2 giai đoạn di dời các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định đi miền Trung, miền Bắc có hành trình lưu thông trên QL1 từ bến xe Miền Đông hiệu hữu ra Bến xe Miền Đông mới với 79 tuyến.

Lần mới nhất là ngày 11/10/2022, công ty đã phối hợp Sở Sở GTVT TP thực hiện di dời nhưng vẫn duy trì hoạt động các tuyến đi miền Trung, miền Bắc có hành trình QL14.

Phía SAMCO cho rằng trong thời gian vừa qua, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán 2023, Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30/4 và 1/5 một số phương tiện đã lợi dụng việc duy trì hành trình QL14 nhưng hoạt động sai hành trình, không đi QL14 mà đi QL1 ngang qua bến xe Miền Đông mới để đi về bến xe Miền Đông và khu vực các bãi đậu xe, cây xăng, bãi xe Thành Công,... dọc QL13 từ ngã tư Bình Phước đến bến xe Miền Đông để đón, trả khách.

Thậm chí, các nhà xe còn hẹn khách ngay phía trước bến xe Miền Đông mới gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông.

6 tuyến xe khách liên tỉnh đi các tỉnh Miền Trung, Miền Bắc có lộ trình di chuyển trên quốc lộ 14
6 tuyến xe khách liên tỉnh đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc có lộ trình di chuyển trên QL14 sẽ được di dời ra bến xe Miền Đông mới hoạt động trong quý II/2023

Bến xe Miền Đông mới nằm trên địa bàn TP Thủ Đức (quận 9 cũ) là một quần thể phức hợp, bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích, tổng diện tích trên 16 ha, mặt tiền nằm bên QL1 và tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Tháng 10/2020, dự án đưa vào khai thác giai đoạn 1 với mức đầu tư gần 700 tỷ đồng. Trong giai đoạn hai, dự án sẽ hoàn thiện khu phức hợp để đưa công trình trở thành bến xe liên tỉnh phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến, ngày cao điểm lễ/tết lên đến 52.000 hành khách với hơn 1.800 lượt xe xuất bến.

Hồi đầu tháng 3/2023, Sở GTVT TPHCM cho biết lượng khách tại bến xe Miền Đông mới chưa đạt tới 50% công suất. Số lượng các xe tuyến liên tỉnh hoạt động còn khiêm tốn, không như kỳ vọng.

Sở GTVT cho biết sau khi di dời giai đoạn 2, một số đơn vị vận tải thuộc các tuyến di dời giai đoạn 2 đã giảm chuyến hoặc ngừng khai thác do ít khách tại bến. Tình trạng xe khách đón trả khách không đúng quy định có chiều hướng gia tăng, chủ yếu trên địa bàn quận Bình Thạnh, quận 1 và TP Thủ Đức do một số đơn vị vận tải hoạt động đón trả khách ngoài bến xe.

Cụ thể, ngay khi có thông tin về việc di dời 79 tuyến xe khách đến bến xe Miền Đông mới (giai đoạn 2), một số đơn vị đã chuyển sang các bến xe khác trong TP. Có đơn vị điều chỉnh hoạt động từ vận tải hành khách tuyến cố định sang vận chuyển khách theo hợp đồng để có thể vào khu vực trung tâm TP chở khách.

Từ đầu năm nay, Sở GTVT đã tổ chức vành đai hạn chế xe khách giường nằm vào nội đô từ 22-6g để giải quyết tình trạng xe khách liên tỉnh "bỏ bến" để hoạt động kiểu xe dù bến cóc, hoạt động sai lộ trình.

Tình hình giao thông ở các tuyến vành đai, khu vực nội đô đã ổn định hơn trước. Tuy nhiên, Sở GTVT nhận thấy việc điều chỉnh tổ chức giao thông đối với xe giường nằm đã phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Cụ thể là tình trạng xe khách giường nằm thường xuyên dừng, đậu xe trên các tuyến hành lang, vành đai để đón trả khách. Một số bãi xe trái phép (bến cóc) phát sinh tại các tuyến đường hành lang và vành đai.

Để giải quyết triệt để tình trạng trên, Sở GTVT TPHCM đề xuất điều chỉnh thời gian cấm xe khách giường nằm đi vào nội đô 24/24h. Khu vực được giới hạn bởi vành đai các tuyến đường QL1 - Nguyễn Văn Linh - Võ Chí Công - Nguyễn Thị Định - Đồng Văn Cống - Mai Chí Thọ - Xa lộ Hà Nội - QL1.

Sở sẽ kiến nghị cho phép các xe khách giường nằm chạy tuyến cố định liên tỉnh tại bến xe Miền Tây được phép chạy không hạn chế thời gian trên hành trình chạy xe đã được chấp thuận. Sau khi được TP chấp thuận, các tuyến đường thuộc hành trình tuyến ra vào bến xe Miền Tây sẽ được lắp đặt biển báo.

Triệu Nguyên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI