DN Trung Quốc mua gì, dân tận diệt thứ đó

17/04/2014 - 20:59

PNO - PNO - Tại hai huyện An Lão, Hoài Nhơn (Bình Định) hàng trăm hộ dân đổ xô nhổ cây cà gai leo, đốn cây rừng, hái lá trầu về bán cho thương lái nhập qua Trung Quốc.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau tết Nguyên Đán 2014, trên địa bàn hai huyện An Lão, Hoài Nhơn bắt đầu xuất hiện một số điểm thu mua cà gai leo (cây cà quánh) và lá trầu. Mới đầu, giá cà gai leo được mua với giá 5.000đ/kg, đến thời điểm này khi cà gai leo khan hiếm mà lượng mua ồ ạt thì giá đẩy lên 7.000đ/kg cây tươi.

DN Trung Quoc mua gi, dan tan diet thu do
Người dân nhổ cà gai leo ồ ạt để bán cho thương lái Trung Quốc

Anh Nguyễn Văn Sinh, trú ở thôn Phú Thuận, xã Ân Đức (Hoài Ân) nói: “Mấy tháng nay tôi kiếm được gần chục triệu đồng từ cây cà gai leo. Lúc đầu ít người biết nên mỗi ngày đi nhổ cà gai leo rất nhiều, trung bình cũng được 50 - 60kg/ngày. Bây giờ, lượng người đi nhổ cà gai leo đông quá, làm cả ngày chỉ nhổ được 20kg trở lại”.

Có mặt tại điểm thu mua cà gai leo của bà Võ Thị T. (dưới chân cầu Bồng Sơn, TT Bồng Sơn, Hoài Nhơn) vào đầu giờ chiều, tại đây nhộn nhịp cảnh bán mua. Theo lời bà T, điểm mua cà gai leo của bà hình thành là do bạn hàng ở Sài Gòn đặt hàng nhập qua Trung Quốc. Từ sau tết Nguyên Đán đến nay, mặt hàng này đang “hút” nên bạn hàng mua dồn dập, dân ở đây cũng đi lùng cà gai leo ngày càng nhiều rồi về bán. Mỗi ngày, bà T. thu mua 1,5 đến 2 tấn cà gai leo chế biến phơi khô mà vẫn không đủ cung ứng.

Bán mua nhộn nhịp, nhưng hỏi việc thu mua cà gai leo để làm gì, cả chủ lẫn khách đều lắc đầu. Chị Võ Thị Thu Chí (35 tuổi), ở thôn Văn Cang, xã Hoài Đức (Hoài Nhơn), người làm công tại điểm thu mua cà gai leo của bà T, nói: “Băm 1 tấn cà gai leo được trả công 600 ngàn; phơi khô, dồn bao 300 ngàn đồng/tấn, khoảng 4kg cà gai leo tươi phơi ra được 1kg khô. Điểm thu mua này trung bình 1 tháng chuyển vào TP HCM từ 8 đến 10 tấn cà gai leo khô, tương đương với 40 tấn cây xanh”.

Đối với nhiều người dân, dù mù mờ thông tin về cà gai leo, nhưng đây là mối kiếm tiền khi nông nhàn, họ không ngần ngại triệt tận gốc cây cà này. Ông Nguyễn Hồng Tấn, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn, bày tỏ lo ngại: “Việc người dân các địa phương lân cận khai thác cây cà gai leo bán cho thương lái diễn ra trong thời gian qua là hiện tượng bất bình thường. Chúng tôi muốn ngăn chặn nhưng về mặt pháp lý, đây là lâm sản phụ, chưa có chế tài xử phạt nên không thể xử lý”.

Trong khi đó, tại địa bàn huyện An Lão, lá trầu được thương lái Trung Quốc và bạn hàng lùng mua ráo riết. Tại các xã An Quang, An Hòa và An Hưng (An Lão), việc mua bán trầu diễn ra rầm rộ. Giá trầu từ 5.000đ/kg ban đầu, tăng dần và có lúc lên tới 45.000đ/kg. Giá cao, người dân không ngại vét hết dây trầu ở nhà vẫn không đủ bán. Dân tràn cả vào những cánh rừng tìm lá trầu.

Chị Đinh Thị Lai ở thôn 4, xã An Quang (An Lão), cho biết: “Bỗng dưng giàu lên nhờ trầu nên các gia đình ở đây có dây trầu đều bán hết. Hết trầu vườn, họ tìm vào rừng hái. Nhà mình không trồng trầu, trước giờ cũng không đi hái lá trầu nhưng thấy giá cao quá nên cũng theo mọi người đi hái”.
Còn anh Tư Lợt ở thôn 3 (xã An Quang) lại nói: “Mình đi làm rẫy khổ cực mà không có tiền, nhiều người hái lá trầu bán tiền rủng rỉnh, nên mình vào rừng tìm trầu thôi. Việc nương rẫy để đó cũng chẳng sao, chứ trầu không hái người khác hái hết”.

Theo người dân địa phương, chỉ những lá trầu vàng úa là thương lái không mua, còn lại mua từ lá non đến lá già, từ loại lớn đến loại nhỏ. Vào khoảng 16 giờ chiều hàng ngày, một nhóm cả người Việt và người Trung Quốc lái xe tải đến điểm thu mua các xã An Hòa, An Quang... mua toàn bộ lá trầu tập kết được. Sau khi giao dịch, khoảng 21 giờ cùng ngày, số lá trầu kia được vận chuyển đi thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn), sau đó đi đâu không ai biết.

Việc thương lái thu mua các loại nông, lâm sản trên địa bàn An Lão nhập qua Trung Quốc không còn chuyện lạ. Những năm trước, thương lái tìm mua cau, quế... sau thời gian mua, nhiều đại lý ứ hàng vì thị trường Trung Quốc đóng cửa. Nay tiếp tục rầm rộ chuyện mua trầu. “Điều đáng quan ngại là khi trầu trong những vườn nhà đã hết, người dân đổ xô vào rừng tìm hái. Dây trầu bò trên những cây rừng to, họ không trèo lên được nên đốn cả cây để hái trầu. Đây là mối lo cho những cánh rừng trên địa bàn”, Trưởng phòng NN huyện An Lão, Nguyễn Văn Linh cho biết.

Ở Bình Định, chuyện thương lái Trung Quốc từng săn lùng những gốc ngâu trăm tuổi (thôn Diêm Tiêu, TT Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) cách đây 2 năm để lại hậu quả nhãn tiền. Những năm gần đây, ở Diêm Tiêu không còn những mùa ngâu sai hoa nở rộ như trước.

THU DỊU 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI