Những hậu phương lặng thầm, bền bỉ - Bài 2:

Dìu nhau qua nguy khốn

11/08/2021 - 06:30

PNO - Trong tháng Bảy, có thời điểm 12/34 phường thuộc TP.Thủ Đức bị phong tỏa vì dịch COVID-19. Giữa bộn bề khó khăn, nhiều chủ nhà trọ đã chọn cách “lá rách đùm lá nát”, đưa tay dìu những người lao động đang khốn đốn vượt qua những ngày gian nguy.

Trồng rau cho cả khu trọ

Gần hai tháng qua, vườn rau của bà Phùng Thị Trung, 70 tuổi, ở khu phố 3, P.Tam Bình, TP.Thủ Đức (TP.HCM) là nguồn lương thực chính cho cả khu trọ của gia đình. Từ ngày 18 - 29/7, P.Tam Bình bị phong tỏa hoàn toàn. Những vạt rau muống, thùng xốp cải xanh, tần dày lá, bạc hà và giàn đậu biếc, bầu, bí… của bà trở nên “quý hơn vàng” đối với anh chị em công nhân, người lao động ở trọ. Vì có ca F0 (đã được đưa đi điều trị), khu trọ bị giăng dây, ở trong hai vòng phong tỏa, mỗi ngày bà Trung lại cắt một ít rau đặt ngoài cổng, mọi người chủ động chia nhau, phòng nào cũng có. Vài anh chị ngày thường đi phụ hồ, bán mành sáo trúc, tiền làm ra bữa nào xài bữa đó, giờ dịch bệnh kéo dài không gượng được, bà gửi thông tin nhờ Hội LHPN phường giúp thực phẩm, làm hồ sơ hưởng trợ cấp. Riêng mình, bà tỉ mẩn chăm thiệt kỹ mảnh vườn để nguồn rau không bị hụt. 

Hội LHPN phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức mở tủ bánh mì miễn phí cho người dân gặp khó khăn trong dịch COVID-19 ẢNH: MẪN NHI
Hội LHPN phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức mở tủ bánh mì miễn phí cho người dân gặp khó khăn trong dịch COVID-19 ẢNH: Mẫn Nhi

Khu trọ có tám phòng với diện tích dao động 14 - 20m2/phòng, vợ chồng bà Trung vay vốn xây hồi năm 2000. Cho đến nay, giá thuê vẫn chỉ dao động ở mức 700.000 - 1.000.000đ/phòng/tháng. Từ đầu 2020, dịch COVID-19 hoành hành, thương cảnh công nhân và anh em lao động tự do gặp nhiều khó khăn, bà mua gạo, mì tôm về chia cho họ. Đến mùa hè này, dịch bùng phát dữ dội, bà thông báo giảm 300.000đ/phòng/tháng. Tương tự năm ngoái, nhiều người nợ tiền thuê phòng đến mấy tháng liền, bà vẫn vui vẻ gật đầu, dặn giữ gìn sức khỏe, còn người thì còn của, chuyện tiền nong để tính sau. Bà Tư Hái (Nguyễn Thị Hái), 64 tuổi, quê ở Đồng Tháp, lên TP.HCM ở trọ khu này đã hơn mười năm. Ba cô con gái của bà đều đã lập gia đình, đời sống chật vật. Bà Hái kể: “Thuê phòng trọ chỗ chị Trung, chúng tôi được đỡ đần rất nhiều. Mấy năm nay, chị Trung cho mặt bằng trước cửa, tặng các loại rau nhà trồng để tôi mở tiệm bán cơm, đồ ăn vặt. Chồng tôi làm thợ điện, thời gian này ảnh ở lại luôn công trường. Vì dịch bệnh, bán buôn phải ngưng hết, may có chị Trung cho rau, gạo, mắm, chúng tôi không sợ đói”.

A Phùng Thị Trung vun vén khu vườn để chia sẻ rau củ cho mọi người
Bà Phùng Thị Trung vun vén khu vườn để chia sẻ rau củ cho mọi người

Ngoài chăm bẵm vườn rau và khu trọ đầy ắp nghĩa tình này, bà Trung còn trồng nhiều loại cây kiểng, đan khăn choàng, áo, mũ và túi đựng điện thoại bằng len, bán thì ít mà cho thì nhiều. Bà có bốn cô con gái, người tham gia công tác Hội Phụ nữ, người đi dạy, buôn bán, làm công nhân. Bà nói: “Các con khỏe mạnh, có công việc ổn định vầy là mừng. Tụi nó tự lo được cho bản thân rồi. Ngoài kia có bao nhiêu cảnh éo le, tôi còn sức là còn cố gắng sẻ chia với mọi người”. Có lẽ, bởi tâm nguyện như vậy mà chẳng riêng gì thời điểm dịch bệnh, bà luôn sẵn lòng tiếp sức nhiều gia đình có người đau bệnh bằng những khoản tiền trợ cấp hằng tháng. Mỗi lần Hội Phụ nữ địa phương có chương trình hỗ trợ quà, học bổng cho phụ nữ, trẻ em nghèo, bà luôn xung phong đóng góp. 

Ân cần sẻ chia

Gần 11g ngày 4/8, chị Lê Thị Nga, 44 tuổi, ở khu phố 7, P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức mới có thời gian ngồi nghỉ mệt sau cả buổi sáng chạy đi mua thực phẩm, hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm. Bộ đồ bảo hộ bít bùng khiến cả người nóng ngộp và mệt lả, nhưng khi đọc tin nhắn của một bạn sinh viên tên Định, quê Bình Định, đang thuê trọ tại P.Tăng Nhơn Phú A: “Hồi nãy, cháu đã nhận được quà. Cháu và mẹ Hạnh cảm ơn cô chú nhiều lắm”, chị lại bật dậy, tất bật gói ghém những thứ mình có như vỉ trứng gà, vài bó rau cho khu trọ của gia đình và nhiều khu khác trên địa bàn. 

Vợ chồng chị Nga có cửa hàng bán đồ gia dụng tại chợ Tăng Nhơn Phú A và một khu trọ 24 phòng khang trang mới xây hồi năm 2020. Người dân ở đây chủ yếu là người đang làm việc tại Khu Công nghệ cao, hoặc buôn bán tự do, sống theo nhóm hai đến ba người một phòng, giá thuê dao động 3,8 - 4,2 triệu đồng/phòng/tháng. Dù phải vay ngân hàng xây khu trọ, nhưng khi dịch COVID-19 bùng phát hồi năm ngoái, chị đã giảm 50% tiền thuê cho mỗi phòng trong hai tháng trước và sau tết Nguyên đán Tân Sửu. Đến tháng Sáu vừa qua, chị lại tiếp tục giảm 50% tiền trọ, đồng thời mua rau củ quả tiếp sức anh chị em. “Thiệt ra, gia đình tôi cũng bộn bề, bốn đứa con gái, bé nhỏ nhất mới học lớp Một. Cửa hàng đã đóng hai tháng nay rồi. Vợ chồng tôi bảo nhau, lúc này mình có chén cơm thì sớt nửa, sớt 2/3 ra chia sẻ, chớ no bụng một mình đâu có đành lòng. Chúng tôi giảm giá ba tháng nay và sẽ duy trì cho tới khi thành phố đẩy lùi dịch COVID-19”, chị Nga bộc bạch.   

Chị Lê Thị Nga đi chợ giúp dân trong những ngày giãn cách vì dịch COVID-19
Chị Lê Thị Nga đi chợ giúp dân trong những ngày giãn cách vì dịch COVID-19

Bỏ lại phía sau việc bán buôn ngày thường, hiện nay chị Nga là thành viên đội tình nguyện đi chợ giúp dân do Hội LHPN P.Tăng Nhơn Phú A thành lập. Chị giữ điện thoại kè kè bên mình, đọc và phản hồi tin nhắn, ghi chú những món đồ bà con trong các khu vực bị phong tỏa cần mua để hoàn thành nhanh nhất. Biết có nhiều cụ già neo đơn, những anh chị đã thất nghiệp mấy tháng không có tiền gửi đi chợ, chị chủ động nhắn tin riêng, dặn cần gì cứ báo, trong khả năng chị sẽ giúp. Bình thường, cứ sau khi đóng cửa quán lúc chín giờ tối, vợ chồng chị lại chạy xe rảo quanh TP.HCM, Bình Dương với hành trang là những túi bánh mì ngọt, phong bì từ vài chục đến một trăm ngàn trao tận tay các cụ già, người lang thang. Bây giờ dịch bệnh căng thẳng không đi được, vợ chồng chị chuẩn bị sẵn 50 - 100 thùng mì, nửa tấn gạo trong nhà, gặp cảnh ngặt nghèo là tiếp tế ngay. Nhắc tới nữ chủ nhà trọ nhiệt huyết này, chị Nguyễn Thị Ánh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN P.Tăng Nhơn Phú A - xúc động: “Vợ chồng chị Nga luôn âm thầm làm việc nghĩa vì mọi người. Hằng năm, vào dịp rằm tháng Tư và tết Nguyên đán, anh chị thường dành nhiều phần quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn. Khi dịch COVID-19 bùng phát, vợ chồng chị lại ân cần hỏi thăm cán bộ Hội địa phương coi có thể phụ giúp gì là xung phong ngay. Thời điểm này, anh chị đang tích cực hỗ trợ các hoạt động của Hội liên quan đến công tác phân phối thực phẩm, gói ghém quà tiếp sức anh em ở các chốt trực”. 

Bà Nguyễn Thị Lê theo dõi tin tức trên báo và tin nhắn của mọi người mỗi ngày để có hướng giúp đỡ kịp thời
Bà Nguyễn Thị Lê theo dõi tin tức trên báo và tin nhắn của mọi người mỗi ngày để có hướng giúp đỡ kịp thời

Tương tự bà Trung, chị Nga, bà Nguyễn Thị Lê, 63 tuổi, ở P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức cũng dành hết tâm sức hỗ trợ người thuê trọ lẫn bà con khó khăn quanh mình. Mấy hôm nay, khu nhà bà ở bị phong tỏa, mọi chuyện trò đều phải thông qua điện thoại, nhưng không vì thế mà sự sẻ chia bị ngưng trệ. Bà có 48 phòng trọ rải rác tại P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức và hai thành phố Dĩ An, Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương, giá cho thuê dao động từ 800.000 - 1.200.000đ/phòng/tháng. Trọ chỗ bà hầu hết là công nhân, giáo viên mầm non, sống thành gia đình. Mấy tuần nay, nhiều anh chị trụ lại nhà máy, một số khác ở miền Trung đã được các địa phương hỗ trợ đưa về quê. Trước ngày về, chị Thúy - một cô giáo mầm non quê ở Nghệ An - rụt rè: “Cô ơi, con nợ tiền trọ mà giờ không còn đủ đóng”, bà Lê dịu giọng trấn an: “Bây về quê nhớ bảo trọng, đồ đạc cứ để đó mai mốt vô lại thì ở. Tau có hỏi tiền bạc đâu mà lo con”. Không thể ra ngoài, bà chuyển tiền nhờ người mua thực phẩm tặng công nhân các khu trọ của mình lẫn những khu trọ khác, hễ nghe đâu cần là bà lên tiếng. Nhiều em bé đang phải cui cút một mình trong phòng vì ba mẹ đi cách ly, hoặc ở lại nhà máy, nên ngày nào bà cũng nhắn tin, gọi điện dặn dò, động viên người lớn bảo bọc các cháu, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, cùng dìu nhau qua đoạn trường tai ương. Bà Lê tâm tình: “Từ cuối tháng Sáu, thông báo giảm 200.000đ/phòng/tháng, tôi vẫn áy náy vì thấy ít, các cháu giờ chật vật quá lấy tiền đâu đóng. Như bên P.Linh Xuân 18 phòng mà tháng Bảy có chín phòng đóng được thôi. Tôi tính giảm thêm cho các cháu, 500.000đ/phòng/tháng, chừng nào hết dịch rồi tính”.  

Mẫn Nhi

(còn nữa).

\Từ đầu đợt dịch COVID-19 thứ tư, Hội LHPN TP.HCM và Hội Phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em chia sẻ khó khăn với người thuê thông qua việc giảm giá, tặng nhu yếu phẩm, khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn… Đến nay, các cấp Hội đã vận động các câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ giảm giá phòng trọ từ 20 - 50% cho công nhân lao động bị mất việc làm, và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Kết quả, có hơn 1.200 nữ chủ nhà trọ giảm giá cho hơn 12.300 phòng trọ (số tiền giảm từ 100.000đ đến 500.000đ/phòng).

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI